Bệnh khô mắt ở trẻ em tuy không phổ biến nhưng lại gây ra nhiều khó chịu cho các bé. Tình trạng trẻ bị khô mắt còn có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều căn bệnh nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa.
Tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Sức khỏe để biết được những nguyên nhân khiến trẻ bị khô mắt.
5 nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị khô mắt
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị khô mắt. Trong đó, một số nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh khô mắt ở trẻ em bao gồm:
1. Bệnh khô mắt bốc hơi (Evaporative dry eye disease)
Nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ bị khô mắt là bệnh khô mắt bốc hơi, thường gặp nhất do rối loạn chức năng tuyến meibomian (MGD). Nghiên cứu chỉ ra rằng, khoảng 42% trẻ em được nghiên cứu có một số rối loạn chức năng tuyến meibomian. Các tuyến nhỏ trên mí mắt sản xuất lipid trộn với nước mắt để tạo thành màng nước mắt. Khi các tuyến này không hoạt động bình thường (không đủ lượng lipid hoặc chất lượng lipid không đủ tốt), màng nước mắt sẽ có chất lượng kém hơn và tình trạng khô mắt bốc hơi cũng sẽ xảy ra. Lúc này, mắt không nhận được độ ẩm cần thiết khiến trẻ bị khô mắt.
2. Trẻ bị khô mắt do dị ứng
Phản ứng dị ứng với các dị nguyên thông thường trong nhà và ngoài trời (như phấn hoa, lông thú cưng, khói thuốc…) có thể khiến mắt trẻ bị khô và kích ứng.
3. Viêm bờ mi
Viêm bờ mi là tình trạng mí mắt bị viêm, hiện được phân loại là một dạng rối loạn chức năng tuyến meibomian (MGD) và có thể có nguồn lây nhiễm hoặc không lây nhiễm. Tình trạng viêm mép mí mắt này có thể ảnh hưởng đến thành phần của màng nước mắt, gây ra vảy giống gàu và có thể khiến trẻ bị khô mắt. Trong một số trường hợp, viêm bờ mi có liên quan đến bệnh trứng cá đỏ hoặc các tình trạng da khác, đặc biệt là ở những người gốc châu Âu.
4. Trẻ bị khô mắt do sử dụng thuốc
Một số loại thuốc, bao gồm cả thuốc tránh thai cho thanh thiếu niên, thường được kê đơn để điều trị mụn trứng cá, đau bụng kinh. Các loại thuốc này ảnh hưởng đến độ ẩm trong mắt do thay đổi nội tiết tố và có thể vô tình gây ra chứng khô mắt thứ phát. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc kháng histamin và thuốc trị mụn cũng có thể gây ra hội chứng khô mắt ở trẻ em.
5. Mối quan hệ giữa thời gian sử dụng màn hình và khô mắt ở trẻ em
Nghiên cứu chỉ ra rằng, việc trẻ sử dụng điện thoại thông minh, máy tính, màn hình điện tử… có liên quan chặt chẽ đến bệnh khô mắt ở trẻ em. Nghiên cứu cũng lưu ý rằng, hoạt động ngoài trời dường như cung cấp một số biện pháp bảo vệ trẻ khỏi căn bệnh này.
Trẻ bị khô mắt: Điểm mặt 10 nguyên nhân nghiêm trọng
Đôi khi, trẻ bị khô mắt là một dấu hiệu cho thấy một tình trạng nghiêm trọng hơn đang xảy ra. Các tình trạng gây khô mắt ở trẻ em này tuy nghiêm trọng nhưng hiếm gặp, bao gồm:
1. Hội chứng Sjogren
Đây là một hội chứng rối loạn tự miễn dịch, trong đó các tế bào bạch cầu của cơ thể chống lại các tuyến sản xuất độ ẩm trong cơ thể. Điều này có thể ảnh hưởng đến các tuyến sản xuất nước mắt và lipid cho màng nước mắt, dẫn đến bệnh khô mắt ở trẻ em.
2. Viêm khớp dạng thấp vị thành niên (JRA)
Bệnh khô mắt là một vấn đề phổ biến ở trẻ em bị JRA. Trong một nghiên cứu, 75% những người bị JRA bị bệnh khô mắt và 5% mắc bệnh này ở mức độ nặng. JRA cũng có thể gây viêm màng bồ đào (một dạng bệnh viêm mắt).
3. Bệnh tiểu đường
Một số nghiên cứu cho thấy có sự gia tăng đáng kể bệnh khô mắt ở trẻ em bị tiểu đường loại 1 và loại 2.
4. Rối loạn nội tiết
Các vấn đề nội tiết tố như rối loạn tuyến giáp và các rối loạn nội tiết khác có thể gây khô mắt. Những tình trạng này cực kỳ hiếm gặp ở trẻ em nhưng lại là nguyên nhân phổ biến của bệnh khô mắt ở người lớn.
5. Trẻ bị khô mắt do thiếu hụt vitamin và chất dinh dưỡng
Khô mắt thiếu vitamin gì? Nghiên cứu chỉ ra rằng, có mối liên hệ chặt chẽ giữa thiếu vitamin A và bệnh khô mắt ở trẻ em. Sự thiếu hụt vitamin A và axit béo omega-3 có thể khiến trẻ bị khô mắt. Thậm chí, ở các nước đang phát triển, tình trạng thiếu hụt vitamin A phổ biến ở trẻ em dưới 5 tuổi và gây mù lòa cho 250.000 – 500.000 trẻ em mỗi năm. Sự thiếu hụt có thể do dinh dưỡng kém hoặc cơ thể kém hấp thu vitamin. Bệnh Celiac – một rối loạn tự miễn di truyền, có thể gây ra tình trạng kém hấp thu vitamin A ở trẻ.
6. Trẻ bị khô mắt là biểu hiện của nhiễm trùng
Bệnh nhiễm trùng, bao gồm cả nhiễm trùng virus herpes simplex, có thể ảnh hưởng đến mắt. Virus herpes simplex rất phổ biến ở trẻ em và có thể gây ra các vấn đề về giác mạc hoặc viêm trên bề mặt của mắt. Đôi khi, viêm giác mạc do virus này có thể phá vỡ sự bao bọc của giác mạc, ảnh hưởng đến sự điều tiết và thành phần của nước mắt. Một bệnh nhiễm trùng khác có thể phá vỡ màng nước mắt và gây ra bệnh khô mắt ở trẻ em là viêm kết mạc.
7. Rối loạn di truyền và rối loạn thần kinh
Các bệnh di truyền và rối loạn thần kinh như hội chứng Riley-Day, tuy khá hiếm gặp nhưng có thể liên quan đến chứng alacrima và chứng khô mắt nghiêm trọng.
8. Hội chứng Stevens-Johnson
Đây là một phản ứng miễn dịch nghiêm trọng với thuốc, gây phồng rộp niêm mạc mắt. Những loại thuốc có thể gây ra hội chứng này bao gồm: Advil hoặc Motrin (ibuprofen) và các loại thuốc sulfa, bao gồm cả Bactrim.
9. Trẻ bị khô mắt do viêm kết mạc dọc
Đây là một bệnh viêm tái phát ở cả hai mắt ảnh hưởng đến nam giới trẻ tuổi.
10. Bệnh ghép chống chủ (GVHD)
Trẻ em được cấy ghép tủy xương hoặc tế bào gốc dị sinh cho bệnh bạch cầu hoặc các vấn đề di truyền thường gây ra bệnh ghép chống chủ do phản ứng miễn dịch với các tế bào “ngoại lai”. Cấu trúc mắt bị ảnh hưởng ở khoảng 80% bệnh nhân GVHD. Các vị trí liên quan phổ biến nhất là bề mặt mắt và tuyến lệ, dẫn đến khô mắt.
Những nguyên nhân hiếm gặp nhưng nguy hiểm này là lý do tại sao cha mẹ phải nhanh chóng tìm kiếm sự chăm sóc y tế đối với chứng khô mắt dai dẳng ở trẻ em.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được vì sao trẻ bị khô mắt. Khi phát hiện bệnh khô mắt ở trẻ em, bạn nên nhanh chóng đưa bé đi khám để sớm phát hiện những trường hợp bệnh do bất kỳ nguyên nhân nguy hiểm nào gây ra, từ có có phương pháp điều trị kịp thời.
[embed-health-tool-vaccination-tool]