Tim có 4 van, ngăn cách giữa 4 buồng tim và các đại động mạch nhằm giữ máu lưu thông theo một chiều nhất định. Để thực hiện được chức năng này, mỗi van tim có các nắp (lá van) đóng mở nhịp nhàng trong mỗi lần tim bơm máu. Nguyên nhân hở van tim là do van không đóng kín sau mỗi nhát bóp, khiến một lượng máu bị chảy ngược trở lại. Hậu quả cuối cùng là tuần hoàn của cơ thể bị trì trệ, tim phải làm việc nỗ lực hơn nhằm bù đắp thể tích và cuối cùng có thể gây suy tim.
Bệnh hở van tim có thể xảy ra ở bất kỳ một trong 4 van tim sau đây:
- Van động mạch chủ nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ (động mạch chính trong cơ thể).
- Van hai lá nằm giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái.
- Van động mạch phổi nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi.
- Van ba lá nằm giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải.
Nguyên nhân gây hở van tim có thể đến từ nhiều bệnh lý hoặc những tình trạng khác gây tổn thương van tim. Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ có thể khiến một người có nhiều khả năng mắc bệnh hơn những người khác. Mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết hơn trong bài viết ngay sau đây nhé!
Nguyên nhân hở van tim là gì?
Van hai lá và van động mạch chủ thường bị hở nhiều nhất, nhưng bệnh hở van tim cũng có thể xảy ra với bất kỳ van nào của tim với các mức độ khác nhau. Nguyên nhân hở van tim có thể bao gồm:
Nhồi máu cơ tim
Tại sao bị hở van tim? Một cơn nhồi máu cơ tim có thể làm tổn thương vùng cơ tim hỗ trợ van qua hệ thống dây chằng, gây ra hở van đột ngột và nghiêm trọng. Kết cục là suy tim cấp tính và có thể dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân bị hở van tim là do sa van hai lá
Khi bị sa van hai lá, các lá van hai lá phồng lên và không đóng lại đúng cách trong quá trình tim co bóp, khiến máu chảy ngược dòng. Đây cũng là nguyên nhân gây hở van hai lá.
Nguyên nhân hở van tim do biến chứng sau nhiễm trùng
Nhiễm trùng van tim (viêm nội tâm mạc) hay sốt thấp khớp có thể là nguyên nhân hở van tim. Cụ thể như sau:
- Viêm nội tâm mạc. Van tim bị hỏng do nhiễm trùng màng trong tim (viêm nội tâm mạc). Tình trạng này có thể làm hỏng van động mạch chủ hoặc van hai lá.
- Sốt thấp khớp. Sốt thấp khớp là một biến chứng của bệnh viêm họng do nhiễm trùng liên cầu khuẩn không được điều trị. Sốt thấp khớp có thể làm hỏng van hai lá hoặc khiến van động mạch chủ trở nên cứng và hẹp, gây rò rỉ máu.
Bệnh van tim bẩm sinh
Tại sao lại bị hở van tim? Một số người được sinh ra với các vấn đề về cấu trúc tim, bao gồm những bất thường giải phẫu ở van tim. Điều này có thể khiến van tim có hình dạng bất thường, không đóng kín sau mỗi chu kỳ tim bơm máu.
Nguyên nhân hở van tim là do bệnh cơ tim
Các loại bệnh cơ tim liên quan đến hở van tim bao gồm bệnh cơ tim giãn nở và bệnh cơ tim phì đại. Tim to có thể kéo căng mô xung quanh van, làm dãn vòng van khiến lá van khó đóng kín. Các trường hợp này được phân loại là hở van tim thứ phát.
Dây chằng van tim suy yếu hoặc tổn thương
Theo thời gian, các dây chằng giữ phần nắp của van với thành tim có thể bị kéo căng hoặc rách, đặc biệt là ở những người bị sa van hai lá. Vết rách có thể gây ra dòng phụt ngược qua van hai lá đột ngột và cần phải tiến hành phẫu thuật hở van tim để sửa van hai lá.
Chấn thương
Chấn thương thể chất có thể làm tổn thương mô tim, chẳng hạn như chứng phình tách động mạch chủ gây ảnh hưởng tới van động mạch chủ, khiến van này bị hở.
Vôi hóa trên van do tuổi tác
Quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể cũng có thể là nguyên nhân hở van tim. Ở người lớn tuổi, các cặn canxi có thể hình thành ở trên lá van, khiến chúng trở nên thoái hóa, thô ráp và không thể đóng kín hoàn toàn được.
Các bệnh lý khác
Một số bệnh lý khác cũng có thể là nguyên nhân hở van tim bao gồm: bệnh mạch vành, huyết áp cao, tăng huyết áp động mạch phổi.
Các tình trạng hiếm gặp, chẳng hạn như bệnh giang mai (một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục) không được điều trị hoặc hội chứng Marfan (một bệnh về mô liên kết) có thể khiến van tim mở rộng và dẫn đến hở van.
Ngoài ra, bệnh tự miễn dịch, chẳng hạn như lupus, viêm khớp dạng thấp đôi khi dẫn tới hở van tim. Nguyên nhân là trong những tình trạng này là do hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào các mô khỏe mạnh, trong đó có thể có van tim.
Các yếu tố nguy cơ
Ngoài những nguyên nhân hở van tim đã đề cập ở trên, bạn cũng sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh nếu:
- Đã từng xạ trị vùng ngực điều trị ung thư
- Tuổi cao
- Huyết áp cao
- Sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch, dùng ma túy sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng van tim.
Hiểu nguyên nhân hở van tim để biết cách phòng ngừa
Một số nguyên nhân hở van tim do bệnh lý di truyền là không thể thay đổi được. Tuy nhiên, một số thay đổi trong lối sống sau đây có thể giúp bạn giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh:
- Đi khám sức khỏe định kỳ. Nếu bạn có bất kỳ loại bệnh tim nào hoặc tiền sử gia đình có người bị bệnh tim, hãy thăm khám sức khỏe định kỳ để được theo dõi và điều trị
- Quản lý huyết áp. Kiểm tra huyết áp thường xuyên và đảm bảo rằng huyết áp được kiểm soát tốt để giảm nguy cơ hở van tim
- Điều trị sốt thấp khớp. Nếu bạn bị đau họng nghiêm trọng, hãy đến gặp bác sĩ để điều trị kịp thời. Viêm họng do liên cầu khuẩn không được điều trị có thể dẫn đến sốt thấp khớp
- Thực hiện chế độ ăn uống tốt cho tim mạch. Ăn thực phẩm ít chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, đường, muối và ngũ cốc tinh chế, chẳng hạn như cơm trắng. Thay vào đó, hãy ăn nhiều loại rau và trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và protein, chẳng hạn như thịt nạc, cá và các loại hạt
- Tập thể dục thường xuyên. Tham khảo ý kiến bác sĩ và lên chế độ tập luyện thể dục phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân
- Ngăn ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Nếu bạn đã thay van tim, bác sĩ có thể đề nghị bạn dùng thuốc kháng sinh trước khi làm thủ thuật nha khoa để ngăn ngừa nhiễm trùng tại van được gọi là viêm nội tâm mạc nhiễm trùng
- Tránh hoặc hạn chế rượu, bỏ thuốc lá. Các tác nhân này có thể gây rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, tổn thương cơ tim.
Hi vọng bài viết này đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc nguyên nhân hở van tim là do đâu, cũng như các yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa nhé!
[embed-health-tool-heart-rate]