Trong mỗi hộ gia đình chúng ta thường đều có nồi cơm điện. Thông thường thì con người có thói quen dùng nồi cơm điện để nấu cơm. Nồi cơm điện có khả năng nấu chín và giữ thức ăn. Dùng nồi cơm điện để nấu cơm vừa tiết kiệm thời gian, vừa an toàn vệ sinh.
Nồi cơm điện được cấu tạo bởi các bộ phận như vỏ nồi, nắp nồi, ruột nồi, nút tắt mở, nút điều chỉnh nhiệt độ và dòng điện. Còn thiết bị tự động của nồi cơm điện chủ yếu là một máy giới hạn nhiệt độ từ tính.
Khi chúng ta vo sạch gạo cho vào nồi, thêm nước, cắm phích vào nguồn điện, nhấn nút tắt mở, máy giới hạn nhiệt độ từ tính và các thiết bị tăng nhiệt được hoạt động. Khi nhiệt độ đạt tới khoảng 103°C, cơm trong nồi đã chín. Sau đó chiếc nam châm yếu trong bộ phận giới hạn nhiệt độ từ tính sẽ không còn từ, dòng điện bị cắt, các thiết bị tăng nhiệt ngừng hoạt động. Trong nồi còn có lắp đặt một bộ phận tự động giữ ấm – bộ phận cảm ứng nhiệt. Nó có thể duy trì cơm nóng trong một phạm vi nhiệt độ nhất định. Khi nhiệt độ trong nồi giảm xuống 70°C trở xuống thì hai miếng kim loại sẽ khôi phục nguyên trạng, điểm tiếp xúc giữa chúng khép kín, thiết bị điện giữ ấm nối thông với nguồn điện, đảm bảo cơm không bị nguội đi. Thường thì cơm trong nồi được giữ ấm ở khoảng 70°C.
Để tiện lợi chúng ta nhiều khi cũng tuỳ tiện đun nước hay nấu cháo trong nồi cơm điện. Bởi vì điểm sôi của nước là 100°C, nhiệt độ cao nhất trong nồi cơm điện cùng chỉ đạt tới 100°C, không đạt tới 103°C. Nam châm yếu trong bộ phận giới hạn nhiệt độ từ tính sẽ không tự động ngừng tiếp xúc nữa. Nước trong nồi cơm điện sẽ liên tục sôi và dâng lên, và có thể đầy tràn, ngấm vào ruột nồi làm cho các linh kiện của thiết bị điện bị ướt. Các linh kiện điện bị ướt sẽ bị gỉ, ăn mòn, hoặc dòng điện bị chập mạch, rò rỉ. Cho nên, nồi cơm điện không thể dùng để nấu cháo hay nấu nước.