Chế biến cá tươi là quá trình đòi hỏi sự tỉ mỉ và kỹ lưỡng bởi nếu không xử lý đúng cách, món ăn sẽ bị tanh, giảm sự thơm ngon và khiến trải nghiệm của người ăn trở nên không tốt.
Những bộ phận cực tanh ở cá cần loại bỏ
Món cá của bạn sau khi chế biến nếu vẫn rất tanh thì có thể là do quá trình sơ chế chưa loại bỏ những bộ phận sau:
Mang cá
Mang cá là bộ phận đầu tiên cần loại bỏ khi chế biến cá. Mang có chức năng lọc nước để cá thở, chứa nhiều máu và tạp chất từ môi trường nước, nên thường có mùi tanh nặng.
Để loại bỏ mang cá, bạn cần dùng dao hoặc kéo cắt sát gốc mang, kéo nhẹ để rút mang ra ngoài. Bước này sẽ giúp tránh lan tỏa mùi tanh vào thịt cá trong quá trình nấu nướng.
Ruột cá
Ruột cá là nơi chứa thức ăn chưa tiêu hóa và chất cặn bã, do đó rất tanh và dễ gây ô nhiễm cho phần thịt cá.
Để loại bỏ ruột cá, bạn cần rạch một đường dọc theo bụng cá từ hậu môn đến mang, sau đó nhẹ nhàng dùng tay hoặc dao gỡ bỏ toàn bộ. Sau khi loại bỏ ruột, cần rửa sạch khoang bụng cá bằng nước lạnh để loại bỏ hoàn toàn chất cặn bã và mùi tanh.
Với những con cá lớn mà ruột được giữ lại để ăn, bạn cần loại bỏ phần thức ăn chưa tiêu hóa bên trong và làm sạch.
Màng đen trong bụng cá
Lớp màng đen nằm trong khoang bụng cá chứa nhiều mỡ và chất cặn bã, gây ra mùi tanh đặc trưng. Khi chế biến, bạn nên dùng dao cạo sạch lớp màng này. Nếu để lại, mùi tanh sẽ lan tỏa trong quá trình nấu nướng và làm giảm hương vị của món ăn.
Mỡ bụng cá
Mỡ cá, đặc biệt là mỡ ở bụng, cũng là nguyên nhân gây ra mùi tanh. Loại bỏ phần mỡ thừa sẽ giúp cá thơm ngon hơn khi nấu.
Khi làm sạch cá, hãy kiểm tra kỹ và cắt bỏ những phần mỡ dư thừa. Bộ phận này không chỉ gây mùi tanh mà còn làm món ăn có cảm giác ngấy và không ngon miệng.
Vảy cá
Dù vảy cá không tanh bằng các bộ phận nội tạng nhưng nếu không làm sạch kỹ, chúng cũng có thể giữ lại mùi tanh và làm giảm chất lượng món ăn.
Đánh sạch vảy cá là bước cần thiết trước khi nấu. Bạn có thể dùng dao hoặc dụng cụ đánh vảy chuyên dụng để loại bỏ chúng hoàn toàn. Sau khi đánh vảy, bạn rửa sạch cá dưới vòi nước lạnh để loại bỏ hết vảy và mảnh vụn còn sót lại.
Máu cá
Máu cá đọng lại, đặc biệt là dọc xương sống, có thể gây ra mùi tanh. Khi rửa cá, hãy rửa sạch máu để loại bỏ mùi tanh này. Sử dụng dao rạch nhẹ dọc theo xương sống và các khe hở để máu thoát ra. Rửa kỹ bằng nước lạnh để làm sạch hoàn toàn máu và tạp chất.
Ngoài ra, cần loại bỏ dải gân máu nằm dọc theo sống lưng để cá không còn mùi tanh. Dùng dao hoặc kéo cắt gân máu và rửa sạch với nước lạnh.
Cách làm sạch và khử mùi tanh của cá
Khâu khử mùi sau khi loại bỏ các bộ phận cực tanh ở cá cũng rất quan trọng để đảm bảo món ăn thơm ngon và hấp dẫn.
Rửa cá với nước muối hoặc giấm
Sau khi loại bỏ các bộ phận tanh, bạn rửa cá với nước muối loãng hoặc giấm để khử mùi. Hòa một ít muối hoặc giấm vào nước, ngâm cá trong vài phút rồi rửa lại bằng nước sạch. Nước muối và giấm không chỉ khử mùi tanh mà còn làm cho thịt cá săn chắc hơn.
Ướp cá bằng chanh hoặc rượu trắng
Nước chanh hoặc rượu trắng có tác dụng khử mùi tanh hiệu quả. Bạn hãy ngâm (hoặc ướp) cá trong một trong hai loại dung dịch này trong vài phút để loại bỏ hoàn toàn mùi tanh. Chanh và rượu trắng còn giúp tăng thêm hương vị cho món cá.
Sử dụng gừng và hành
Khi nấu cá, việc thêm gừng hoặc hành sẽ giúp át đi mùi tanh và làm món ăn thơm ngon hơn. Gừng có tính ấm, giúp khử mùi tanh và tăng hương vị. Hành cũng có tác dụng tương tự, bạn có thể thêm vài lát hành vào nồi khi nấu cá.
Làm lạnh cá
Cá sau khi làm sạch có thể được bọc kín và bảo quản trong tủ lạnh một thời gian ngắn trước khi nấu. Quá trình làm lạnh sẽ giúp cá giữ được độ tươi ngon và giảm mùi tanh.