I. Phải cho bé bú mẹ sớm sau khi sinh.
Các mẹ nên cho bé bú sớm ( trong vòng một giờ đầu sau sinh) và cho trẻ bú sữa non ( không vắt bỏ sữa non). Cho bé bú sớm sẽ kích thích tuyến yên ( tiết ra prolactin và oxytocin) có tác dụng kích thích tế bào tuyến sữa tạo sữa và giúp làm co các cơ biểu mô xung quanh tuyến vú giúp dẫn sữa từ các nang sữa chảy vào ống dẫn sữa ra đầu vú vào miệng trẻ. Như vậy, cho trẻ bú sớm sẽ kích thích bài tiết sữa sớm.
– Tác dụng có lợi của việc cho trẻ bú sớm :
Giúp cầm máu cho mẹ và co hồi tử cung.
– Việc tiếp xúc giữa mẹ và con : Da kề da, ôm ấp vuốt ve con, âu yếm…cũng giúp cho sữa xuống nhanh.
II.Dấu hiệu chứng tỏ trẻ không bú đủ sữa mẹ
Lý do khiến các bà mẹ ngừng cho con bú, cho bé bú bình là bà mẹ nghĩ bản thân không đủ sữa. Các dấu hiệu nhận biết trẻ không nhận đủ sữa mẹ bao gồm:
– Tăng cân kém ( dưới 500g/1 tháng).
– Nhẹ cân hơn lúc đẻ sau 02 tuần vì trong tuần đầu trẻ có hiện tượng sụt cân sinh lý.
– Đi tiểu ít ( dưới 06 lần/ ngày), nước tiểu cô đặc, màu vàng, nặng mùi.
– Trẻ không hài lòng sau bú, hay cằn nhằn.
– Trẻ khóc thường xuyên, ngủ không đầy giấc.
– Các bữa bú quá ngắn hoặc quá dài.
– Trẻ đi ngoài phân rắn.
– Không có sữa khi bà mẹ cố vắt sữa và sữa không xuống sau đẻ.
III. Các mẹ phải làm gì khi trẻ không chịu bú
Trẻ không chịu bú mẹ là do nhiều nguyên nhân:
– Do trẻ ốm đau: trẻ bị ốm thường bú kém, thậm chí không chịu bú mẹ thì cần tập trung vào điều trị bệnh, thời gian này phải vắt sữa mẹ, cho bé ăn bằng thìa, tập dần cho bé bú mẹ.
– Do bé bị đau ở da cơ xương do phải can thiệp lúc đẻ ( forcep, giác hút). Các bà mẹ nên thay đổi tư thế cho con bú, tìm cách bế trẻ thích hợp để không chạm vào chỗ đau của bé.
– Trẻ khó bú do bị tưa miệng, cần phải đánh tưa cho bé bằng mật ong, nước ép rau ngót hoặc nystatin. Nếu trẻ tắc, ngạt mũi cần hút sạch mũi thì trẻ mới bú được.
– Do cách cho bú: Nếu mẹ cho con bú bình sẽ cản trở việc bắt bú, dần dần sẽ để trẻ bỏ bú mẹ. Vì vậy, trong giai đoạn trẻ bú mẹ không nên cho bé bú bình, nếu cần ăn thêm sữa thì cho con ăn bằng thìa, tập dần xen kẽ các bữa bú mẹ.
– Ngậm bắt vú kém là nguyên nhân cơ bản làm trẻ không chịu bú mẹ, cần giúp trẻ cách ngậm, bắt vú đúng để bú có hiệu quả. Một sốt trường hợp mẹ tạo sữa quá nhiều, trẻ bú dễ sặc và sợ bú, vì vậy trước khi cho bú mẹ nên vắt bớt sữa, giữ vú theo tư thế gọng kìm để sữa chảy chậm hơn.
– Do một số thay đổi trong sinh hoạt của trẻ.
Trẻ phải xa mẹ ( khi đi làm)
Thay người chăm sóc.
Mùi của mẹ khi dùng nước hoa, ăn hành tỏi…Tất cả 03 nguyên nhân trên cũng có thể làm cho bé khó chịu và bỏ bú.
IV. Các mẹ phải làm gì để đủ sữa nuôi con.
– Việc tăng tiết sữa của các bà mẹ phụ thuộc vào nhiều yếu tố: cách cho trẻ bú, chế độ ăn uống nghỉ ngơi, tinh thần thoải mái. Nếu ở trẻ bú nhiều thì sẽ kích thích vú bài tiết nhiều sữa. Phần lớn vú của các mẹ không chỉ tiết đủ lượng sữa để nuôi một đứa trẻ mà thậm chí đủ cho cả hai trẻ sinh đôi. Nhưng nếu bé không bú thì vú cũng ngừng tạo sữa. Sự tiết sữa còn chịu ảnh hưởng bởi cơ chế thần kinh, nếu mẹ thấy thoải mái, hài lòng, yêu thương trẻ, tin tưởng vào nguồn sữa của mình…thì vú sẽ chảy nhiều sữa, nhưng nếu mẹ lo lắng buồn phiền sẽ ức chế sự xuống sữa.
– Ăn uống bồi dưỡng là rất cần thiết đối với những bà mẹ cho con bú để sữa có chất lượng tốt. Năng lượng cho khẩu phần ăn hàng ngày của bà mẹ cho con bú là 2750kgcal cao hơn phụ nữ có thai ( 2550kgcal). Thức ăn có tác dụng cho lợi sữa: móng giò heo hầm với đậu đen, gạo nếp đậu xanh. Gà ác tiềm thuốc bắc, rau lang nấu với thịt bò, canh đu đủ xanh nấu với thịt gà… các thức ăn trên khi sử dụng sẽ thúc đẩy sự xuống sữa nhanh, nhiều hơn.
V.Cho trẻ bú thế nào khi mẹ đi làm.
– Trước khi trở lại đi làm ( 2-4 ngày) mẹ nên dành thời gian để hướng dẫn người thân ( người giúp việc).
– Mẹ nên tranh thủ cho bé bú vào ban đêm, sáng sớm và bất cứ lúc nào để duy trì nguồn sữa mẹ. Như vậy, trẻ vẫn nhận được sữa mẹ ngay cả khi bắt đầu ăn bổ sung.
– Vắt sữa trước khi mẹ đi làm và để lại cho người chăm trẻ cho bé uống bằng thìa.
– Thu xếp thời gian để vắt sữa ( đậy sớm hơn 30p) để kịp vắt sữa cho con bú.
– Sữa mẹ sau khi vắt nếu để ở nhiệt độ 26ᵒC thì chỉ dùng an toàn trong 4-6 giờ, bảo quản ở 22ᵒC ( dùng trong 6-8 giờ). Sữa mẹ để trong ngăn mát tủ lạnh có thể sử dụng trong vòng 24 giờ.
– Không cần thiết phải hâm nóng sữa trước khi cho bé uống. Nếu sữa quá lạnh chỉ cần ngâm cốc sữa vào nước nóng cho ấm dần lên.
BS. Hoàng Ngọc Anh, Phòng khám tư vấn dinh dưỡng chất lượng cao, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội – 70 Nguyễn Chí Thanh