Bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể không tạo ra đủ hoặc không sử dụng được insulin hiệu quả. Hormone insulin này có vai trò đưa đường glucose từ trong máu vào tế bào để tiêu thụ, tạo ra năng lượng. Hậu quả của việc khiếm khuyết insulin hay đề kháng insulin là đường bị giữ lại trong máu, khiến đường huyết tăng lên. Vậy, nguyên nhân tiểu đường cụ thể của 3 loại thường gặp là tuýp 1, tuýp 2 và thai kỳ là gì? Mời bạn cùng tìm hiểu!
Nguyên nhân tiểu đường tuýp 1
Bệnh tiểu đường tuýp 1 xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, đi tấn công và phá hủy các tế bào beta sản xuất insulin của tuyến tụy.
Các nhà nghiên cứu cho rằng bệnh tiểu đường tuýp 1 là do gen và các yếu tố môi trường, chẳng hạn như virus.
Họ vẫn đang nỗ lực xác định nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường tuýp 1, cách ngăn ngừa cũng như làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
Nguyên nhân tiểu đường tuýp 2
Đây là loại bệnh tiểu đường phổ biến nhất. Bệnh tiểu đường tuýp 2 thường bắt đầu bằng tình trạng kháng insulin. Đây là tình trạng các tế bào cơ, gan và mỡ không sử dụng tốt insulin. Kết quả là cơ thể cần nhiều insulin hơn để giúp glucose đi vào tế bào. Lúc đầu, tuyến tụy tạo ra nhiều insulin hơn để đáp ứng nhu cầu tăng thêm. Theo thời gian, tuyến tụy không thể sản xuất đủ insulin nữa và lượng đường trong máu tăng lên.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ kháng insulin, có thể là nguyên nhân bị tiểu đường tuýp 2 bao gồm:
Thừa cân, béo phì, lười vận động
Bạn có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 nếu:
- Ít hoặc không vận động
- Thừa cân, béo phì dẫn đến tình trạng kháng insulin
- Nhiều mỡ bụng.
Gen và tiền sử gia đình
Giống như tuýp 1, một số gen nhất định có thể khiến bạn dễ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Bệnh có xu hướng di truyền trong gia đình và xảy ra phổ biến hơn ở các nhóm chủng tộc/dân tộc sau:
- Người Mỹ gốc Phi
- Thổ dân Alaska
- Người Ấn gốc Mỹ
- Người Mỹ gốc Á
- Người gốc Tây Ban Nha/Latinh
- Người Hawaii bản địa
- Dân đảo Thái Bình Dương
Gen cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 bằng cách làm tăng xu hướng thừa cân hoặc béo phì ở một số người.
Nguyên nhân tiểu đường thai kỳ là gì?
Tại sao bị tiểu đường thai kỳ thì các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân là do sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai kết hợp với di truyền và lối sống.
Nội tiết tố
Các hormone do nhau thai sản xuất góp phần gây ra tình trạng kháng insulin, xảy ra ở thời kỳ giữa và cuối của thai kỳ. Hầu hết phụ nữ mang thai có thể sản xuất đủ insulin để bù đắp, khắc phục tình trạng kháng insulin. Tuy nhiên, tuyến tụy của một số người không thể cung cấp đủ insulin nên họ gặp tình trạng tiểu đường thai kỳ.
Cân nặng
Cân nặng dư thừa có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ. Phụ nữ mang thai tăng cân quá nhiều, dễ gặp phải tình trạng kháng insulin hơn.
Gen và tiền sử bệnh gia đình
Gia đình có tiền sử mắc bệnh tiểu đường khiến phụ nữ có nhiều khả năng mắc bệnh tiểu đường thai kỳ hơn. Điều này chứng tỏ rằng gen đóng một vai trò nhất định. Đây cũng là lý do giải thích tại sao chứng rối loạn này xảy ra thường xuyên hơn ở:
- Người Mỹ gốc Phi
- Người Mỹ gốc Ấn Độ
- Người châu Á
- Người gốc Tây Ban Nha/Latinh.
Ngoài ra, nếu bạn đã từng sinh con trên 4.0kg, bị tiểu đường thai kỳ ở lần trước, từng phẫu thuật cắt dạ dày hoặc phẫu thuật giảm cân khác cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Nguyên nhân gây tiểu đường khác
Ngoài những nguyên nhân tiểu đường và yếu tố nguy cơ của từng dạng tiểu đường kể trên, có một số tình trạng và bệnh lý khác có thể dẫn đến bệnh tiểu đường.
Đột biến gen
- Bệnh tiểu đường đơn gen là do đột biến hoặc thay đổi ở một gen duy nhất. Những thay đổi này thường được truyền qua các gia đình, nhưng đôi khi đột biến gen tự xảy ra. Hầu hết các đột biến gen này gây ra bệnh tiểu đường bằng cách làm giảm khả năng sản xuất insulin của tuyến tụy. Các loại bệnh tiểu đường đơn gen phổ biến nhất là:
-
- Bệnh tiểu đường ở trẻ sơ sinh: xảy ra trong 6 tháng đầu đời.
- Bệnh tiểu đường khởi phát ở người trẻ (MODY): thường chẩn đoán ở tuổi thiếu niên hoặc đầu tuổi trưởng thành, nhưng đôi khi căn bệnh này không được chẩn đoán cho đến khi về già.
- Bệnh xơ nang gây sẹo ở tuyến tụy. Vết sẹo này có thể ngăn cản tuyến tụy sản xuất đủ insulin.
- Bệnh Hemochromatosis khiến cơ thể tích trữ quá nhiều chất sắt. Nếu bệnh không được điều trị, sắt có thể tích tụ, làm tổn thương tuyến tụy và các cơ quan khác.
Bệnh nội tiết
Một số bệnh nội tiết tố khiến cơ thể sản xuất quá nhiều một số loại hormone nhất định, đôi khi gây ra tình trạng kháng insulin. Chúng bao gồm:
- Hội chứng Cushing xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều cortisol – hormone gây căng thẳng.
- Bệnh to đầu chi xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều hormone tăng trưởng.
- Bệnh cường giáp xảy ra khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp.
Tổn thương hoặc cắt bỏ tuyến tụy
Viêm tụy, ung thư tuyến tụy và chấn thương tụy đều có thể gây hại cho tế bào beta trong tuyến tụy hoặc làm giảm khả năng sản xuất insulin của chúng, dẫn đến bệnh tiểu đường. Nếu tuyến tụy tổn thương bị cắt bỏ, bệnh tiểu đường sẽ xảy ra do mất tế bào beta.
Nguyên nhân tiểu đường là do dùng các loại thuốc
Đôi khi, một số loại thuốc có thể gây hại cho tế bào beta hoặc làm gián đoạn hoạt động của insulin, bao gồm:
- Niacin (vitamin B3)
- Một số loại thuốc lợi tiểu
- Thuốc chống động kinh
- Thuốc tâm thần
- Thuốc điều trị HIV
- Pentamidine
- Glucocorticoids
- Thuốc chống thải ghép ở người ghép tạng.
Thuốc hạ mỡ máu statin cũng có thể làm tăng nhẹ nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, statin giúp bảo vệ bạn khỏi bệnh tim và đột quỵ. Vì lợi ích lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ nên thuốc vẫn được sử dụng phổ biến.
Nhiều người cũng thắc mắc ăn nhiều đường có bị tiểu đường không thì câu trả lời là không. Ăn nhiều đường dẫn tới dư thừa lượng calo nạp vào cơ thể, gây ra tình trạng thừa cân, béo phì và làm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Bệnh tiểu đường xảy ra khi lượng đường trong máu (glucose) quá cao. Nó phát triển khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc các tế bào trong cơ thể bị đề kháng insulin. Mỗi loại bệnh tiểu đường cụ thể sẽ có nguyên nhân tiểu đường khác nhau.