Bạn có biết đặc điểm nhóm máu cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và tính cách của một người. Vậy nếu bạn là người nhóm máu O, đây có phải nhóm hiếm hay không, nhận được máu nhóm nào, xu hướng tính cách sẽ ra sao?
Cùng tìm hiểu 6 đặc điểm của người nhóm máu O ngay!
Các nhóm máu được xác định như thế nào?
Phân loại nhóm máu dựa trên sự hiện diện hoặc vắng mặt của những kháng nguyên riêng biệt trên bề mặt các tế bào hồng cầu. Những kháng nguyên này sẽ kích thích hệ miễn dịch nhận ra những kháng nguyên khác lạ khi người bệnh được truyền máu không tương thích. Đây là lý do tại sao bạn cần hiểu rõ nhóm máu của bản thân để nếu cần phải truyền máu, quá trình này sẽ được diễn ra an toàn hơn.
Có 4 nhóm máu cơ bản là A, B, AB, O. Theo đó, nhóm máu A sẽ có kháng nguyên A, nhóm máu B có kháng nguyên B, nhóm máu AB sẽ có cả 2 loại kháng nguyên trong khi đó nhóm máu O lại không có.
Tuy không có kháng nguyên A và B trong tế bào hồng cầu nhưng người máu O có cả kháng thể A và B trong huyết tương. Ngoài ra, mỗi nhóm máu còn được chia thêm thành Rh+ và Rh-, tương ứng với việc có protein Rh hay không. Vì vậy, người có nhóm máu O cũng được chia thành nhóm máu O Rh+ và nhóm máu O Rh-.
6 đặc điểm của nhóm máu O
Nhóm máu O có đặc điểm gì? Dưới đây là 6 đặc điểm của người máu O:
1. Tính cách nhóm máu O
Sự ảnh hưởng của nhóm máu đến tính cách vẫn là vấn đề cần được nghiên cứu sâu hơn. Tuy nhiên, ở một số quốc gia, đặc biệt là Nhật Bản, vẫn có nhiều quan điểm thú vị về điều này.
Người Nhật tin rằng những tính cách của người người nhóm máu O “chuyên cho’ là những người rất rộng lượng, đam mê, hòa đồng và rất thành công về tài chính. Không những vậy, họ cũng rất thích hợp để kết duyên với những người mang nhóm máu A.
2. Nhóm máu o truyền được cho nhóm máu nào
Người nhóm máu O+ (nhóm máu O Rh+) có thể truyền máu cho cả 4 nhóm O+, A +, B+, AB+.
Trong khi đó, nhóm máu O trừ (O-) có thể truyền cho mọi loại máu do nhóm máu này không có kháng nguyên A, B và cả Rh nên không bị hệ miễn dịch của người nhận tấn công.
Nhờ vậy, đây là nhóm máu thường được truyền trong các trường hợp khẩn cấp, ngay cả khi chưa biết được nhóm máu của người nhận và cũng an toàn nhất để truyền cho trẻ sơ sinh vốn có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.
3. Người có nhóm máu O nhận được nhóm máu nào?
Những người có máu O Rh+ có thể nhận máu từ người có nhóm máu O+ và O-, trong khi những người có nhóm máu O- chỉ có thể nhận từ những người có cùng nhóm máu với mình. Trong trường hợp khẩn cấp khi máu O- bị thiếu hụt, máu O Rh+ có thể được thay thế.
4. Nhóm máu O dễ mắc bệnh gì?
Theo các nhà khoa học, thành phần của máu cũng có ảnh hưởng đến sức khỏe. Mặc dù những ảnh hưởng này vẫn đang được nghiên cứu nhưng đã có một số lý thuyết nhất định được công nhận. Họ cho rằng những người có nhóm máu O dễ bị tấn công bởi các loại vi khuẩn và virus như quai bị, dịch hạch, tả, lao hơn những người mang các nhóm máu khác.
Ngoài ra, một số nghiên cứu còn cho rằng, những người mang nhóm máu này sẽ có nguy cơ bị loét dạ dày tá tràng cao hơn 35% so với những người có nhóm máu A, B và AB.
5. Lợi ích sức khỏe khi mang nhóm máu này
Những người mang nhóm máu O dường như có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành và ung thư tuyến tụy thấp hơn.
Chưa hết, những người có nhóm máu này còn giảm thiểu được nguy cơ mắc phải các bệnh về hệ tuần hoàn và rối loạn nhận thức so với các nhóm máu khác.
Dù vậy, việc duy trì một lối sống lành mạnh vẫn là điều rất quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh tật dù bạn thuộc nhóm máu nào đi nữa.
6. Những người nhóm máu O có cần đến một chế độ ăn đặc biệt?
Hiện nay, trên các phương tiện truyền thông lan truyền khá nhiều thông tin về các chế độ ăn phù hợp với từng nhóm máu để tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, hiện chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này. Chính vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn chỉ nên tuân theo một chế độ ăn phù hợp với sức khỏe thay vì tuân theo chế độ ăn phù hợp với nhóm máu.
Không có cách nhận biết nhóm máu O nào chính xác bằng việc tiến hành xét nghiệm phân loại nhóm máu tại bệnh viện. Biết được nhóm máu của mình sẽ có lợi hơn cho bạn trong những tình huống cần phải truyền máu hoặc chuẩn bị truyền máu như tai nạn, sinh con,… Bên cạnh đó, bạn nên có chế độ ăn uống điều độ cũng như duy trì lối sống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe.
[embed-health-tool-bmi]