Bạn đọc hỏi
Chào bác sĩ
Cháu trai tôi 28 tháng, mỗi khi sốt cao là bé bị co giật nhìn rất đáng sợ. Có lần thấy cháu bị giật ghê quá, sợ cháu cắn lưỡi, tôi phải nhét khăn vào miệng cháu nhưng mẹ cháu không cho làm vậy và giải thích là làm thế có thể khiến bé bị ngạt.
Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân gây sốt cao co giật ở trẻ em là gì? Có ảnh hưởng đến não bộ không? Làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng này? Mỗi khi cháu co giật thì tôi cần làm gì?
Bà ngoại Titto, Hóc Môn, Tp. Hồ Chí Minh
Bác sĩ trả lời
Chào bà ngoại của Titto,
Với câu hỏi nguyên nhân gây sốt cao co giật ở trẻ em là gì? Có ảnh hưởng đến não bộ không? Làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng này? Mỗi khi cháu co giật thì cha mẹ cần làm gì, bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm hiện đang công tác tại khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex Bình Dương, từng công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 1 giải đáp như sau:
Nguyên nhân gây sốt cao co giật ở trẻ em
Co giật do sốt (hay sốt co giật) thường xuất hiện với tần suất 3-5% ở trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi. Trẻ không có tiền căn co giật không sốt trước đó. Sốt co giật có 3 dạng: sốt co giật đơn giản, sốt co giật phức tạp và trạng thái động kinh có sốt. Thường gặp nhất là dạng sốt co giật đơn giản với triệu chứng: trẻ có thể phản ứng bất thường trong giây lát, sau đó cứng người, co giật toàn thân và trợn mắt. Trong thời gian co giật, trẻ thường mất ý thức. Sau cơn co giật, trẻ nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường. Các cơn co giật thường kéo dài dưới 5 phút, nhưng một số trường hợp có thể kéo dài đến 15 phút. Nguyên nhân của sốt co giật vẫn chưa được biết rõ. Nhưng có một số yếu tố nguy cơ dưới đây có thể khiến trẻ sốt co giật:
- Sốt cao.
- Nhiễm siêu vi như cúm …
- Yếu tố gia đình: hiện chưa rõ liệu sốt co giật có tính di truyền hay không nhưng các nghiên cứu ghi nhận nếu cha mẹ hay anh chị em sinh đôi trong gia đình có tiền sử bị co giật do sốt thì 10 – 20% trẻ có nguy cơ bị sốt co giật.
- Chích ngừa: một số vaccine như bạch hầu – ho gà toàn tế bào – uốn ván, sởi – quai bị – rubella có khả năng gây sốt co giật. Nguyên nhân có thể do thành phần vaccine, tuổi của trẻ hoặc do gen.
- Mẹ có tiếp xúc với một số chất trong lúc mang thai như mẹ hút thuốc lá, uống rượu hoặc coffee.
- Trẻ bị viêm mũi dị ứng hay suyễn.
Tìm hiểu thêm Bé chích ngừa bị sốt phải làm sao? Cách chăm sóc trẻ sau tiêm tại nhà và những trường hợp cần đến bệnh viện
Sốt cao co giật ở trẻ em có ảnh hưởng đến não bộ không?
Với các bậc phụ huynh, việc phải chứng kiến con bị sốt cao co giật có lẽ rất đáng sợ. Thế nhưng, thực tế là tình trạng này thường vô hại đối với trẻ. Co giật do sốt ở dạng đơn giản không gây tổn thương não hay các vấn đề về hệ thần kinh như yếu liệt, thiểu năng trí tuệ. Nguy cơ tái phát chung của sốt co giật khoảng ⅓ trường hợp, trong đó 50% tái phát trong 6 tháng đầu và 90% trong 2 năm đầu. Khoảng 2-10% trẻ sốt co giật sẽ chuyển thành động kinh sau này, tùy thuộc vào triệu chứng co giật và tiền căn bệnh của trẻ. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở động kinh là tình trạng trẻ lên cơn co giật lặp đi lặp lại mà không kèm theo sốt.
Nếu thấy trẻ bị co giật do sốt, hãy xử trí theo hướng dẫn dưới đây ngay lập tức để ngăn ngừa thương tích:
- Giữ bình tĩnh, kêu gọi người giúp đỡ.
- Đặt trẻ ở nơi an toàn nếu như trẻ đang ở nơi nguy hiểm như gần hồ nước, cạnh bếp lửa… vị trí đặt trẻ nằm nên rộng rãi, thoáng mát như trên sàn nhà hoặc giường, tránh các đồ vật cứng hoặc sắc nhọn.
- Không giữ trẻ quá chặt để kiềm cơn co giật. Để đầu trẻ nghiêng sang một bên để nước bọt hoặc chất nôn có thể chảy ra khỏi miệng, không gây hít sặc vào phổi. Bảo vệ vùng đầu cho trẻ bằng cách đặt khăn, gối hay dùng tay giữ đầu trẻ, tránh trong cơn co giật đầu đập xuống đất.
- Nới lỏng quần áo, dây nịt, cởi bỏ mắt kính.
- Không đưa bất cứ thứ gì vào miệng trẻ, kể cả nhỏ dung dịch hay chất gì vào miệng như vắt chanh, cồn … vì nguy cơ dễ hít sặc chất đó vào phổi. Không cố gắng nạy răng trẻ vì tăng nguy cơ ngạt thở, nhiễm trùng hay gãy răng, dễ hít sặc. Vì lưỡi thường sẽ tụt nhẹ vào trong, các cơ lúc co giật sẽ co cứng lại, kể cả cơ lưỡi, nên trẻ sẽ không cắn lưỡi trong cơn co giật.
- Đo nhiệt độ cơ thể trẻ. Nhét thuốc hạ sốt qua hậu môn nếu trẻ sốt.
- Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi tiếp tục vì co giật có thể là triệu chứng khởi đầu của nhiều bệnh lý nguy hiểm như viêm màng não…
Chú ý một số thông tin quan trọng giúp Bác sĩ chẩn đoán như:
- Hoàn cảnh xuất hiện cơn co giật, số lần co giật và thời gian hết cơn co giật.
- Trẻ co giật cả chân, tay, mắt, miệng, nửa người hay chỉ co giật một bộ phận nào đó?
- Triệu chứng trước khi xuất hiện co giật như mắt lảo đảo, giọng nói bất thường… Triệu chứng kèm theo như sốt cao lúc co giật, nôn, đau đầu… Tri giác trẻ trong và sau cơn co giật như thế nào?
- Tiền căn chấn thương hoặc ngộ độc thức ăn, uống nhầm thuốc hoặc chất độc.
– Bạn có thể xem thêm các bài viết:
Ngộ nhận của bố mẹ khi xử trí cho con bị co giật do sốt cao
Sốt co giật (co giật do sốt cao)
Trân trọng!
Nội dung của Sức khỏe có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
[embed-health-tool-vaccination-tool]