OCD (Obsessive-Compulsive Disorder) hay còn được biết đến với tên gọi là rối loạn ám ảnh cưỡng chế hay rối loạn ám ảnh nghi thức. Để hiểu rõ hơn về bệnh hay hội chứng OCD là gì, HelloBacsi mời bạn đọc tiếp nội dung dưới đây.
Trong bài viết, chúng ta sẽ tìm hiểu sâu hơn về khái niệm bệnh OCD là gì, nguyên nhân, triệu chứng cũng như là cách khắc phục tình trạng OCD.
OCD là gì?
OCD là từ viết tắt của cụm từ Obsessive-Compulsive Disorder hay còn gọi là rối loạn ám ảnh cưỡng chế hay rối loạn ám ảnh nghi thức. Đây là một dạng rối loạn tâm thần, khiến một người có những suy nghĩ ám ảnh và những hành vi cưỡng chế.
- Suy nghĩ ám ảnh (obsessive thoughts): suy nghĩ, hình ảnh hoặc thôi thúc khó chịu lặp đi lặp lại trong tâm trí bạn; gây ra cảm giác lo lắng, ghê tởm hoặc khó chịu.
- Hành vi cưỡng chế (compulsive behaviors): hành vi lặp đi lặp lại, không thể kiểm soát được mà bạn cảm thấy cần phải làm để tạm thời giải tỏa cảm giác khó chịu do suy nghĩ ám ảnh.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết hay cũng hiểu về những cách gọi này. Thay vào đó là những cụm từ địa phương mà mọi người thường dùng để gọi về OCD bao gồm: bị bệnh OCD, bệnh sạch sẽ quá mức, bệnh ngăn nắp, nghiện sắp xếp các đồ vật cho bằng nhau…
OCD là gì?
Về mặt bệnh học, OCD là một dạng rối loạn ám ảnh cưỡng chế đặc trưng bởi những suy nghĩ, những thôi thúc hoặc những hình ảnh mang tính ám ảnh một cách dai dẳng. Người bệnh bị thôi thúc phải thực hiện một hành vi nào đó để làm giảm bớt haowjc ngăn chặn sự lo lắng do những ám ảnh gây ra.
Nguyên nhân gây ra OCD là gì?
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân trực tiếp dẫn đến OCD; tuy nhiên, có nhiều yếu tố có thể tác động và thúc đẩy triệu chứng của rối loạn:
- Gen di truyền: Nếu cha mẹ, người thân mắc OCD; bạn cũng có khả năng cao bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
- Sự kiện trong cuộc sống: Những người từng bị bắt nạt, lạm dụng hoặc bỏ bê; hoặc trải qua sự kiện quan trọng như sinh con, mất người thân có nguy cơ cao bị OCD.
- Bất thường trong não bộ: Một số người mắc chứng OCD có các vùng não hoạt động nhiều bất thường; hoặc có mức độ thấp của một chất hóa học gọi là serotonin.
- Đặc điểm tính cách của cá nhân: những người gọn gàng, tỉ mỉ, có phương pháp với tiêu chuẩn cá nhân cao có thể dễ mắc chứng OCD hơn.
Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết OCD là gì?
OCD có xu hướng kéo dài, các triệu chứng của rối loạn này có thể xảy ra với mức độ và tần suất rất đa dạng, tùy theo từng trường hợp cụ thể. Dưới đây là những triệu chứng và dấu hiệu thường gặp của OCD.
Thói quen rửa tay quá kỹ
Nếu bạn luôn cảm thấy sợ bẩn và luôn rửa tay rất kỹ bằng dung dịch khử trùng, bạn có thể đang bị ám ảnh sợ nhiễm bệnh. Đây là một trong những nỗi ám ảnh thường gặp nhất của bệnh OCD.
Tuy nhiên, thói quen sạch sẽ cũng có thể chỉ vì bạn muốn phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm. Vậy khi nào thói quen sạch sẽ trở nên bất thường?
Những biểu hiện sau đây có thể là dấu hiệu OCD:
- Bạn có thói quen rửa tay nhiều lần và lau chùi kỹ từng móng tay.
- Bạn luôn nghĩ đến vi trùng hay mầm bệnh ngay cả khi vừa rửa tay xong.
- Bạn sợ hãi mầm bệnh ở khắp mọi nơi một cách vô lý. Ví dụ như sợ mắc bệnh HIV từ giỏ hàng ở siêu thị.
Dọn dẹp nhà cửa theo nguyên tắc cứng nhắc
OCD khiến bạn luôn đặt ra những nguyên tắc khi dọn dẹp nhà cửa; và bắt buộc phải tuân theo chúng một cách chính xác.
Đó có thể là dọn dẹp phòng 1 lần mỗi ngày, quần áo dơ không để quá 3 ngày; rác để đúng chỗ quy định ngoài cổng. Bạn yêu cầu mọi ngóc ngách trong nhà đều phải sạch sẽ và không khí cần tinh khiết.
Nếu bạn có thể dành ra hàng giờ mỗi ngày chỉ để dọn dẹp nhà cửa; đó có thể là một dấu hiệu của bệnh OCD:
- Bạn không thể bỏ qua việc dọn dẹp ngay cả khi mệt mỏi.
- Bạn luôn cảm thấy lo lắng vi trùng xuất hiện khắp nơi trong nhà.
- Bạn trang bị nhiều dụng cụ vệ sinh để làm sạch căn nhà một cách tuyệt đối.
- Bạn cảm thấy khó chịu, bức bối; hoặc thậm chí lo lắng, sợ hãi nếu không dọn dẹp đúng nguyên tắc.
Cảm giác cần phải kiểm tra
Bạn thường làm xong một việc nhưng vẫn quay đi quay lại kiểm tra nhiều lần? Cảm giác thôi thúc cần phải kiểm tra có thể do bạn có tính cách cẩn trọng; song đồng thời cũng là một dấu hiệu của bệnh OCD. Hành vi kiểm tra gặp đến 30% ở những người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Bạn nên lưu ý nếu thấy bản thân có các dấu hiệu bệnh OCD sau đây:
- Bạn thường đi trễ vì loay hoay kiểm tra điện, nước hay ổ khóa nhà.
- Bạn có xu hướng kiểm tra một việc mình mới làm xong nhiều hơn 3 lần.
- Bạn hay bị trễ deadline vì luôn kiểm tra mọi thứ rất nhiều lần nên tốn nhiều thời gian.
- Bạn cảm thấy khó chịu, lo lắng nếu không được kiểm tra đúng số lần quy định của mình.
Nỗi ám ảnh về những con số do bệnh OCD
Xét về khía cạnh tâm linh, nhiều người vẫn thích chọn những “con số may mắn” theo con giáp, phong thủy… Để xác định mình có bị ám ảnh về những con số hay không, bạn có thể xem xét các dấu hiệu sau đây:
- Bạn luôn bị thôi thúc phải đếm số mọi thứ như số bậc cầu thang, số ô cửa sổ số người trong phòng.
- Bạn sẽ cảm thấy bất an hay lo lắng khi gặp phải những con số mà bạn cho là không may mắn; và suy nghĩ đó ám ảnh bạn nhiều giờ, cả ngày hoặc thậm chí nhiều ngày.
Khả năng tổ chức tốt
Những ai mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế thường là người cầu toàn nên có khả năng tổ chức đáng nể. Họ không những quan tâm đến từng chi tiết nhỏ mà còn bị ám ảnh bởi tính đối xứng của mọi thứ xung quanh.
Đối với những người mắc OCD, mọi thứ phải mang đến cảm giác ổn, nhìn cân đối và đúng số lượng. Bên cạnh những ưu điểm vượt trội về khả năng tổ chức; sự cầu toàn có thể gây ra một số vấn đề sau đây cho người bệnh OCD:
- Bạn khiến người khác khó chịu vì sự cầu toàn quá tiểu tiết của bản thân.
- Bạn không có thời gian nghỉ ngơi và thường bị chậm tiến độ công việc vì tập trung nhiều vào những chi tiết nhỏ và phức tạp.
- Việc sắp xếp mọi thứ đúng trật tự, đối xứng đôi khi không phải là sở thích của bạn; mà nó giúp bạn giảm lo lắng và căng thẳng.
Sợ hãi bạo lực quá mức
Bất cứ ai cũng sợ hãi bạo lực, song bạn cần phân biệt được như thế nào là quá mức. Nếu bạn né tránh đám đánh nhau trên đường thì đó là bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn không dám ra công viên để tập thể dục vì tưởng tượng cảnh sẽ gặp yêu râu xanh hay trộm cướp, đó cũng có thể là dấu hiệu của bệnh OCD.
Nỗi ám ảnh mà người bệnh OCD có thể trải qua:
- Sợ hãi bị người thân bạo hành khi làm một điều gì đó sai lầm hoặc có lỗi.
- Sợ hãi con mình đi học bị bạn bè bắt nạt, cô giáo đánh đòn hay gặp kẻ xấu.
- Sợ hãi bị người khác đánh đập hay xâm hại tình dục mỗi khi ra đường lúc vắng người.
Ám ảnh về tình dục
Bạn có bao giờ nghĩ về cảnh giường chiếu nóng bỏng với một người không phải người yêu hay bạn đời của mình? Ham muốn tình dục là bản năng bình thường của con người. Tuy nhiên, nếu bạn thường có những suy nghĩ bộc phát về tình huống quan hệ mà bản thân không mong muốn hoặc; đối với bản thân đó là điều cấm kỵ, bạn có thể đang có dấu hiệu bệnh OCD.
Nỗi ám ảnh về tình dục có thể biểu hiện qua những ý nghĩ muốn quan hệ hoặc tưởng tượng ra cảnh quan hệ với các đối tượng sau đây:
- Với một ai đó hấp dẫn nhưng không hề quen biết.
- Với trẻ em hoặc người có cùng giới tính với mình.
- Với một người đồng nghiệp hay khách hàng trong công ty.
Dằn vặt về các mối quan hệ
Khi yêu mến một ai đó, bạn sẽ có xu hướng quan tâm đến suy nghĩ và cảm xúc của họ nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên cảm thấy dằn vặt, sợ làm người khác tổn thương hay gây tổn hại đến mối quan hệ dù chỉ là với những tình huống xung đột nhỏ thường ngày thì đây cũng là một dấu hiệu của bệnh OCD. Bạn bị ám ảnh đến mức chỉ nóng lòng muốn biết suy nghĩ của đối phương càng sớm càng tốt để có thể cảm thấy thoải mái hơn.
Cảm giác không chắc chắn sẽ khiến bạn ăn ngủ không yên, lo lắng và liên tục suy nghĩ tự trách bản thân, thường gặp trong các tình huống sau đây:
- Bạn vừa nhận xét không tốt về đồng nghiệp hoặc cấp trên.
- Bạn làm một điều sai lầm đối người khác nhưng không biết làm sao để sửa lỗi.
- Bạn cảm thấy bất an khi vô tình lớn tiếng với người thân trong gia đình.
Tìm kiếm sự bảo đảm
Một cách mà người bệnh OCD thường áp dụng để tìm kiếm sự bảo đảm là luôn hỏi ý kiến mọi người xung quanh về vấn đề của mình. Bạn sẽ luôn hoài nghi về những lựa chọn của mình. Vì thế, bạn có xu hướng kỳ vọng ý kiến của người khác sẽ có thể giúp mình cảm thấy an tâm hơn.
Hãy cùng xem bạn có các dấu hiệu của bệnh OCD khi kỳ vọng sự bảo đảm không nhé:
- Bạn hỏi ý rất nhiều người trước khi quyết định một việc dù nhỏ.
- Nếu không thể hỏi ý kiến mọi người bạn sẽ liên tục lo lắng về chuyện mình sẽ làm sai; gây hại hoặc bị xấu hổ trước mọi người.
Ghét ngoại hình của mình
Đây là một dấu hiệu bệnh OCD có liên quan đến hội chứng mặc cảm ngoại hình BDD (Body dysmorphic disorder).
Khi mắc hội chứng này, bạn sẽ luôn cảm thấy cơ thể mình xấu hoặc các phần cơ thể không được hoàn hảo; một số người thì lại lo lắng về sự sạch sẽ của cơ thể mình. Và nhiều người bệnh bị chứng rối loạn này đã tìm đến các cơ sở thẩm mỹ để phẫu thuật thẩm mỹ một hoặc nhiều lần.
Bạn nên lưu ý nếu thấy mình có những dấu hiệu sau đây:
- Bạn không tin những lời khen của mọi người về ngoại hình của bạn và luôn nghĩ rằng mình xấu hoặc cơ thể không hoàn mỹ.
- Bạn dành hàng giờ mỗi ngày để soi gương và luôn cảm thấy một phần cơ thể nào đó không cân đối hoặc không bình thường.
- Bạn luôn cho rằng việc ngoại hình của mình xấu là điều vô cùng quan trọng và tránh giao tiếp với mọi người.
Cách chẩn đoán rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là gì?
Đôi khi rất khó chẩn đoán OCD vì các triệu chứng có thể tương tự các rối loạn tâm thần khác (như trầm cảm; rối loạn lo âu).
- Đánh giá tâm lý. Điều này bao gồm thảo luận về suy nghĩ, cảm xúc; triệu chứng và kiểu hành vi để xác định xem bạn có bị ám ảnh hoặc hành vi cưỡng chế ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.
- Tiêu chuẩn chẩn đoán OCD. Bác sĩ tâm thần thể sử dụng các tiêu chí trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5), do Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ xuất bản.
- Khám sức khỏe thể chất. Điều này có thể được thực hiện để giúp loại trừ các vấn đề khác có thể gây ra các triệu chứng của bạn và để kiểm tra xem có bất kỳ biến chứng liên quan nào không.
Cách điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD
Hai cách điều trị phổ biến nhất thường được áp dụng để điều trị cho các bệnh nhân mắc họi chứng OCD bao gồm:
Câu hỏi thường gặp
OCD là viết tắt của từ gì?
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế, tiếng Anh là Obsessive-Compulsive Disorder, viết tắt là OCD.
Có bài test nhận biết rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD không?
Có bài test rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Bài test sẽ giúp bạn đánh giá xem liệu rằng bạn có đang mắc phải hội chứng (bệnh) OCD hay không. Trong quá trình thực hiện, bạn nên trả lời câu hỏi một cách trung thực, đầy đủ, phản ánh những cảm nhận ở hiện tại, chứ không phải là cách bạn muốn cảm nhận.
Kết luận
OCD là bệnh gì? Nhiều người vẫn thường gắn “bệnh OCD” cho những ai thích dọn dẹp mọi thứ sạch sẽ; kiểm tra kỹ từng chi tiết chi li hay thu xếp đồ đạc gọn gàng.
Thực tế, chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế này có tác động đến cuộc sống hàng ngày nhiều hơn bạn tưởng. Nếu phát hiện bản thân có những dấu hiệu của bệnh OCD; bạn nên tìm đến bác sĩ tâm thần hoặc chuyên viên tâm lý để tìm cách điều trị hiệu quả nhé.
[embed-health-tool-bmi]