Hiện tượng đau tức ngực đi kèm với ho là dấu hiệu bệnh gì? Nhìn chung, ho tức ngực khó thở, đặc biệt là ho khan tức ngực, có thể là triệu chứng của nhiều bệnh, vấn đề sức khỏe khác nhau. Bạn có thể ho khan do cúm, cảm lạnh, nhiễm COVID-19… Tình trạng ho kéo dài thường kèm theo đau tức ngực.
Trong bài viết sau, chúng tôi sẽ tổng hợp những thông tin lý giải vì sao ho khan tức ngực, làm thế nào cải thiện các triệu chứng hiệu quả để bạn tham khảo.
Tại sao bạn bị đau tức ngực khi ho?
Ho là cách cơ thể phản ứng khi có tác nhân nào đó kích thích cổ họng hoặc đường thở. Nói cách khác, ho là cơ chế giúp làm sạch đường thở và phổi bằng cách tống chất nhầy và các chất kích thích ra ngoài nhằm giúp bạn thở dễ dàng hơn.
Một số bệnh lý phổ biến như cảm lạnh, cúm… có xu hướng gây ra những cơn ho khan khi bạn nhiễm bệnh. Sau đó, tình trạng ho có thể kéo dài nhiều tuần sau khi khỏi bệnh. Nếu ho khan dữ dội, kéo dài hơn 3 tuần, tình trạng này có thể làm căng phổi hoặc cơ ngực. Chính vì vậy mà hầu hết mọi người bị ho khan trong thời gian dài đều kèm theo cảm giác đau tức ngực.
Khi bị ho đau ngực, bạn có thể cảm thấy thắt chặt ở ngực hoặc áp lực như có một vật nặng đè lên ngực. Trong một số trường hợp, ho khan tức ngực cũng có thể kèm theo khó thở. Mặt khác, nếu bạn cảm thấy đau ngực đột ngột không rõ nguyên nhân, đây có thể là dấu hiệu của cơn đau tim. Do đó, bạn nên dành thời gian đi khám càng sớm càng tốt nhé!
Bị ho tức ngực là dấu hiệu bệnh gì?
Như đã đề cập, ho tức ngực thường là do bạn ho khan dữ dội trong thời gian dài. Nếu bị ho khan tức ngực, đây có thể là triệu chứng của một trong những tình trạng hoặc bệnh lý sau đây:
Mặc dù những cơn ho khan ít khi là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu bạn ho khan mãn tính, đó có thể là triệu chứng của một trong những tình trạng đáng lo ngại sau đây:
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
- Xơ phổi
- Suy tim
- Ung thư phổi
- Thuyên tắc phổi
- Lao phổi.
Bạn nên làm gì khi bị ho đau ngực?
Những cơn ho khan thông thường kèm theo tức ngực khó thở có thể khỏi khi nguyên nhân “gốc rễ” được giải quyết. Song song đó, để giúp cải thiện các triệu chứng nhanh hơn, bạn có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc tại nhà sau đây:
Nghỉ ngơi, uống nhiều nước
Bổ sung đủ nước và nghỉ ngơi nhiều là cách giúp bạn nhanh phục hồi khi bị ốm. Ngoài nước lọc, bạn có thể uống trà nóng, nước chanh pha mật ong… để làm dịu đường thở bị kích thích.
Dùng viên ngậm hoặc kẹo ngậm hỗ trợ giảm ho
Tình trạng ho bị đau ngực cũng khiến bạn dễ bị đau họng, khô họng. Vì vậy, bạn nên ngậm kẹo hoặc viên ngậm giảm ho nhằm thúc đẩy tiết nước bọt giúp làm dịu cổ họng. Lưu ý rằng không nên cho trẻ dưới 4 tuổi ngậm kẹo cứng để tránh rủi ro trẻ bị nghẹn.
Dùng mật ong để giảm ho tức ngực cho người lớn và trẻ em trên 1 tuổi
Một số nghiên cứu cho thấy rằng mật ong có thể giúp giảm ho tốt, thậm chí là tốt hơn hầu hết các loại thuốc ho không kê đơn. Vì vậy, dùng mật ong giảm ho cũng là lựa chọn được khuyến khích đối với người lớn và trẻ em trên 1 tuổi. Trước khi dùng, bạn có thể hỏi thêm ý kiến bác sĩ, dược sĩ về liều lượng mật ong phù hợp đối với từng độ tuổi khác nhau.
Áp dụng các giải pháp làm dịu đường thở
Nếu bị ho tức ngực kèm khó thở, nghẹt mũi, đau họng… Bạn có thể áp dụng một số giải pháp giúp làm dịu đường thở, giảm ho khan, chẳng hạn như:
- Sử dụng thuốc xịt mũi hoặc rửa mũi để giảm nghẹt mũi
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà để tăng độ ẩm cho không khí, giúp bạn dễ dàng hít thở hơn
- Bạn cũng có thể tắm xông hơi hoặc hít hơi nước từ việc xông hơi mặt để tăng độ ẩm cho đường thở. Tuy nhiên, đối việc xông hơi mặt, bạn nên thận trọng để tránh bị bỏng.
Trong việc điều trị ho tức ngực, đặc biệt là ở trẻ em, bạn không nên cho trẻ dưới 4 tuổi dùng thuốc ho không kê đơn ngoại trừ trường hợp bác sĩ có chỉ định cụ thể. Đối với trẻ trên 4 tuổi, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ dùng thuốc trị ho để đảm bảo an toàn.
Làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng ho tức ngực?
Ho kèm theo đau ngực, đặc biệt là ho khan, thường liên quan đến các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp hoặc dị ứng. Vì vậy, bạn có thể ngăn ngừa tình trạng này bằng cách:
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước
- Tránh các tác nhân gây dị ứng, kích ứng như mùi hóa chất, nấm mốc, bụi, phấn hoa…
- Dùng khuỷu tay che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi
- Nên cai thuốc lá (nếu có) và tránh hít khói thuốc thụ động
- Nên tiêm các vaccine được khuyến nghị, chẳng hạn như vaccine ngừa cúm.
Ho khan tức ngực – Khi nào bạn nên đi khám?
Bạn nên đi khám nếu ho khan tức ngực kèm theo các triệu chứng bất thường và nghiêm trọng, bao gồm:
- Ho ra máu
- Khó thở, thở khò khè
- Cực kỳ mệt mỏi, suy nhược
- Sốt, ớn lạnh
- Đau ngực đột ngột, không rõ nguyên nhân.
Nói tóm lại, ho tức ngực có thể phổ biến đối với những bệnh nhân ho khan kéo dài. Ngoài việc chăm sóc sức khỏe và điều trị theo các giải pháp được khuyến nghị, bạn cũng nên chú ý việc nghỉ ngơi tại nhà nếu không đủ khỏe để tham gia các hoạt động bên ngoài. Nếu các triệu chứng của bạn có xu hướng nghiêm trọng hơn, hãy đi khám càng sớm càng tốt nhé!