I. Trẻ bị viêm phổi
Viêm phổi là thuật ngữ mô tả tình trạng viêm ở các nhu mô phổi. Nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng. Nếu không có phương pháp điều trị đúng sẽ nguy hại tới sức khỏe của trẻ.
1. Triệu chứng : sốt, ớn lạnh, ho, thở khò khè, đau ngực, mệt mỏi, đau cơ, nhức đầu, khó thở. Trẻ bị viêm phổi thường sút cân do kém ăn, tăng tiêu hao năng lượng do thiếu oxy, giảm lưu lượng không khí ra vào phổi. Do vậy, điều cần thiết nhất là cung cấp cho trẻ thực phẩm giàu dinh dưỡng, giàu năng lượng và protein để nâng cao thể trạng và ngăn ngừa các biến chứng.
2. Chế độ ăn của trẻ.
· Đồ uống :
Nước vô cùng quan trọng với trẻ mắc bệnh viêm phổi, bé phải được uống đủ nước (tốt nhất là đồ uống không có ga). Trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi nên tiếp tục bú sữa mẹ, sữa công thức. Trẻ hơn 12 tháng tuổi, hãy bổ sung sữa và các loại nước quả. Đồ uống lành mạnh gồm nước lọc, nước ép trái cây, nước ngọt không chứa cafein. Đặc biệt, nước chanh, nước ép táo, súp gà giúp cho thông thoáng đường thở của trẻ và làm sạch chất nhầy. Khi bị bệnh, trẻ thường mệt mỏi ngay cả khi ăn uống. Vì vậy, hãy cho bé ăn làm nhiều bữa.
· Thực phẩm giàu năng lượng và protein
Chế độ ăn giàu năng lượng và protein giúp trẻ có đủ năng lượng cho cơ thể, ngăn chặn sự sút cân và thúc đẩy hệ miễn dịch phát triển khỏe mạnh. Bạn nên cho trẻ ăn ít nhất là 6 bữa trong 1 ngày. Các đồ ăn giàu năng lượng như sữa nguyên chất, nước ép trái cây 100%. Hãy chọn chất béo, các loại thực phẩm giàu protein như thịt lợn, thịt gia cầm, cá, trứng…
· Trái cây và các nguồn dinh dưỡng khác.
– Trái cây, rau, ngũ cốc cung cấp các vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa.
– Các sản phẩm từ : sữa,sữa chua, phomat và trứng cung cấp cho cơ thể vitamin E, men vi sinh…giúp khôi phục lại sự cân bằng vi khuẩn tự nhiên trong cơ thể.
II. Trẻ bị bệnh tiêu chảy cấp tính.
1. Nguyên nhân :
– Do virus : Rotavirus (60%) và các loại virus khác (Adenovirus, Norwalk).
– Do vi khuẩn : E.coli (25%), trực khuẩn lị Shigella (60%) và các loại campylobacter jejuni, vi khuẩn tả…
– Do ký sinh trùng : giun, sán…
2. Chế độ ăn khi diều trị.
· Hồi phục nước và điện giải trong diều trị tiêu chảy điều quan trọng nhất là bù nước, điện giải và chế độ ăn của trẻ tùy theo mức độ mất nước mà điều trị tại nhà hoặc cơ sở y tế.
– Mất nước độ A (nhẹ) : Điều trị tại nhà bằng cách cho trẻ uống nước nhiều hơn bình thường bằng dung dịch ORS, nước đun sôi để nguội, nước cháo muối, nước gạo rang, nước cà rốt + muối…
– Mất nước độ B (vừa) : Trẻ cần điều trị tại cơ sở y tế. Cách điều trị tốt nhất là cho uống ORS, số lượng dịch cần cho uống sau mỗi lần đi ngoài là :
+ Trẻ dưới 02 tuổi : 50-100 ml
+ Trẻ 02 -10 tuổi : 100-200 ml
+ Trẻ 10 tuổi trở lên : Uống theo nhu cầu theo cách tính : số lượng dịch uống (ml) – cân nặng (kg) × 75
– Mất nước nặng : Trẻ li bì hoặc vật vã kích thích, uống nước bị nôn, đi đái ít, khóc không ra nước mắt, da nhăn nheo, môi khô, mắt trũng phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để truyền dịch.
· Chế độ ăn khi trẻ bị tiêu chảy.
Khi trẻ bị tiêu chảy, quá trình hấp thu thức ăn có giảm hơn bình thường, nhưng lượng hấp thu qua ruột vẫn được khoảng 60% . Do vậy, trẻ vẫn phải ăn đủ khẩu phần, không được bắt trẻ nhịn, kiêng khem, thì trọng lượng cơ thể sẽ tiếp tục tăng với tốc độ gần như bình thường nếu không ăn đủ khẩu phần sẽ bị sụt cân dẫn đến suy dinh dưỡng.
+ Các thực phẩm nên dùng
– Gạo, khoai tây
– Thịt nạc (gà, lợn, cá)
– Sữa đậu tương, sữa chua
– Dầu thực vật
– Cà rốt, hồng xiêm, táo
+ Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi : tiếp tục bú mẹ và tăng lần uống. Nếu không đủ sữa mẹ thì cho ăn sữa bò hoặc sữa công thức nhưng pha loãng ½ trong vòng 2 ngày.
+ Trẻ 6 tháng tuổi : ngoài sữa mẹ và sữa thay thế cần cho trẻ ăn từng ít các thức ăn giàu dinh dưỡng.
+ Các thực phẩm không nên dùng
– Không dùng đồ uống công nghiệp
– Không dùng thực phẩm nhiều xơ, ít chất dinh dưỡng như các loại rau (măng, cần), tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ) khó tiêu hóa
+ Số lượng thức ăn
Khuyến khích trẻ ăn càng nhiều càng tốt. Sau khi khỏi tiêu chảy cần cho trẻ ăn tăng thêm mỗi ngày 1 bữa trong 2 tuần liền.
BS. Hoàng Ngọc Anh, Phòng khám tư vấn dinh dưỡng chất lượng cao, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội – 70 Nguyễn Chí Thanh