Nám da ở nam giới tuy không phổ biến, nhưng nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của các “đấng mày râu”. Hiểu rõ về các đặc điểm của bệnh nám da ở nam giới sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn tình trạng bệnh.
Nám da là một bệnh lý về da phổ biến đặc trưng bởi sự xuất hiện của tình trạng tăng sắc tố da đối xứng, khiến làn da không đều màu, và có một số vùng da sẫm màu hơn các khu vực còn lại.
Mặc dù nám da có thể ảnh hưởng đến cả 2 giới nhưng hiện nay, các nghiên cứu về cách điều trị nám da ở nam giới vẫn còn hạn chế.
Nguyên nhân nám da mặt ở nam giới
Nguyên nhân chính xác gây nám da hiện nay vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên vẫn có 1 số yếu tố làm tăng nguy cơ bị nám da như: tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, ảnh hưởng của nội tiết tố và cơ địa nhạy cảm di truyền. Trong đó, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là một yếu tố căn nguyên quan trọng gây ra nám da, bất kể giới tính người bệnh.
Do tác động từ ánh nắng mặt trời
Các bức xạ tia cực tím UVA và UVB thúc đẩy sự tăng sinh và các hoạt động của tế bào hắc tố, từ đó gây ra sắc tố biểu bì và xuất hiện các vùng da bị nám nhiều hơn. Điều này càng được chứng minh bởi những phát hiện tình trạng nám da thường được cải thiện trong mùa đông và sẽ ngày càng trầm trọng hơn trong những tháng mùa hè (hoặc trong những thời gian làn da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gay gắt).
Hơn nữa, tỷ lệ nám da ở nam giới thường có tỷ lệ cao ở những vùng nhiệt đới và các vùng có nhiệt độ cao. Gần đây, bức xạ hồng ngoại và ánh sáng khả kiến cũng được cho là nguyên nhân gây nám da, dù không nghiêm trọng như bức xạ tia UV. Trong phần lớn các nghiên cứu về nam giới bị nám da, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời được ghi nhận là nguyên nhân chủ yếu gây ra vấn đề này.
Do di truyền
Căn nguyên di truyền của nám da là một yếu tố nguy cơ đáng chú ý. Sự xuất hiện của nám da đã được quan sát ở một cặp song sinh cho thấy phần di truyền chung. Điều này đã được xác nhận trong các nghiên cứu khác nhau, với tiền sử nám da do di truyền từ gia đình chiếm tỷ lệ từ 10% đến 70% bệnh nhân trong các nghiên cứu về nám da ở các nhóm dân số Iran, Singapore, Tây Ban Nha và Mỹ gốc Phi.
Tình trạng nám da ở nam giới đã được báo cáo giữa các thành viên cùng huyết thống trong gia đình (ví dụ: mẹ, anh chị em, cô dì và chú bác). Tuy nhiên, không có báo cáo nào về các bệnh nhân bị nám da do di truyền từ người cha.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào về mối liên hệ giữa gen và nám da. Sự khác biệt về khuynh hướng di truyền trong các bài nghiên cứu và quần thể khác nhau có thể là do nguyên nhân đa yếu tố của nám da, cho thấy rằng sự phát triển của bệnh có thể liên quan đến việc kiểm soát nội tiết tố biểu sinh và các kích thích môi trường khác, chẳng hạn như bức xạ UV.
Tuổi tác
Khi các dấu hiệu lão hóa da càng rõ rệt, số lượng tế bào sản xuất melanin sẽ giảm. Tuy nhiên, các tế bào còn lại sẽ tăng kích thước và cũng chỉ thường tập trung tại một số khu vực nhất định trên da. Những thay đổi sinh lý này được cho là nguyên nhân của sự gia tăng sắc tố, các đốm đồi mồi ở những người từ 40 tuổi trở lên.
Rối loạn nội tiết tố
Sự mất cân bằng nội tiết tố giữa estrogen và testosterone là một trong những nguyên nhân phát triển nám da ở nam giới. Estrogen làm giảm testosterone trong máu, ngăn chặn hormone leuteinizing (LH) và kích thích hormone nang trứng (FSH) . Từ đó làm tăng nồng độ estrogen bằng cách đảo ngược sự ức chế LH và FSH. Tác động của estrogen lên tế bào hắc tố và cảm ứng sắc tố trong bệnh nám da đã được ghi nhận rõ ràng.
Do sử dụng thuốc
Bên cạnh các yếu tố nội tiết tố nội sinh, việc sử dụng thuốc nội tiết tố ngoại sinh hoặc tác nhân đều có thể gây ra nám da. Một số trường hợp bị nám da sau khi áp dụng liệu pháp hormone (ví dụ: liệu pháp estrogen, fosfestrol tetrasodium, tác nhân androgen, Andro-6, và Finasteride) đã được báo cáo. Finasteride được cho là có khả năng làm tăng testosterone, dẫn đến việc hình thành sắc tố nám da cho những lần tiếp theo.
>>> Bạn có thể quan tâm: Hormone gây ra mụn như thế nào?
Dùng mỹ phẩm
Việc sử dụng mỹ phẩm hoặc tiêu thụ một số loại thuốc và các chất nhạy cảm với ánh sáng khác cũng có liên quan đến nguyên nhân hình thành nám da ở nam giới. Một nghiên cứu của Ấn Độ đã cho thấy nam giới bị nám da thường sử dụng dầu mù tạt để massage cơ thể và tóc chiếm tỷ lệ cao (43,9%) so với phụ nữ (31,4%).
Dầu mù tạt hoạt động như một cảm ứng ánh sáng, có thể dẫn đến chứng tăng sắc tố da mặt, chủ yếu ở vùng trán và vùng thái dương của khuôn mặt. Tuy nhiên, vẫn cần có các nghiên cứu sâu hơn để chứng minh mối quan hệ giữa việc sử dụng dầu mù tạt và nám da ở nam giới.
Các khu vực nám da ở nam giới thường xuất hiện
Các khu vực thường hay xuất hiện nám da trên mặt như: sống mũi, trán, 2 bên má, môi trên. Ngoài ra, nám da ở nam giới cũng có thể xuất hiện ở các vùng da khác trên cơ thể, đặc biệt là các khu vực hay tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: cẳng tay, cổ, vai.
Chẩn đoán
Tiền sử bệnh chi tiết, kiểm tra lâm sàng kỹ lưỡng về da, soi da và mô bệnh học sẽ giúp ích trong việc đưa ra chẩn đoán chính xác về bệnh da liễu này.
Cách điều trị nám da mặt ở nam giới
Nhiều bác sĩ cho rằng đàn ông thường không quan tâm nhiều đến vẻ ngoài làn da như phụ nữ, và cũng chỉ miễn cưỡng tuân theo kế hoạch chăm sóc da nghiêm ngặt. Tuy nhiên, nam giới vẫn có những lý do, hay động lực nhất định để tuân thủ các điều trị theo chỉ định phác đồ trị nám da của bác sĩ.
Để khuyến khích bệnh nhân tuân thủ điều trị, bác sĩ thường xem xét cẩn thận nhu cầu cá nhân của từng bệnh nhân khi tạo phác đồ điều trị. Nguyên nhân là vì sở thích và mong đợi có thể rất khác nhau giữa nam giới và nữ giới. Cụ thể, một số bệnh nhân sẽ từ chối dùng các sản phẩm có mùi hương nồng, dễ gây nhờn da hoặc các chất ngụy trang che chắn. Ngoài ra, một số bệnh nhân cũng không quá hứng thú với việc thoa các sản phẩm dưỡng da nhiều lần trong 1 ngày, hay thậm chí là 1 lần/ ngày.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng thường hướng dẫn bệnh nhân về nguyên nhân, phương pháp phòng ngừa, cách điều trị và tỷ lệ tái phát.
Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng
Một trong những biện pháp khắc phục nám da ở nam giới quan trọng nhất đó chính là việc tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Điều này giúp cải thiện tình trạng nám hiện tại, và ngăn ngừa nám tái phát trong tương lai.
Kem chống nắng phổ rộng (UVA và UVB) và kem chống nắng vật lý như oxit kẽm hoặc titanium dioxide có chỉ số chống nắng SPF 50+ được khuyến khích nên sử dụng. Bên cạnh việc bôi kem chống nắng, bệnh nhân cũng nên đội thêm mũ và mặc quần áo chống nắng để bảo vệ làn da hiệu quả.
>>> Bạn có thể quan tâm: 12 bệnh da liễu thường gặp ở nam giới bạn nên cẩn thận
Sử dụng các hoạt chất trị nám da
Một số biện pháp điều trị nám da khác nhau bao gồm việc dùng các chất khử hắc tố bôi tại chỗ hoặc qua đường uống, peel da hoặc các phương pháp phẫu thuật, chẳng hạn như mài da và chiếu laser. Mặc dù vậy, hydroquinone (HQ) và kem kết hợp bộ ba (HQ + axit retinoic [RA] + corticosteroid [CS]) vẫn được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị nám da.
Ngoài ra, các lựa chọn điều trị thay thế khác có thể được sử dụng tại chỗ bao gồm kết hợp kép (HQ + RA, CS + RA; HQ + CS), axit kojic, axit azelaic, arbutin, mequinol, axit ascorbic, axit tranexamic, rucinol, lignin peroxidase, chiết xuất phong lan và chiết xuất cam thảo.
Trước khi sử dụng những hoạt chất này để điều trị nám da, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu.
Peel da hóa học và liệu pháp ánh sáng laser
Một số phương thức điều trị khác như peel da cùng với liệu pháp ánh sáng laser cũng được cân nhắc sử dụng. Trong một nghiên cứu về hiệu quả của các phương pháp điều trị nám da, 5 người đàn ông bị nám da đã được điều trị bằng sự kết hợp giữa mequinol 2% và dung dịch axit retinoic 0,01%. Kết quả là 4 người trong số đó khỏi bệnh hoàn toàn và 1 bệnh nhân cải thiện nám da ở mức độ vừa phải sau 12 tuần.
Điều trị tại chỗ với kem kết hợp bộ ba
Điều trị nội khoa là phương pháp chính trong việc kiểm soát tình trạng nám da ở nam giới và có thể áp dụng kết hợp nhiều phương pháp để tối ưu hóa kết quả. Theo phần tổng quan nghiên cứu của Krupashankar và cộng sự, liệu pháp điều trị tại chỗ với kem kết hợp bộ ba nên là phương pháp điều trị hàng đầu cho bệnh nhân bị nám.
Liệu pháp đơn trị liệu và liệu pháp kép có hiệu quả thấp hơn, tác dụng cũng chậm hơn và được khuyến cáo cho những bệnh nhân không thể tiếp cận liệu pháp bộ ba hoặc những người nhạy cảm với các thành phần trên.
Ngoài ra, một thành phần quan trọng khác giúp chống nám da ở nam giới đó chính là sử dụng các chất peel da, chẳng hạn như axit glycolic, axit mandelic, axit lactic, lột da jessner, axit trichloroacetic và retinoid. Tuy nhiên, những người có làn da sẫm màu nên thận trọng khi sử dụng phương pháp lột da trị nám, vì tỷ lệ tác dụng phụ như kích ứng da và tăng sắc tố da sau viêm sẽ cao hơn.
Trị nám da bằng laser có thực sự hiệu quả?
Nhiều nghiên cứu đã báo cáo các kết quả trái ngược nhau với laser điều trị nám da. Mặc dù laser có thể đem đến kết quả nhanh chóng và cải thiện một số trường hợp nám da ở nam giới đáng kể, nhưng các tác dụng phụ như kích ứng, tăng sắc tố sau viêm, giảm sắc tố lốm đốm và tăng sắc tố da phục hồi có thể xảy ra, đặc biệt ở những người có làn da sẫm màu. Không có sự thống nhất trong các tài liệu nghiên cứu về tính an toàn, hiệu quả hoặc độ bền của các phương pháp điều trị dựa trên phương pháp laser.
Do đó, laser không được coi là phương pháp điều trị hàng đầu cho nám da ở cả hai giới. Người bệnh chỉ nên sử dụng biện pháp này khi họ không phù hợp với các liệu pháp bôi tại chỗ hoặc peel da hóa học.
Tổng kết
Nám da thường được xem là tình trạng thường xảy ra ở nữ giới, tuy nhiên việc nám da xuất hiện ở nam giới không phải là trường hợp hiếm. Tình trạng nám da ở nam giới thường có xu hướng ảnh hưởng đến những người đàn ông có làn da sẫm màu ở châu Á và người Mỹ gốc Phi.
Nám da sẽ ngày càng trầm trọng nếu nguyên nhân đến từ yếu tố môi trường như ánh sáng mặt trời hoặc do vấn đề di truyền. Việc điều trị nám da ở nam giới vẫn còn nhiều thách thức, thường vẫn chưa đạt yêu cầu và cần được tiếp tục đều đặn điều trị để tránh tái phát. Để đảm bảo việc bệnh nhân tuân thủ điều trị đạt hiệu quả tối ưu, bác sĩ thường xem xét các nhu cầu, sở thích và mong đợi của từng bệnh nhân khi đưa ra kế hoạch điều trị.
Dù không nguy hiểm nhưng nám da ở nam giới thường khó điều trị hơn ở nữ giới do nam giới thường ít chăm chút các vấn đề về da. Song để việc điều trị đạt hiêụ quả, việc tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời là một trong những điều kiện cần thiết.
[embed-health-tool-bmi]