Chỉ số SpO2 có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe con người nói chung và là một trong những thước đo được chú ý trong quá trình tập luyện thể dục thể thao. Đây là một trong những dấu hiệu sinh tồn của cơ thể, bên cạnh 4 dấu hiệu khác là mạch, nhiệt độ, nhịp thở và huyết áp.
Chỉ số SpO2 là gì?
SpO2 là viết tắt của cụm từ Saturation of peripheral oxygen – độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi. Hiểu một cách khác, SpO2 là tỷ lệ hemoglobin oxy hóa (hemoglobin có chứa oxy) so với tổng lượng hemoglobin trong máu. Hemoglobin là một protein được tìm thấy trong các tế bào hồng cầu, quyết định màu đỏ của hồng cầu.
Chỉ số SpO2 có thể được đo bằng phép đo xung – một phương pháp gián tiếp, không xâm lấn (không đưa các dụng cụ vào trong cơ thể). Nó hoạt động bằng cách phát ra và tự hấp thu một làn sóng ánh sáng đi qua các mạch máu hoặc mao mạch trong đầu ngón tay, đầu ngón chân hoặc dái tai. Sự thay đổi của sóng ánh sáng xuyên qua ngón tay, ngón chân hoặc dái tai sẽ cho biết kết quả của phép đo SpO2 vì mức độ oxy bão hòa gây ra các biến đổi về màu sắc của máu.
Biết được độ bão hòa oxy trong máu (SpO2) cho phép bạn đánh giá tình trạng thể chất của mình, xây dựng mục tiêu thể thao và quyết định cường độ tập luyện phù hợp. Khi bạn tham gia các hoạt động ngoài trời với độ cao thay đổi liên tục, dữ liệu này sẽ cho bạn biết cơ thể mình đang phản ứng với hoàn cảnh như thế nào. Kết hợp con số này với chỉ số nhịp tim sẽ tính ra được một loạt các dữ liệu sinh lý giúp bạn đánh giá mức độ hiệu quả trong chương trình tập luyện của mình. Bạn cũng có thể dùng thông tin này để hiểu hơn về lịch sử giấc ngủ của mình nhờ ghi lại dữ liệu thời gian ngủ, giai đoạn giấc ngủ REM và cử động trong lúc ngủ.
Chỉ số SpO2 ở người bình thường là bao nhiêu?
Thang đo chỉ số SpO2 tiêu chuẩn:
- SpO2 từ 94 – 100%: Chỉ số oxy trong máu bình thường.
- SpO2 từ 90 – dưới 94%: Chỉ số oxy thấp
- SpO2 dưới 90%: Biểu hiện của một ca cấp cứu trên lâm sàng.
Làm thế nào để đo SpO2?
Để có kết quả chính xác nhất, cần đến bệnh viện để bác sĩ đo đạc và lấy thông số về SpO2 thông qua đầu ngón tay, đầu ngón chân hoặc tai.
Tuy nhiên, các thiết bị đồng hồ thông minh của Garmin hiện nay đã tích hợp tính năng này và cho kết quả tương đối chính xác. Hemoglobin trong máu của chúng ta là mấu chốt trong việc xác định chính xác độ bão hòa oxy trong máu. Mức độ oxy chứa trong hemoglobin ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ tia ánh sáng đỏ và tia hồng ngoại của máu. Bằng việc phát ra ánh sáng ở hai tần số khác nhau, các cảm biến ở những thiết bị mang trên người có thể xác định được dữ liệu nhịp đập. Sử dụng dữ liệu này, thuật toán chuyên dụng của Garmin có thể ước lượng được độ bão hòa oxy trong máu của người dùng.
Cách tăng SpO2
Độ bão hòa oxy trong máu ở mức bình thường là một trong những chỉ số cho thấy sức khỏe tim phổi của bạn không gặp vấn đề gì. Dưới đây là 4 cách tăng mức SpO2 bạn có thể áp dụng trong cuộc sống hằng ngày:
- Tập luyện: 45 phút tập luyện thể dục thể thao như bơi lội hay chạy bộ với tần suất ít nhất ba lần một tuần có thể cải thiện hiệu quả mức SpO2.
- Ăn nhiều rau xanh: Thêm nhiều rau xanh như bông cải xanh, rau bina và cải xoăn vào chế độ ăn uống của bạn giúp làm tăng các khoáng chất và vitamin mà cơ thể bạn sử dụng để hỗ trợ việc hấp thụ oxy.
- Mở cửa sổ nhà bạn: Không khí trong lành mang đến lượng oxy dồi dào. Trong mỗi lần hít vào, không khí trong lành có nồng độ oxy cao hơn sẽ đi vào cơ thể bạn, giúp cải thiện nồng độ oxy trong máu.
- Giảm bớt muối: Chế độ ăn ít natri làm tăng oxy qua thận và máu.