Rối loạn tuyến giáp là những bệnh lý ảnh hưởng đến tuyến giáp, một tuyến hình cánh bướm phía trước cổ. Vậy tuyến giáp là gì, có vai trò như thế nào với sức khỏe tổng thể của chúng ta?
Ở cổ có một bộ phận hình cánh bướm gọi là tuyến giáp, chịu trách nhiệm sản xuất hormone (nội tiết tố) điều hòa các phản ứng chuyển hóa trong cơ thể. Khi chức năng của tuyến giáp bị rối loạn, một loạt vấn đề sức khỏe khác sẽ xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh.
Để ngăn chặn tình trạng trên xảy ra, mời bạn cùng Sức khỏe tìm hiểu các vấn đề xoay quanh rối loạn tuyến giáp, bao gồm nguyên nhân, triệu chứng bệnh cũng như cách điều trị hiệu quả qua bài viết dưới đây.
Rối loạn tuyến giáp là gì?
Bệnh rối loạn tuyến giáp đề cập đến sự thay đổi bất thường của hàm lượng nội tiết tố do bộ phận này sản sinh. Dựa vào nồng độ hormone tuyến giáp, bác sĩ phân loại tình trạng trên thành hai nhóm chính gồm:
- Cường giáp còn gọi là tăng tiết hormone tuyến giáp. Đây là tình trạng mà một lượng lớn hormone tuyến giáp được sản xuất dẫn đến dư thừa về số lượng.
- Suy giáp còn có tên khác là nhược giáp. Suy giáp xảy ra khi cơ thể không có đủ lượng nội tiết tố tuyến giáp thiết yếu.
>> Có thể bạn quan tâm: Cường giáp và suy giáp khác nhau thế nào?
Hormone tuyến giáp đảm nhiệm vai trò điều hóa quá trình chuyển hóa trong cơ thể, đồng thời kích thích cơ chế sinh sản và tăng trưởng của tế bào. Vì vậy, tình trạng thiếu hoặc thừa hormone tuyến giáp đều gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.
Cụ thể hơn, trẻ nhỏ bị suy giáp bẩm sinh nếu không được bổ sung hormone tuyến giáp kịp thời rất nguy hiểm. Rối loạn tuyến giáp ở trẻ có nguy cơ để lại di chứng trên hệ thần kinh, dẫn đến rủi ro trì độn, kém phát triển về cả thể chất lẫn trí tuệ.
Tất cả mọi người đều có nguy cơ bị rối loạn tuyến giáp. Tuy nhiên, theo thống kê, tình trạng này phổ biến hơn ở người trưởng thành, đặc biệt là phụ nữ.
Nguyên nhân gây rối loạn tuyến giáp là gì?
Bệnh tuyến giáp là nguyên nhân chủ yếu khiến chức năng của bộ phận này bị rối loạn, chẳng hạn như:
- Bệnh Basedow gây tăng tiết hormone tuyến giáp
- Bệnh Hashimoto làm giảm khả năng hoạt động của giáp
Ngoài ra, đôi khi rối loạn tuyến giáp còn có thể là hệ lụy biến chứng của liệu trình điều trị y tế, ví dụ như:
- Xạ trị
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc kê đơn (interferon, amiodarone…)
- Phẫu thuật tuyến giáp
Trong một vài trường hợp hy hữu, nhiễm trùng cũng có khả năng là tác nhân gây rối loạn chức năng tuyến giáp.
Những yếu tố rủi ro dẫn đến rối loạn tuyến giáp
Bên cạnh những vấn đề trên, bạn còn có nguy cơ bị rối loạn chức năng tuyến giáp nếu đáp ứng bất kỳ yếu tố nào như sau:
- Trên 60 tuổi
- Đã hoặc đang mắc bệnh tự miễn
- Gia đình có tiền sử mắc bệnh tuyến giáp
- Đã hoặc đang điều trị bằng phóng xạ iodine hoặc thuốc kháng giáp
- Xạ trị ở cổ hoặc ngực
- Đã phẫu thuật tuyến giáp
Người bị rối loạn tuyến giáp có những biểu hiện nào?
Nhiều người thường băn khoăn: Khi bị rối loạn tuyến giáp sẽ có những biểu hiện nào? Triệu chứng rối loạn tuyến giáp là gì? Theo các bác sĩ, triệu chứng rối loạn tuyến giáp có thể bao gồm:
- Căng thẳng, run rẩy tay và trạng thái kích thích. Các biểu hiện này là dấu hiệu cảnh báo tình trạng tuyến giáp đang hoạt động quá mức
- Rối loạn tri giác và kém tập trung. Cường giáp hay suy giáp đều có thể ảnh hưởng đến chức năng thần kinh. Người bị suy giáp thường cảm thấy buồn và chán nản. Trong khi đó, cường giáp có thể dẫn đến kém tập trung.
- Rối loạn kinh nguyệt. Suy giáp đôi khi kết hợp với rong kinh và cường kinh. Dấu hiệu cường giáp đặc trưng là thiểu kinh.
- Phù nề. Đôi khi, nồng độ hormone tuyến giáp quá thấp sẽ khiến cơ thể tích nước gây phù nề.
- Tăng nhịp tim. Nhịp tim nhanh và hồi hộp có thể là triệu chứng cường giáp
- Đau nhức cơ. Trong một số trường hợp, rối loạn tuyến giáp có khả năng kéo theo những cơn đau cơ khó chịu.
- Tăng cân. Tình trạng này thường đi kèm với chức năng tuyến giáp suy giảm.
- Mức cholesterol cao. Sự gia tăng nồng độ cholesterol trong máu có thể xảy ra ở những người bị suy giáp.
- Không thể chịu nóng. Những người có tuyến giáp hoạt động quá mức thường nhạy cảm với nhiệt độ cao.
- Chịu lạnh kém. Những người có tuyến giáp kém hoạt động cảm thấy lạnh thường xuyên.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên tìm gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bắt gặp bất kỳ dấu hiệu sau đây:
- Cảm thấy lạnh ngay cả khi thời tiết đang nóng
- Táo bón kéo dài nhiều ngày
- Yếu cơ
- Tăng cân không rõ nguyên nhân
- Đau cơ và khớp
- Cảm thấy buồn, chán nản, mệt mỏi
- Da khô
- Tóc khô, mảnh
- Nhịp tim đập chậm
- Ít ra mồ hôi
- Khuôn mặt sưng húp
- Giọng nói khàn
- Kinh nguyệt nhiều hơn bình thường.
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Rối loạn tuyến giáp có thể được chẩn đoán ra sao?
Phương pháp chính dùng để chẩn đoán tình trạng chức năng của tuyến giáp bị rối loạn (bao gồm cả cường giáp và suy giáp) là xác định nồng độ hormone tuyến giáp trong máu. Như vậy, quá trình chẩn đoán rối loạn tuyến giáp sẽ bao gồm các thủ thuật như:
- Khám lâm sàng
- Xét nghiệm máu
- Siêu âm
- Sinh thiết
Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể biết được nguyên nhân gây bệnh và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Những phương pháp nào dùng trong điều trị rối loạn tuyến giáp
Tùy vào vấn đề bạn gặp phải mà bác sĩ sẽ đề xuất liệu trình chữa trị hiệu quả và thích hợp nhất. Chúng có thể bao gồm:
Suy giáp
Đối với bệnh suy giáp, phương pháp điều trị thường gặp là liệu pháp thay thế hormone, cụ thể hơn là sử dụng hormone tuyến giáp tổng hợp suốt đời. Mặc dù phương pháp này không có tác dụng phụ nhưng nếu việc uống quá liều có nguy cơ dẫn đến một số phản ứng như run rẩy, tim đập nhanh, khó ngủ. Vì vậy, hãy chú ý tuân thủ đúng liều lượng thuốc do bác sĩ chỉ định.
Thông thường, người bệnh cần chờ 4 – 6 tuần mới bắt đầu nhận được tác dụng từ liệu pháp trên.
Cường giáp
Các phương pháp điều trị cường giáp bao gồm:
- Bổ sung iot cho cơ thể, bao gồm cả dạng uống hoặc phóng xạ
- Sử dụng thuốc kháng giáp
- Phẫu thuật
Đôi khi, bác sĩ cũng sẽ kê toa một số loại thuốc khác để hỗ trợ kiểm soát các triệu chứng cường giáp như run, tăng nhịp tim, lo âu và bồn chồn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý chúng sẽ không chữa khỏi bệnh rối loạn tuyến giáp.
Iot phóng xạ cần dùng ở liều thấp nhằm hạn chế tối đa rủi ro gây tổn thương các mô xung quanh, đồng thời tránh suy giáp. Phụ nữ mang thai không được áp dụng phương pháp này vì nó có nguy cơ gây tổn hại cho tuyến giáp của thai nhi.
Rối loạn chức năng tuyến giáp do ung thư
Đối với bệnh ung thư tuyến giáp, phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp kết hợp iot phóng xạ, xạ trị (ít gặp), thuốc chống ung thư và ức chế hormone là các lựa chọn điều trị thường gặp.
Phòng ngừa và hạn chế diễn biến của rối loạn tuyến giáp
Nguy cơ bị rối loạn hormone tuyến giáp có thể được phòng ngừa như thế nào? Theo các chuyên gia sức khỏe, bạn sẽ có thể phòng ngừa rối loạn chức năng tuyến giáp, đồng thời kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Bỏ thuốc lá
- Hạn chế tiêu thụ quá nhiều đậu nành
- Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất thiết yếu, đặc biệt là iot
- Chọn sản phẩm không có fluoride
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
[embed-health-tool-ovulation]