Nếu bạn đang thắc mắc nhịp tim nhanh bao nhiêu, khi nào nguy hiểm hay nhịp tim trên 100 có sao không thì bài viết này là dành cho bạn. Nhịp tim nhanh có thể là một tình trạng cần cấp cứu khẩn cấp, vậy nên, khi có những thông tin cơ bản về tình trạng này sẽ giúp bạn chủ động để đối phó. Cùng tìm hiểu nhé!
Tìm hiểu chung
Nhịp tim nhanh là gì?
Nhịp tim nhanh (tim đập nhanh) hay còn gọi là đánh trống ngực, là tình trạng tim đập mạnh thình thịch, rung rẩy trong lồng ngực hoặc nhịp tim bất thường trong vài giây hoặc vài phút. Bạn cũng có thể có cảm giác nhịp tim đập trong họng hoặc vùng cổ.
Nhịp tim nhanh là bao nhiêu?
Nhịp tim bình thường của người khỏe mạnh là từ 60-100 nhịp/phút. Nhịp tim nhanh là bao nhiêu hay nhịp tim bao nhiêu là nguy hiểm? Nếu nhịp tim trên 100 nhịp/phút được gọi là nhịp tim nhanh.
Nhịp tim nhanh có nguy hiểm không?
Nhịp tim 100 có nguy hiểm không hay nhịp tim cao trên 100 có nguy hiểm không? Nếu bạn thường xuyên có nhịp tim cao trên 100 nhịp/phút, đây là một tình trạng khá nguy hiểm. Lúc này, bạn cần đến trung tâm y tế ngay để được khám, chẩn đoán và điều trị bệnh càng sớm càng tốt.
Nhịp tim nhanh có sao không thì nếu không điều trị hoặc điều trị muộn, tình trạng này có thể gây ra các biến chứng như huyết khối, đột quỵ, suy tim, ngừng tim.
Các dạng nhịp tim nhanh
Có nhiều loại nhịp tim nhanh khác nhau. Cụ thể như sau:
- Rung nhĩ (rung tâm nhĩ), cuồng nhĩ: Rung nhĩ là loại nhịp tim nhanh phổ biến nhất. Trong trường hợp này, tim có thể đập trên 150 – 200 nhịp/phút (rung nhĩ), thậm chí 300 nhịp/phút (cuồng nhĩ), dễ hình thành huyết khối và gây đột quỵ.
- Rung thất (rung tâm thất): Khi bị rung thất, tâm thất (buồng tim phía dưới) chỉ rung lên mà không co bóp. Điều này khiến máu không được bơm ra khỏi tim gây ngừng tim đột ngột, thậm chí dẫn đến tử vong nếu nhịp tim không được thiết lập lại trong vòng vài phút.
- Nhịp nhanh thất: Nhịp tim không đều bắt đầu ở tâm thất. Nhịp tim nhanh không cho tâm thất lấp đầy và co bóp để bơm đủ máu đi khắp cơ thể. Trường hợp nghiêm trọng, nhịp nhanh thất có thể gây ngất xỉu và dẫn đến cơn nhịp nhanh kịch phát thất, rung thất nguy hiểm đến tính mạng.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng nhịp tim nhanh là gì?
Khi tim đập nhanh, bạn có thể cảm giác tim đập như:
- Lỗi nhịp
- Rung
- Nhịp đập quá nhanh
- Bơm máu khó hơn bình thường.
Bạn có thể cảm thấy tim đập nhanh trong họng, vùng cổ hoặc ở ngực. Nhịp tim nhanh có thể xảy ra cho dù bạn đang hoạt động hay nghỉ ngơi, đang đứng, ngồi hoặc nằm.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên liên hệ với bác sĩ nếu có bất cứ triệu chứng đi kèm với nhịp tim nhanh sau đây:
- Khó thở
- Chóng mặt
- Đau ngực
- Ngất xỉu.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nhịp tim nhanh
Có rất nhiều nguyên nhân nhịp tim nhanh. Thông thường, tình trạng này có liên quan đến tim hoặc các nguyên nhân chưa được biết rõ. Nguyên nhân không liên quan đến tim bao gồm:
- Cảm xúc mạnh như lo âu, sợ hãi hoặc căng thẳng, tim đập nhanh do hồi hộp, thường xảy ra trong các cơn hoảng loạn.
- Hoạt động thể chất mạnh
- Sử dụng caffeine, nicotine, rượu hoặc ma túy như cocaine và các chất kích thích.
- Các tình trạng sức khỏe, trong đó có bệnh tuyến giáp, đường huyết thấp, thiếu máu, huyết áp thấp, sốt và mất nước.
- Thay đổi nội tiết tố trong suốt chu kỳ kinh nguyệt, mang thai hoặc tiền mãn kinh. Đôi khi, đánh trống ngực khi mang thai là biểu hiện của bệnh thiếu máu.
- Sử dụng các thuốc như thuốc giảm cân, thuốc làm thông mũi, thuốc hen suyễn dạng hít và một số thuốc được sử dụng để ngăn chặn loạn nhịp (một vấn đề nghiêm trọng về nhịp tim) hoặc thuốc điều trị suy giáp.
- Một số thảo dược và dinh dưỡng bổ sung.
- Nồng độ điện giải bất thường. Một số người có nhịp tim nhanh sau bữa ăn có quá nhiều tinh bột, đường hoặc chất béo. Đôi khi do ăn thực phẩm có chứa rất nhiều bột ngọt (MSG), nitrat hoặc muối.
Tim đập nhanh là bệnh gì? Nhịp tim nhanh cũng có thể liên quan đến các bệnh tim và nhiều khả năng là dấu hiệu loạn nhịp tim (nhịp tim không đều). Các tình trạng về tim gắn với đánh trống ngực bao gồm:
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị nhịp tim nhanh?
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ làm cho tim đập nhanh như:
- Rất căng thẳng
- Hay lo âu hoặc thường xuyên gặp các cơn hoảng loạn
- Đang mang thai
- Dùng thuốc có chứa chất kích thích, chẳng hạn như một số thuốc trị cảm lạnh hoặc trị hen suyễn
- Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp)
- Vấn đề ở tim như rối loạn nhịp tim, khuyết tật tim hoặc nhồi máu cơ tim trước đây
- Dùng trà, cà phê, nước tăng lực hay hút thuốc lá.
Biến chứng
Nhịp tim nhanh có nguy hiểm không?
Bên cạnh bệnh tim đi kèm, đôi khi nhịp tim nhanh chỉ gây một số khó chịu nhẹ. Tuy nhiên, với những người có tiền sử mắc bệnh tim mạch, các biến chứng nặng có thể gặp khi nhịp tim quá nhanh như sau:
- Ngất: Khi mạch đập nhanh quá mức, bạn có thể gặp tình trạng huyết áp tụt đột ngột gây ngất. Tình trạng này sẽ dễ xảy ra với những ai mắc bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh hoặc cơn nhịp nhanh,…
- Ngưng tim: Dù là hiếm gặp, tuy nhiên cơn nhịp nhanh có thể đe dọa tính mạng, thậm chí làm tim ngừng đập.
- Suy tim: Giảm chức năng co bóp của tim lâu dài, từ đó gây rối loạn nhịp tim (nhanh thất, rung thất, rung nhĩ,…).
- Đột quỵ: thường gặp trong rung nhĩ, do đó dễ hình thành cục máu đông trong buồng tim. Từ đó, khiến mạch máu não bị tắc.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán nhịp tim nhanh?
Nếu bác sĩ cho rằng bạn có nhịp tim nhanh, họ sẽ dùng ống nghe để kiểm tra nhịp tim cùng lúc với bắt mạch. Bác sĩ cũng có thể tìm những dấu hiệu của bệnh nội khoa gây tim đập nhanh như cường giáp.
Các xét nghiệm khác có thể được thực hiện bao gồm:
- Điện tâm đồ (ECG). Một ECG có thể giúp bác sĩ phát hiện ra các bất thường trong nhịp đập và cấu trúc của tim dẫn đến tình trạng nhịp tim nhanh. Xét nghiệm này có thể được thực hiện trong khi bạn nghỉ ngơi hoặc tập thể dục (điện tâm đồ gắng sức).
- Theo dõi tim bằng Holter. Màn hình Holter là một thiết bị di động bạn đeo trên người giúp ghi lại điện tim liên tục, thường từ 24 đến 72 giờ. Holter được sử dụng để phát hiện tim đập nhanh khi ECG không đủ hiệu quả ghi nhận bất thường.
- Siêu âm tim. Xét nghiệm này bao gồm siêu âm tim qua thành ngực hay siêu âm tim qua thực quản sẽ cho thấy hình ảnh chi tiết về cấu trúc và chức năng của tim.
Nhịp tim nhanh phải làm sao?
Trừ khi bác sĩ phát hiện ra bạn có vấn đề về tim, nếu không thì bạn không cần điều trị tình trạng này. Thay vào đó, bác sĩ có thể đề nghị cho bạn các cách làm giảm nhịp tim khi tim đập nhanh hiệu quả, thông thường là cần tránh các yếu tố dễ gây kích thích nhịp tim nhanh từ môi trường bên ngoài.
Nếu nhịp tim nhanh là do có vấn đề về tim như rối loạn nhịp tim, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc như thuốc chẹn kênh beta và thuốc chẹn kênh canxi.
Như vậy, khi bạn cảm thấy khó chịu và lo ngại tình trạng nhịp tim nhanh là bệnh gì, bạn cần đặt hẹn khám, được tư vấn từ bác sĩ càng sớm càng tốt.
Một số thông tin cần chuẩn bị khi đi khám:
- Liệt kê đầy đủ các triệu chứng nhịp tim nhanh mà bạn đang mắc phải (có thể là tình trạng tim đập nhanh và khó thở, huyết áp thấp nhịp tim nhanh,…) để bác sĩ có hướng điều trị thích hợp.
- Tiền sử bệnh, tiền sử gia đình, và các yếu tố nguy cơ có thể gây nên bệnh tim mạch.
- Các loại thuốc, thực phẩm chức năng… mà bạn đang sử dụng.
- Những thắc mắc cần hỏi bác sĩ (Nhịp tim nhanh là bao nhiêu, lý do gây nên tình trạng tim đập nhanh, nhịp tim nhanh có nguy hiểm không, tôi nên làm xét nghiệm gì?…)
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa tình trạng nhịp tim nhanh?
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn cải thiện tình trạng tim đập nhanh khá hữu hiệu:
- Giảm căng thẳng hoặc lo âu. Hãy thử các kĩ thuật thư giãn như thiền, yoga, thở sâu hoặc sử dụng hương liệu bằng cách xông hơi, đốt nến thơm.
- Tránh các chất kích thích bao gồm caffeine, nicotine. Một số thuốc trị cảm cúm và thức uống tăng năng lượng có thể làm cho tim của bạn đập nhanh hoặc bất thường.
- Tránh các loại thuốc bất hợp pháp như cocaine và chất kích thích, có thể làm tim đập nhanh.
- Thường xuyên tập thể dục điều độ.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh.
- Kiểm soát huyết áp và cholesterol ở mức bình thường.
FAQ: Những câu hỏi thường gặp về nhịp tim nhanh
Nhịp tim nhanh có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường khiến cho bạn có cảm giác tim đập thình thịch, nhanh mạnh hơn bình thường ở trong ngực hoặc vùng cổ. Sau đây, chúng tôi sẽ giải đáp những thắc mắc phổ biến xoay quanh tình trạng này.
1. Nhịp tim 100 có nguy hiểm không?
Thông thường, nhịp tim lúc nghỉ ngơi sẽ dao động từ khoảng 60 – 100 nhịp mỗi phút. Khi nhịp tim đo được trên 100 nhịp/phút trong trạng thái nghỉ ngơi sẽ được xem là nhịp tim nhanh. Vậy, nhịp tim 100 có nguy hiểm không?
Thực chất, nhịp tim có thể thay đổi trong nhiều trường hợp. Ví dụ, khi tập luyện thể dục hoặc bị căng thẳng, lo lắng, hồi hộp thì tim sẽ đập nhanh hơn bình thường và khi đó nhịp tim 100 lần/phút không phải là vấn đề nguy hiểm. Nhịp tim sẽ ổn định trở lại khi bạn bình tĩnh hoặc nghỉ ngơi mà không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe gì.
Tuy nhiên, nếu nhịp tim nhanh không liên quan đến vận động thể chất hay căng thẳng tâm lý thì phải xét đến phân loại nhịp tim nhanh, tần số tim đập nhanh, thời gian kéo dài cũng như các bệnh lý nền nếu có.
- Rung nhĩ, cuồng nhĩ. Đây là loại nhịp tim nhanh phổ biến nhất, bắt đầu ở tâm nhĩ và còn có đặc điểm là nhịp tim không đều. Tim có thể đập trên 150 hay thậm chí là 200 nhịp/phút (rung nhĩ), đôi khi lên đến 300 nhịp/ phút (cuồng nhĩ).
- Nhịp nhanh thất. Nhịp tim nhanh trên 100 nhịp/phút ở loại này có thể chỉ kéo dài vài giây mà không gây hại. Tuy nhiên, một số trường hợp thời gian kéo dài hơn với nhịp tim rất nhanh sẽ dẫn tới tim “co bóp rỗng” gây ngất xỉu, tụt huyết áp, trụy tuần hoàn và đe dọa tính mạng.
- Rung thất. Nhịp tim nhanh loại này do các tín hiệu điện trong tim diễn ra rất nhanh, hỗn loạn khiến tâm thất chỉ rung lên thay vì phải co bóp. Do đó, máu không được bơm ra khỏi tim gây hạ huyết áp, ngừng tim đột ngột, thậm chí là tử vong nếu không can thiệp kịp thời trong vài phút.
Nếu nhịp tim 100 lần/phút liên tục xảy ra hoặc kéo dài mà không rõ nguyên nhân thì bạn nên đến gặp bác sĩ sớm để được thăm khám, điều trị.
2. Nhịp tim 99 có nguy hiểm không?
Như đã đề cập ở trên, nhịp tim bình thường lúc nghỉ ngơi sẽ khoảng 60 – 100 nhịp/phút nên nhịp tim 99 nhịp/phút vẫn nằm trong khoảng giới hạn này và không quá nguy hiểm.
Nếu có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch hoặc có bệnh lý nền về tim mạch, tốt nhất bạn nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phòng ngừa các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Nhịp tim lúc nghỉ ngơi thường xuyên cao hơn mức 90 lần/phút cũng là một dấu hiệu đáng lưu ý. Mặc dù vẫn nằm trong khoảng giới hạn bình thường nhưng nhịp tim ở sát mức giới hạn cao như vậy có thể cảnh báo một vấn đề đang hình thành và cần được bác sĩ kiểm tra, đánh giá cẩn thận.
3. Nhịp tim 107 có nguy hiểm không?
Nhịp tim 107 nhịp/phút tức đã vượt mức giới hạn nhịp tim bình thường lúc nghỉ ngơi và đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe tim mạch nào đó. Nhịp tim trên 100 được gọi là nhịp tim nhanh và nếu không điều trị, một số biến chứng có thể dẫn đến như:
- Hình thành cục máu đông trong tim
- Đau tim hoặc đột quỵ
- Thường xuyên ngất xỉu hoặc bất tỉnh
- Giảm khả năng gắng sức
- Huyết áp thấp
- Suy tim
- Đột tử do tim (biến chứng này thường liên quan đến nhịp nhanh thất hoặc rung thất).
Nhịp tim trên 100 có sao không? Nếu bạn đo được nhịp tim trên 100 nhịp/phút và có các triệu chứng như sau thì nên gọi cấp cứu ngay:
- Hụt hơi
- Chóng mặt hoặc choáng vàng
- Yếu đuối
- Đau ngực hoặc khó chịu
- Ngất xỉu.
4. Nhịp tim nhanh uống thuốc gì?
Một số nhóm thuốc có thể được chỉ định cho người bị nhịp tim nhanh để cải thiện tình trạng tim đập nhanh, giúp làm chậm và ổn định nhịp tim bao gồm:
- Thuốc chẹn beta: hoạt động bằng cách chẹn thụ thể beta-adrenergic, ngăn giải phóng hormone căng thẳng adrenalin và noradrenalin làm chậm hoạt động của tế bào, chậm nhịp tim, giảm lực bơm máu đi khắp cơ thể. Thuốc chẹn beta được phân thành 2 nhóm là chẹn beta chọn lọc trên các thụ thể beta-1 ở tim (bao gồm các thuốc acebutolol, atenolol, betaxolol, bisoprolol, esmolol, metoprolol..) và chẹn beta không chọn lọc (gồm carvedilol, labetalol, nadolol, penbutolol, propranolol, sotalol, timolol…).
- Thuốc chẹn kênh canxi: hoạt động bằng cách chặn các kênh ion canxi trên bề mặt tế bào, giảm lượng canxi đi vào tế bào dẫn truyền trong tim, khiến làm chậm nhịp tim. Nhóm thuốc chẹn kênh canxi non-dihydropyridine (gồm diltiazem, verapamil) có tác động lên hệ dẫn truyền của tim, giúp kiểm soát nhịp tim nhanh.
- Thuốc chẹn kênh natri hoặc kali: có khả năng ngăn chặn ion natri hoặc kali đi qua màng tế bào, làm giảm tốc độ dẫn truyền các xung điện trong tế bào cơ tim, từ đó giảm nhịp tim. Các thuốc chẹn kênh natri gồm disopyramide, flecainide, mexiletine, propafenone, quinidine. Những thuốc chẹn kênh kali có amiodarone, bretylium, dronedarone, ibutilide, …
- Adenosine: là thuốc hỗ trợ điều trị nhịp tim nhanh nhờ khả năng ngăn chặn hoặc làm chậm xung điện ở nút nhĩ thất, giữa tâm nhĩ và tâm thất, từ đó đưa nhịp tim trở về mức bình thường.
- Digoxin: là một loại glycosid tim có nguồn gốc từ cây mao địa hoàng, có khả năng làm chậm tốc độ dẫn truyền xung từ tâm nhĩ đến tâm thất, làm giảm nhịp tim. Thuốc này được chỉ định trong điều trị một số bệnh tim, bao gồm suy tim, rung nhĩ, cuồng nhĩ.
Tình trạng nhịp tim nhanh uống thuốc gì còn tùy thuộc vào loại nhịp tim nhanh, tình trạng sức khỏe (có bệnh lý nền không) và khả năng xảy ra biến chứng liên quan. Tất cả loại thuốc có tác dụng làm chậm nhịp tim trên đều là thuốc kê đơn và chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
5. Một số cách trị nhịp tim nhanh tại nhà
Nhịp tim nhanh xuất hiện bất chợt có thể khiến bạn lo lắng, nhất là khi đang có các vấn đề tim mạch. Nếu không biểu hiện thêm những triệu chứng đáng lo ngại, bạn hãy thử áp dụng một số cách trị nhịp tim nhanh tại nhà sau đây để cảm thấy thư giãn, bình tĩnh và giúp nhip tim ổn định trở lại:
- Uống đủ nước. Cơ thể thiếu nước làm giảm thể tích máu lưu thông, buộc tim phải đập nhanh hơn để bơm máu đi, dẫn đến tăng nhịp tim và huyết áp. Ngoài ra, thiểu nước có thể làm thay đổi nồng độ chất điện giải trong máu khiến tim đập nhanh hơn.
- Làm mát cơ thể. Nhiệt độ môi trường nóng bức thường khiến tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu đến bề mặt da, hỗ trợ quá trình tiết mồ hôi và làm mát cơ thể. Do đó, việc giải nhiệt, làm mát cơ thể sẽ giúp nhịp tim trở về mức bình thường.
- Bổ sung chất điện giải. Các ion kali, canxi, natri, magie đều liên quan đến hoạt động co bóp của cơ tim. Nồng độ các chất điện giải này bị rối loạn cũng sẽ ảnh hưởng và gây loạn nhịp tim. Vì thế, bạn nên bổ sung chất điện giải qua các nguồn thực phẩm như trái cây chứa nhiều kali (bơ, chuối, cam…), các loại hạt chứa nhiều magie (hạnh nhân, hạt điều, ngũ cốc…), thức ăn giàu canxi, natri (như sữa, phô mai, hải sản, thịt…) hoặc các thức uống bù điện giải. Lưu ý, tránh bổ sung natri bằng muối, gia vị mặn vì sẽ làm tăng huyết áp.
- Tránh xa các chất kích thích khiến tim đập nhanh. Rượu, bia, thuốc lá gây kích thích tăng tiết nhiều hormone co mạch, tăng tiêu thụ oxy và khiến tim đập nhanh hơn. Do đó, bạn nên tránh sử dụng các chất kích thích này để không ảnh hưởng đến nhịp tim.
- Tập thể dục thường xuyên. Các chuyên gia tim mạch khuyến cáo người bị rối loạn nhịp tim vẫn cần duy trì tập thể dục đều đặn với những bài tập vừa sức như đi bộ, đạp xe, yoga… Tuy nhiên, tập luyện quá mức sẽ gây áp lực cho tim nên bạn cần trao đổi với bác sĩ để có chương trình tập luyện phù hợp.
- Thư giãn, thả lỏng cơ thể. Nếu cảm thấy tim đập quá nhanh, hãy nằm xuống hoặc tìm một nơi thoáng đãng để ngồi xuống nghỉ ngơi, thả lỏng cơ thể và hít thở sâu. Tình trạng căng thẳng, lo âu cũng khiến nhịp tim nhanh lên đột ngột.
Nếu tình trạng nhịp tim nhanh xuất hiện liên tục hoặc không trở về mức bình thường dù bạn đã thử các cách trên thì hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và điều trị nếu cần.
Bài viết trên đã giúp bạn giải đáp câu hỏi: “Nhịp tim nhanh là bao nhiêu?” cũng như đề xuất cho bạn cách giảm nhịp tim nhanh cực kỳ hiệu quả. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
[embed-health-tool-heart-rate]