Xét nghiệm Pap (Pap smear) là phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung phổ biến hiện nay. Thông qua quá trình phết tế bào và quan sát, bác sĩ (người quan sát) có thể phát hiện được nguy cơ ung thư cổ tử cung từ sớm. Tuy nhiên nhiều chị em cũng thắc mắc về kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung như thế nào là bất thường và bình thường? Nguyên nhân nào khiến kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường?
Nội dung bài viết sẽ cùng bạn tìm hiểu:
Mời bạn đọc tiếp ngay sau đây!
Xét nghiệm Pap là gì?
Xét nghiệm Pap còn được gọi với những tên gọi khác như Pap smear, phết tế bào cổ tử cung, xét nghiệm nhuộm phiến đồ tế bào theo papanicolaou (ít phổ biến) là phương pháp được sử dụng để tầm soát ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Các tế bào được kiểm tra để phát hiện sự biến dạng hoặc thay đổi bất thường. Điều này có thể giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
Bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên về thời điểm thực hiện xét nghiệm Pap dựa trên độ tuổi và nguy cơ mắc bệnh của bạn. Quá trình thực hiện xét nghiệm Pap thường đơn giản, diễn ra tại phòng khám và mất khoảng 10 – 20 phút. Xét nghiệm Pap không gây ra bất kỳ tổn thương nào, trừ một số trường hợp chị em nhạy cảm sẽ cảm thấy hơi khó chịu và kèm theo chút căng thẳng trong lúc thực hiện.
Bạn có thể quan tâm:
Kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường là như thế nào?
Kết quả xét nghiệm Pap thường thể hiện dưới 3 dạng:
- Bình thường (normal): Các tế bào thu thập từ cổ tử cung trong quá trình xét nghiệm Pap là bình thường, vậy nên bạn không cần phải làm bất cứ điều gì cho đến lần xét nghiệm tiếp theo.
- Không rõ ràng (unclear): Kết quả xét nghiệm không rõ ràng, bác sĩ không thể xác định là bình thường hay bất thường. Lúc này bác sĩ có thể sẽ thực hiện tái xét nghiệm lại ngay, hoặc yêu cầu bạn tái khám.
- Bất thường (abnormal): Kết quả xét nghiệm thể hiện rõ sự bất thường ở các tế bào thu được từ cổ tử cung. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là bạn đã bị ung thư cổ tử cung. Để đảm bảo tính chính xác của kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện thêm vài xét nghiệm khác để có cơ sở đưa ra kết luận. Các xét nghiệm khác có thể bao gồm soi cổ tử cung và sinh thiết.
Theo góc độ y khoa, kết quả xét nghiệm Pap âm tính là kết quả xét nghiệm bình thường, không phát hiện các tế bào lạ. Ngược lại, kết quả trả ra dương tính có nghĩa là phát hiện ra sự bất thường trong tế bào cổ tử cung. Tùy vào từng mức độ mà kết quả xét nghiệm Pap sẽ được phân tích và đưa ra hướng dẫn khác nhau.
Nguyên nhân khiến kết quả tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường
Kết quả xét nghiệm Pap bất thường có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng phổ biến nhất là do sự xuất hiện của virus HPV. Virus HPV là một loại virus gây nhiễm trùng và lây qua đường tình dục (STIs) và có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung.
Ngoài ra, theo thông tin của Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ – OASH, các chuyên gia cho biết, các lý do khác khiến kết quả xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung “không rõ ràng” hoặc “bất thường” bao gồm:
- Nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm trùng nấm men hoặc viêm
- Nội tiết tố thay đổi do mang thai hoặc do chu kỳ kinh nguyệt (mãn kinh)
- Các bệnh lý gây suy giảm hệ thống miễn dịch như tiểu đường, ung thư, HIV hoặc các bệnh tự miễn
- Phụ nữ có thói quen hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ nhiễm HPV và phát triển thành ung thư cổ tử cung.
Ai nên làm xét nghiệm Pap?
Hầu hết phụ nữ từ 21 – 65 tuổi nên làm xét nghiệm Pap 1 năm / lần, ngay cả khi bạn ít khi quan hệ tình dục, đã lập gia đình, đã tiêm vắc xin HPV hoặc đã trải qua thời kỳ mãn kinh hay chưa. Nếu bạn làm kết hợp cả xét nghiệm Pap và HPV thì định kỳ 3 năm bạn kiểm tra lại 1 lần nếu kết quả sàng lọc bình thường.
Những nhóm phụ nữ cần được thực hiện xét nghiệm Pap thường xuyên hơn, bao gồm:
- Bạn đã từng thực hiện xét nghiệm Pap và có kết quả bất thường hoặc trải qua ung thư cổ tử cung trước đây
- Mẹ của bạn từng sử dụng diethylstilbestrol (DES) một loại estrogen tổng hợp khi mang thai bạn.
- Có người thân trực hệ mắc ung thư cổ tử cung hay các loại ung thư nói chung
- Bạn dương tính với bệnh HIV/AIDS hoặc bị suy giảm hệ miễn dịch.
Trong khoảng thời gian mang thai, phụ nữ vẫn có thể thực hiện làm xét nghiệm Pap, thậm chí là còn có thể thực hiện soi cổ tử cung nếu có chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thực hiện xét nghiệm Pap trong thời gian hành kinh; mặc dù có phần bất tiện nhưng bác sĩ vẫn khuyến khích bạn thực hiện thay vì bỏ lỡ chỉ vì có kinh nguyệt.
Tuy nhiên, để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh và tránh ngại ngùng bất tiện, bạn hãy đi làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung trước khi mang thai và ngoài chu kỳ kinh nhé.
Câu hỏi thường gặp
Tiền ung thư cổ tử cung giai đoạn 2 là gì?
Theo hệ thống phân loại của Liên đoàn Phụ khoa và Sản khoa Quốc tế, ung thư cổ tử cung giai đoạn 2 là lúc ung thư đã bắt đầu lan ra bên ngoài cổ tử cung nhưng chưa lan đến vách chậu hoặc chưa tới 1/3 dưới âm đạo.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn II được chia thành: Giai đoạn IIA và IIB, trong đó:
IIA: U chưa xâm lấn dây chằng rộng.
- IIA1: U có kích thước lớn nhất không quá 4cm.
- IIA2: U > 4cm.
IIB: U đã xâm lấn dây chằng rộng.
Xét nghiệm PAP và xét nghiệm HPV khác nhau ra sao trong sàng lọc ung thư cổ tử cung?
Xét nghiệm PAP giúp phát hiện những tế bào cổ tử cung bất thường có khả năng tiến triển thành ung thư. Còn xét nghiệm HPV giúp phát hiện sự có mặt của virus HPV – nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ung thư cổ tử cung, loại virus có thể gây biến đổi bất thường tế bào cổ tử cung với chủng nguy cơ cao.
Kết luận
Tóm lại, ung thư cổ tử cung là một loại ung thư rất thường gặp ở nữ giới. Xét nghiệm Pap là phương pháp phổ biến để tầm soát bệnh.
Song kết quả xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung bất thường (dương tính) cũng chưa thể xác định là bạn có bị ung thư cổ tử cung hay không. Do đó, việc bạn nên làm tiếp theo là tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ sau khi nhận kết quả xét nghiệm.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến ung thư cổ tử cung hoặc các vấn đề sức khỏe phụ nữ khác, bạn có thể để lại câu hỏi ở phần bình luận dưới bài viết để được đội ngũ chuyên gia của Sức khỏe hỗ trợ giải đáp. Bạn cũng có thể tham gia cộng đồng sức khỏe phụ nữ của chúng tôi để cùng thảo luận, cập nhật những thông tin sức khỏe mới nhất.
Bạn có thể quan tâm: