Huyết áp thấp, hạ huyết áp hay tụt huyết áp là khi chỉ số huyết áp dưới 90/60mmHg. Tụt huyết áp không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng. Dấu hiệu tụt huyết áp có thể bao gồm chóng mặt, ngất xỉu, đôi khi có thể đe dọa đến tính mạng nếu không xử trí kịp thời.
Trong một số trường hợp, dấu hiệu bị tụt huyết áp rất nguy hiểm nên việc nhận biết sớm để xử trí kịp thời là vô cùng quan trọng. Mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn trong bài viết ngay sau đây nhé!
Các dấu hiệu tụt huyết áp dễ nhận biết
Đối với nhiều người, tụt huyết áp có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Nhiều người thậm chí không biết huyết áp của họ thấp trừ khi họ đi đo huyết áp. Dấu hiệu tụt huyết áp sẽ xảy ra khi tim, não và các bộ phận của cơ thể không nhận được đủ lượng máu cần thiết.
Chúng có thể bao gồm:
- Choáng váng, chóng mặt
- Mệt mỏi, suy nhược
- Nhìn mờ
- Khó tập trung
- Buồn nôn và nôn
- Ngất xỉu.
Nếu bạn gặp phải các dấu hiệu tụt huyết áp khi đứng lên hoặc đột ngột thay đổi tư thế, bạn có thể bị hạ huyết áp tư thế đứng. Đây là hiện tượng huyết áp giảm đột ngột khi bất ngờ đứng dậy từ tư thế ngồi hoặc đang nằm.
Bạn có thể cảm thấy các triệu chứng tụt huyết áp được liệt kê ở trên khi đứng lên, chẳng hạn như cảm thấy chóng mặt hoặc thậm chí ngất xỉu. Các dấu hiệu này sẽ nhanh chóng thuyên giảm khi cơ thể bạn thích nghi, nhưng có thể khiến bạn bị té ngã, thậm chí chấn thương nặng.
Các dấu hiệu tụt huyết áp nguy hiểm
Đối với một số người, dấu hiệu tụt huyết áp xuất hiện là cảnh báo các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là khi nó giảm đột ngột hoặc xuất hiện cùng với các triệu chứng nguy hiểm khác, chẳng hạn như:
- Lú lẫn, đặc biệt ở người lớn tuổi
- Da xanh xao và lạnh
- Thở nhanh, nông
- Mạch yếu và nhanh
- Cảm thấy mệt mỏi, uể oải hoặc hôn mê
- Kích động hoặc những thay đổi bất thường khác trong hành vi.
Nếu người bệnh xuất hiện dấu hiệu tụt huyết áp nguy hiểm vừa kể trên, hãy đưa họ đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu khẩn cấp.
Bạn nên làm gì khi có dấu hiệu tụt huyết áp?
Hầu hết những người có dấu hiệu của tụt huyết áp nhẹ thì không cần dùng thuốc hoặc điều trị y tế ngay lập tức. Thay vào đó, bạn nên áp dụng các mẹo sau đây để giúp giảm nhẹ triệu chứng ngay tại nhà:
- Đứng dậy từ từ và nên thử các động tác đơn giản khác để thúc đẩy máu lưu thông trước khi đứng lên, chẳng hạn như duỗi thẳng và uốn cong chân.
- Hãy cẩn thận khi ra khỏi giường hoặc khi chuyển từ tư thế đang nằm sang tư thế ngồi hay đứng.
- Nếu cảm thấy chóng mặt, choáng váng hoặc xuất hiện các dấu hiệu tụt huyết áp khi đang đứng, hãy ngồi xuống từ từ.
- Nâng đầu giường lên khoảng 15cm để tạo sự thoải mái.
- Quản lý chế độ ăn uống, đặc biệt là lượng muối nạp vào cơ thể.
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, nghỉ ngơi một lúc sau khi ăn.
- Uống nhiều nước.
- Mang vớ ép, gây áp lực nhẹ lên chân và bàn chân, giúp cải thiện tuần hoàn máu và làm tăng huyết áp.
- Đo huyết áp thường xuyên, nếu bạn cảm thấy chóng mặt hoặc ngất xỉu khi đứng lên, bạn có thể phải đo huyết áp khi nằm và đo lại khi đứng lên.
- Không ngồi hoặc đứng liên tục trong thời gian dài.
- Không cúi xuống hoặc thay đổi tư thế đột ngột.
- Không uống đồ uống có caffein vào ban đêm.
- Không uống quá nhiều rượu.
Bạn có thể quan tâm: Tụt huyết áp nên uống gì? 6 loại thức uống dễ làm tại nhà
Khi nào nên đến gặp bác sĩ?
Dấu hiệu tụt huyết áp đôi khi xuất hiện như chóng mặt hoặc chóng váng nhẹ có thể không phải là vấn đề quá nghiêm trọng, trừ khi bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nguy hiểm nào khác hoặc có vấn đề sức khỏe mãn tính.
Nếu bạn có kết quả đo huyết áp thấp liên tục nhưng cảm thấy vẫn ổn, bác sĩ có thể chỉ theo dõi và đề nghị bạn khám sức khỏe định kỳ thường xuyên. Huyết áp của bạn có thể thay đổi tùy thuộc vào thời gian trong ngày.
Bạn nên đến gặp bác sĩ để thăm khám nếu các triệu chứng chóng mặt, ngất xỉu lặp đi lặp lại nhiều lần, hoặc bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu tụt huyết áp ảnh hưởng đến cuộc sống hay làm gián đoạn các hoạt động thường ngày.
Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn bị:
- Đau tức ngực
- Chóng mặt, choáng váng liên tục
- Bị ngã và gặp chấn thương nặng
- Sốt, ớn lạnh
- Đổ mồ hôi
- Thở nhanh
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều
- Khó thở
- Da môi hoặc dưới móng tay tím xanh
- Ngất xỉu.
Nếu tụt huyết áp khiến một người bất tỉnh, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Nếu người đó không thở hoặc không có mạch, hãy bắt đầu hô hấp nhân tạo.
Bạn có thể quan tâm: Tụt huyết áp nên làm gì? Mẹo chữa tụt huyết áp tại nhà
Dấu hiệu tụt huyết áp có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên, nó có nhiều khả năng gây ra các triệu chứng ở người lớn tuổi nếu nguyên nhân là do hạ huyết áp tư thế đứng. Nó cũng có thể xảy ra mà không có triệu chứng đối với những người hoạt động thể chất nhiều, hoặc những người trẻ tuổi. Nhận biết sớm sẽ giúp bạn có cách xử trí phù hợp, cũng như thăm khám và điều trị kịp thời.
[embed-health-tool-heart-rate]