Xịt rửa mũi nhiều lần trong ngày, nhổ lông mũi, pha nước muối súc họng không đúng tỷ lệ, ngoáy mũi là những sai lầm có thể gây nhiễm trùng, thủng màng nhĩ.
Tai, mũi, họng thông với nhau, nếu một bộ phận bị viêm có thể khiến nhiễm trùng lây lan sang bộ phận khác. ThS.BS.CKI Trương Trí Tường, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết tai mũi họng là nơi đầu tiên tiếp xúc với các mầm bệnh nên dễ tổn thương nhất. Các bộ phận này cần được vệ sinh sạch sẽ, đúng cách để giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như biến chứng thủng nhĩ, viêm họng…
Bác sĩ Tường lưu ý người bệnh nên tránh mắc phải các sai lầm khi vệ sinh tai mũi họng để bảo vệ sức khỏe của các cơ quan này.
Xịt rửa mũi nhiều lần trong ngày
Xịt rửa mũi 1-2 lần mỗi ngày giúp làm sạch niêm mạc mũi, loại bỏ các chất nhầy, bụi bẩn, vi khuẩn, các tác nhân dị ứng khỏi niêm mạc mũi. Tuy nhiên, xịt rửa mũi quá nhiều lần có thể làm mất đi lớp nhầy bảo vệ mũi, gây tổn thương niêm mạc mũi, dẫn đến viêm.
Nhổ hoặc dùng kem tẩy lông mũi
Lông mũi có chức năng lọc bụi, ngăn chặn virus và vi khuẩn. Nhổ hoặc dùng kem tẩy lông mũi có thể làm bỏng da và niêm mạc bên trong mũi, nhiễm trùng, dị ứng, lông mọc ngược, giảm hiệu quả lọc không khí.
Nếu lông mũi quá dài hoặc gây khó chịu, thay vì nhổ, bạn có thể cắt tỉa bằng kéo nhỏ hoặc sử dụng máy tỉa lông mũi chuyên dụng. Lưu ý cẩn thận khi dùng kéo nhỏ vì dễ chọc thủng niêm mạc mỏng bên trong mũi dẫn đến chảy máu mũi, nhiễm trùng mũi.
Lấy ráy tai mỗi ngày
Theo bác sĩ Tường, lấy ráy tai mỗi ngày là sai lầm nhiều người mắc phải. Ống tai ngoài có khả năng tự làm sạch nhờ ráy tai. Ráy tai có tác dụng diệt khuẩn, góp phần ngăn ngừa các sinh vật phát triển, nhờ đó giảm nguy cơ nhiễm trùng trong ống tai.
Dụng cụ lấy ráy tai bằng kim loại hoặc chất liệu cứng có thể làm xước và tổn thương tai. Dùng tăm bông khi ngoáy tai đẩy ráy tai sâu hơn vào trong ống tai, gây tắc nghẽn, nguy cơ nhiễm trùng. Thói quen lấy ráy tai ở tiệm cắt tóc, với dụng cụ không được sát khuẩn, tiệt trùng kỹ còn tăng khả năng lây nhiễm mầm bệnh như vi khuẩn, virus hoặc nấm.
Ngoáy tai, làm sạch ống tai mỗi ngày là không cần thiết, dễ làm tăng độ ẩm, mềm da ống tai, dẫn đến nhiễm trùng và kích ứng tai. Không lấy ráy tai quá 2-3 lần mỗi tuần.
Ngoáy mũi thường xuyên
Dùng ngón tay ngoáy mũi thường xuyên là thói quen xấu, có thể gây xước niêm mạc mũi dẫn đến chảy máu. Tay không sạch sẽ vô tình đưa vi khuẩn vào mũi, dễ nhiễm bệnh.
Tự pha nước muối súc họng
Tiêu chuẩn của nước muối sinh lý (Natri clorid – NaCl) là được pha chế với tỷ lệ 0,9%, tức một lít nước pha với 9 g muối tinh khiết. Đây là dung dịch có áp suất thẩm thấu xấp xỉ với dịch trong cơ thể người. Tự pha nước muối sinh lý không đảm bảo nồng độ theo tiêu chuẩn. Nồng độ muối quá đậm đặc gây kích ứng niêm mạc họng miệng, dễ dẫn đến tổn thương. Nồng độ muối quá nhạt lại không đủ để sát khuẩn.
Nên sử dụng nước muối sinh lý 0,9% đã được tiệt trùng và mua tại các nhà thuốc. Hạn chế tự pha vì nếu không đảm bảo điều kiện vệ sinh, không đúng tỷ lệ pha chế dễ gây hại cho vùng niêm mạc mũi, họng.
Lạm dụng dung dịch sát trùng họng
Sử dụng các dung dịch chứa cồn hoặc có tính axit, hóa chất có nồng độ không phù hợp có thể kích ứng niêm mạc họng, làm tổn thương họng.
Súc họng không đúng cách
Nếu súc họng quá nhanh, dung dịch súc họng không đủ thời gian để phát huy tác dụng khử khuẩn. Trong khi đó, súc quá lâu lại có thể tổn thương họng. Khi súc miệng quá nhanh, nước không xuống được cổ họng cũng không phát huy được hiệu quả làm sạch.
Bác sĩ Tường cho biết cách súc họng đúng là ngậm một lượng nước muối sinh lý vừa đủ với khoang miệng, mỗi lần súc khoảng hai phút, trong đó có ba lần đưa nước muối xuống họng khoảng 15 giây. Ngửa cổ lên, khò nước cho đến vùng hạ họng, thanh quản. Sau cùng dùng hơi đẩy hỗn hợp lên, nhổ ra ngoài.
Sau khi súc nước muối sinh lý, mọi người không súc lại bằng nước thông thường. Tránh khạc nhổ mạnh vì dễ làm tổn thương họng. Ngoài vệ sinh tai mũi họng, nên giữ ấm, tránh ăn đá lạnh, đồ cay nóng, Không uống rượu, hút thuốc, tránh tiếp xúc với khói bụi, hóa chất độc hại, tiếng ồn để bảo vệ tai mũi họng tốt hơn.
Uyên Trinh
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |