Quả sấu là thức quả mộc mạc nhưng mang phong vị đặc trưng của mùa hè Hà Nội. Ngày nay, sấu đã trở thành món ăn được nhiều người khắp cả nước yêu thích vì vị chua ngọt thanh nhẹ, rất phù hợp với ngày nóng bức. Mời bạn cùng tìm hiểu những tác dụng của quả sấu đối với sức khỏe gia đình.
Quả sấu là quả gì?
Quả sấu tiếng Anh là gì?
Quả sấu có tên khoa học là , hay viết ngắn gọn là Dracontomelon. Ngoài ra, cây sấu còn được gọi là Indochina Dracontomelon. Sấu sinh trưởng mạnh ở miền Bắc Việt Nam, Myanmar và phía Nam Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông).
Mùa sấu – Thời điểm sấu tươi ngon nhất
Mùa sấu thường kéo dài khoảng 2-3 tháng (từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm). Sau 2 tháng ra quả, trái sấu mới đạt đến độ thu hoạch. Lúc này, sấu đủ độ già để có vị chua thanh và có thể chế biến nhiều món ngon.
Thành phần dinh dưỡng của quả sấu
Trong quả sấu chín có 86% nước, 1% axit hữu cơ, 1.3% protit, 8.2% gluxit, 2.7% xenluloza, 100mg% canxi, 44mg% Phospho, sắt và 3mg% vitamin C.
Theo Đông y, quả sấu lúc xanh có vị chua hơi chát. Sấu chín cho vị chua, ngọt, tính mát. Trái sấu có công năng kiện vị sinh tân, tiêu thực chỉ khát, chỉ ho, tiêu đờm. Vì vậy trong các bài thuốc Đông y, trái sấu được sử dụng trị nhiều bệnh chứng như nhiệt miệng khô khát, ngứa cổ, đau họng, nôn do thai nghén, say rượu, nổi mẩn, sưng, lở ngứa…
Tác dụng của quả sấu với sức khỏe
Tăng cường hệ tiêu hóa
Vị chua của quả sấu có tác dụng kích thích tiêu hóa. Bạn có thể uống nước sấu ngâm đường hoặc sấu nấu canh chua để giải nhiệt và tăng cường hệ tiêu hóa.
Tác dụng của quả sấu: Trị nhiệt miệng, háo khát, ngứa cổ, đau họng
Quả sấu chín có tác dụng trị nhiệt miệng, cũng như giảm ngứa cổ và đau rát họng. Bạn có thể ăn sấu chín trực tiếp, hoặc dầm với đường/muối để cân bằng vị chua của sấu.
Một số bài thuốc khác theo Đông y:
- Lấy từ 4-6g cùi quả sấu khô đem sắc với 2 bát nước còn nửa bát, uống sau bữa ăn sáng.
- Lấy 8g cùi quả sấu khô hãm với nước sôi. Lưu ý, bạn chỉ nên bảo quản và uống ngay trong ngày.
Mẹo trị nôn nghén cho phụ nữ mang thai bằng quả sấu
Nôn nghén là tình trạng thường gặp trong thai kỳ, đặc biệt là giai đoạn 3 tháng đầu tiên. Vị chua ngọt hài hòa của nước sấu ngâm được cho là mẹo trị nghén hiệu quả cho phụ nữ mang thai.
Nước sấu ngâm sẽ giúp mẹ bầu giảm được triệu chứng ốm nghén như nôn nao, buồn nôn và làm dịu các cơn nôn. Ngoài ra, sấu cùng có thể chế biến thành nhiều món ngon như: sấu nấu canh cá diếc, hoặc sấu om vịt giúp giảm ốm nghén cho các mẹ bầu.
Ô mai sấu xào gừng cũng là lựa chọn thay thế để giảm cơn nghén. Bạn có thể tham khảo công thức ô mai sấu tự làm tại nhà để đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng.
Tác dụng của quả sấu giúp giảm cân hiệu quả
Một tác dụng của quả sấu được nhiều chị em quan tâm chính là hỗ trợ giảm cân.
Axit nitric trong quả sấu có tác dụng làm sạch đường ruột, cản trở quá trình hấp thụ đường vào máu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và đốt cháy chất béo trong cơ thể. Ngoài ra, tính axit này sẽ tác động đến hệ tiêu hóa, giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn.
Chữa ho hiệu quả
Sấu ngâm muối hay sấu tươi sắc với nước là bài thuốc chữa ho theo Đông y. Đặc biệt, hoa sấu hấp mật ong sẽ giúp trẻ giảm ho hiệu quả.
Cách thực hiện các bài thuốc Đông y trị ho bằng sấu :
- Cùi quả sấu tươi 15g, ngâm với ít muối, ngày ngậm 3 – 5 lần, tốt nhất nên ngậm vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ.
- 25g cùi sấu tươi sắc với 250ml nước. Sắc đến khi còn khoảng 100ml. Nước sấu được chia làm 2 lần uống mỗi ngày. Uống trong 3 ngày. Bạn có thể thêm một chút đường, hoặc mật ong để dễ uống hơn.
- Lấy 30g hoa, quả sấu sắc với 300ml nước cho đến khi còn lại 100ml hỗn hợp. Nước hoa quả sấu hòa thêm mật ong có thể chia ra 2-3 lần uống trong ngày. Mật ong với đặc tính kháng khuẩn và chống oxy hóa sẽ hỗ trợ trị ho hiệu quả.
Tác dụng của quả sấu: Giải rượu
Nước sấu ngâm đường hoặc lấy sấu khô hãm với nước sôi uống là phương pháp giải rượu tự nhiên và an toàn.
Công dụng của sấu ở các nước khác
Ở Trung Quốc, trái sấu được dùng như bài thuốc giải độc và giảm ngứa. Người ta cũng dùng quả sấu để chữa bệnh lở loét viêm da, và điều trị đau họng. làm thuốc giải độc. Ngoài ra, người Trung Quốc dùng vỏ cây sấu để chữa bệnh kiết lỵ.
Tại Thái Lan, quả sấu non được dùng để tạo hương vị cho món cà ri. Quả sấu cũng được dùng cho món cá nấu chua ở Malaysia. Ở Maliku, Indonesia, hoa và lá sấu là một loại gia vị.
Món ngon từ trái sấu
Bên cạnh những tác dụng của quả sấu đối với sức khỏe, loại quả này còn mang đến hương vị ẩm thực đặc trưng. Mời bạn cùng tham khảo những món ăn ngon từ quả sấu cho mùa hè này.
Nước sấu Hà Nội
Nước sấu Hà Nội là thức uống giải khát, giải nhiệt phổ biến trong mùa hè. Quả sấu ngâm đường vẫn còn giữ vị chua nhẹ và độ giòn. Kết hợp hài hòa giữa vị chua, ngọt và cay nồng của gừng khiến nước sấu chuẩn Hà Nội được yêu thích. Dưới đây là công thức nước sấu ngâm:
Tỷ lệ nguyên liệu
- 1-1.5 kg quả sấu (tùy thuộc vào độ chua của quả)
- 500-800g đường phèn
- 50g gừng
- 500-700ml nước lọc (hoặc nước đun sôi để nguội)
- Muối.
Cách làm nước sấu ngâm
- Sơ chế: ngâm rửa quả sấu và cạo sạch lớp vỏ bên ngoài. Dùng dao khía mỏng lên thân quả sấu theo dạng đường xoắn ốc, và không tách rời phần thịt quả khỏi hạt.
>>> Mẹo: Hãy ngâm sấu đã cạo vỏ trong nước muối loãng khoảng 1 tiếng. Quả sấu sau khi ngâm nước muối sẽ không bị thâm đen.
- Đun sôi nước, chần sấu trong khoảng 5-10 phút để giữ được độ giòn của quả khi đem ngâm.
- Nấu nước đường, khi nước sôi cho gừng đã đập dập vào. Đun thêm khoảng 3-5 phút thì tắt bếp và để nguội hoàn toàn.
- Chuẩn bị bình đựng đã tiệt trùng, xếp sấu vào rồi từ từ rót nước đường.
- Ngâm sấu trong đường trong khoảng 10 – 15 ngày là có thể dùng được.
Tôm xào sấu chua
Vị ngọt thanh của tôm sú hòa quyệt cùng vị chua nhẹ đặc trưng của sấu sẽ là gợi ý hay cho món xào trong bữa cơm. Món tôm xào sấu chua cùng ớt chuông cân bằng dinh dưỡng với đủ protein, chất xơ và carbohydrate lành mạnh.
Nguyên liệu cho một khẩu phần:
- 9 quả sấu
- 500g tôm sú
- 2 quả ớt chuông (1 quả xanh, 1 vàng)
- Gia vị: tỏi băm, đường, hạt nêm, nước mắm, dầu hào và dầu ăn.
Cách làm món tôm xào sấu chua
- Sơ chế: Sấu cạo sạch vỏ, rửa sạch rồi thái lát. Tôm sú rửa sạch, bóc vỏ, bỏ đầu và rút chỉ đen. Ớt chuông rửa sạch, cắt quân cờ.
- Phi thơm ớt và tỏi sau đó cho sấu vào xào vừa chín tới. Cho các nguyên liệu ra dĩa riêng.
- Cho tôm đã sơ chế xào vừa chín tới, nêm nếm gia vị vừa ăn. Cho phần rau củ đã chín đảo đều với 2 thìa súp dầu hào vào, tắt bếp.
Ngoài ra, quả sấu còn có thể thực hiện những món ngon khác như:
- Vịt om sấu
- Bún sườn nấu sấu
Những tác dụng của quả sấu đối với sức khỏe; vị chua thanh đặc trưng kết hợp với các nguyên liệu khác sẽ mang đến hương vị lạ miệng, thơm ngon cho bữa cơm gia đình. Đặc biệt, đây là thời điểm đang vào mùa sấu ngon nhất, các món ăn kết hợp với sấu sẽ mang đến bữa ăn dinh dưỡng và lành mạnh.
Mời bạn tham khảo công thức: Các món ngon với quả sấu bạn có thể nấu ngay
Ai không nên ăn sấu?
Quả sấu tươi có vị chua giàu vitamin C, đặc biệt là khi sấu còn xanh. Vì vậy, nếu bạn đang mắc bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, bạn không nên dùng quả sấu tươi, hoặc những món chế biến từ sấu. Đồng thời, bạn cũng nên tránh ăn sấu khi đói vì axit sẽ làm bào mòn, tổn thương dạ dày của bạn.
Sấu ngâm thường được xem là món nước giải khát cho mùa hè. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý nước sấu ngâm nhiều đường không tốt cho sức khỏe của bạn. Đặc biệt đối với những người có vấn đề về đường huyết. Việc tiêu thụ quá nhiều đường còn dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, béo phì, tim mạch…
Ngoài ra, trẻ dưới 12 tháng tuổi cũng nên hạn chế sử dụng quả sấu vì hệ tiêu hóa của trẻ rất nhạy cảm, dễ bị tác động bởi tính axit trong sấu.
Hiểu được những tác dụng của quả sấu đối với sức khỏe sẽ giúp bạn có thể đa dạng thực đơn ăn uống làng mạnh của mình. Hy vọng những công thức đơn giản nhưng nhiều hương vị từ trái sấu sẽ làm phong phú thực đơn mùa hè của bạn. Chúc bạn thành công!
[embed-health-tool-bmr]