Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đây cũng là lá chắn giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ trước những tác nhân gây bệnh. Nhưng bạn đã bao giờ thắc mắc “sữa mẹ có vị gì” chưa?
Hãy cùng Sức khỏe khám phá những thông tin thú vị về sữa mẹ qua bài viết bên dưới.
Sữa mẹ có vị gì?
Theo các nhà nghiên cứu, sữa mẹ được tạo thành từ hàng trăm chất khác nhau, bao gồm protein, chất béo, carbohydrate, vitamin, khoáng chất, nước, enzyme và hormone. Các thành phần này lại không cố định mà bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, dẫn đến mùi vị của sữa của mỗi người cũng khác nhau. Theo khảo sát, các bà mẹ đã mô tả vị của sữa mẹ như sau:
- Phổ biến nhất là sữa có vị gần giống như sữa hạnh nhân có đường
- Vị dưa leo hoặc dưa lưới
- Vị gần giống như nước đường hoặc mật ong
- Vị ngọt và béo ngậy như kem tan chảy
Ngoài ra, các sản phụ còn cho rằng sữa mẹ còn có thêm các hương vị đến từ thực phẩm mà họ ăn hằng ngày như hành tỏi, thức ăn cay hoặc các món ăn của nhiều vùng miền khác.
Các giai đoạn của sữa mẹ
Quá trình sản xuất sữa mẹ bắt đầu trong thời kỳ mang thai, nhưng không vì thế mà lượng sữa tiết ra nhiều sau khi sinh. Trong vài ngày đầu, lượng sữa sẽ tiết ra rất ít và tăng dần những ngày sau đó. Thời gian thay đổi lượng sữa sẽ khác nhau ở mỗi bà mẹ và thời gian sẽ dài hơn đối với những người lần đầu làm mẹ. Mặt khác, trong hai tuần đầu sau khi đứa trẻ ra đời, sữa mẹ sẽ tiến triển qua ba giai đoạn chính bao gồm:
1. Sữa non
Loại sữa đầu tiên, có ở cuối thai kỳ và trong vài ngày đầu sau sinh. Sữa non thường đặc, màu vàng, dễ kết dính, chứa nhiều protein, các yếu tố tăng trưởng, tế bào bạch cầu, kháng thể và đặc biệt là Immunoglobulin A (IgA) giúp bé chống lại nhiễm trùng. Đây cũng là một loại thuốc nhuận tràng tự nhiên giúp ngăn ngừa bệnh vàng da ở trẻ sơ sinh bằng cách loại bỏ phân su (phân sệt và đen) trong cơ thể bé.
2. Sữa chuyển tiếp
Khi ở giai đoạn từ 3 đến 5 ngày sau khi sinh, sữa mẹ sẽ chuyển đổi thành sữa chuyển tiếp, đây là tổ hợp sữa non và sữa trưởng thành. Loại sữa này sẽ dần dần chuyển hẳn sang sữa trưởng thành trong vài ngày hoặc một tuần sau đó.
3. Sữa trưởng thành
Đây là loại sữa có hàm lượng protein thấp hơn sữa non nhưng lại có hàm lượng chất béo và carbohydrate cao hơn. Sữa trưởng thành chứa khoảng 90% nước để đáp ứng nhu cầu chất lỏng của bé.
Bạn có thể quan tâm Sữa mẹ được hình thành như thế nào?
Sữa mẹ có vị gì? 8 yếu tố ảnh hưởng đến sữa mẹ
Một số bé sẽ không để ý đến sự thay đổi mùi vị trong sữa mẹ, nhưng một số bé có thể sẽ lạ mùi và bú ít hơn hoặc bỏ bú mẹ khi nếm thấy sữa mẹ có vị khác. Do đó, việc hiểu rõ các yếu tố có thể làm thay đổi hương vị của sữa mẹ sau đây, có thể giúp bạn giữ cho con mình bú mẹ lâu hơn:
1. Nội tiết tố
Khi mẹ bắt đầu có kinh trở lại sau khi sinh hoặc mang thai lần nữa, sự thay đổi nồng độ hormone có thể ảnh hưởng đến hương vị sữa. Nhưng bạn không cần quá lo lắng, sữa mẹ trong giai đoạn này vẫn an toàn cho bé nên nếu con bạn vẫn tiếp nhận thì hãy tiếp tục cho bé bú sữa mẹ.
2. Tập thể dục lấy lại vóc dáng
Sự tích tụ axit lactic trong cơ thể cùng với mồ hôi tiết ra trên ngực do vận động nhằm lấy lại vóc dáng của mẹ có thể làm thay đổi mùi vị sữa mẹ. Nhằm giảm thiểu sự ảnh hưởng này, mẹ hãy duy trì việc tập luyện ở mức độ vừa phải và lau rửa sạch sẽ bầu vú trước khi cho con bú để loại bỏ mồ hôi mặn.
3. Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc có thể làm thay đổi vị sữa mẹ, mặc dù chúng an toàn với việc cho con bú. Vì thế, nếu con bạn bắt đầu bỏ bú mẹ khi bạn dùng thuốc, hãy trò chuyện với bác sĩ để xem xét nguyên nhân và có thể thay đổi loại thuốc khác phù hợp hơn.
4. Hút thuốc
Các nghiên cứu cho thấy, sữa của những người mẹ có thói quen hút thuốc lá có thể có mùi và hương vị khói thuốc. Nếu bạn hút thuốc thì hãy hút thuốc sau khi cho bé bú và cố gắng không hút thuốc ít nhất 2 giờ trước khi cho con bú lần tiếp theo để giữ mùi và hương vị của khói thuốc có trong sữa ở mức tối thiểu. Nhưng lời khuyên dành cho các bà mẹ vẫn là nên cai thuốc đặc biệt là trong giai đoạn cho con bú.
5. Rượu, bia
Rượu hoặc các thức uống có cồn cần khoảng 2 giờ để tiêu hóa và đào thải ra khỏi cơ thể cũng như sữa mẹ. Bạn càng đợi lâu để cho con bú sau khi tiêu thụ đồ uống có cồn, lượng cồn trong sữa mẹ sẽ càng ít, từ đó giả thiểu nguy cơ làm thay đổi hương vị sữa mẹ.
6. Làm đông lạnh và rã đông
Nhằm tiết kiệm thời gian và tiền bạc, nhiều mẹ lựa chọn hút sữa và làm đông lạnh để con uống dần, điều này có thể làm vị sữa biến đổi. Nhiều bà mẹ đã mô tả vị sữa sau khi được rã đông có mùi xà phòng.
Mặc dù sữa mẹ khi được bảo quản trong tủ đông vẫn an toàn cho bé nhưng nhiều bé có thể không thích hương vị này và từ chối bú hoặc một số bé khác có thể thích vị sữa đông và bỏ bú mẹ do khác vị.
Tìm hiểu thêm Cách bảo quản sữa mẹ sau khi hút, rã đông an toàn cho bé
7. Viêm vú
Viêm vú là một bệnh nhiễm trùng vú có thể khiến sữa mẹ có vị mặn và nồng. Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể bị viêm vú và con bạn cũng từ chối bú bên bị nhiễm trùng, hãy đến khám và nhận sự tư vấn từ bác sĩ, vì bạn có thể phải dùng thuốc kháng sinh để điều trị viêm vú.
8. Sản phẩm chăm sóc cơ thể
Bất kỳ loại kem dưỡng da, xà phòng, nước hoa, dầu hoặc thuốc mỡ nào mà bạn thoa lên bầu ngực của mình đều có thể thêm các hương vị khác nhau vào sữa mẹ khi bé bú. Do đó, nếu bạn sử dụng bất kỳ sản phẩm dưỡng thể nào trên hoặc gần bầu ngực của mình, hãy nhớ rửa sạch trước khi cho con bú.
Người lớn có nên uống sữa mẹ hay không?
Người lớn có thể nếm thử sữa mẹ, nhưng vì đây là chất lỏng được tiết ra từ cơ thể nên chỉ có hai loại được khuyến cáo thử gồm:
- Sữa từ người quen biết và không có bệnh lý (gồm cả HIV và viêm gan) lây truyền qua sữa mẹ.
- Sữa mẹ từ ngân hàng sữa đã được sàng lọc và tiệt trùng.
Trong một số nghiên cứu, sữa mẹ cho kết quả tích cực khi sử dụng để điều trị các vết bỏng và hỗ trợ chữa lành các vết thương. Tuy nhiên, các thông tin này vẫn cần được nghiên cứu thêm.
Mặt khác, các ông bố có thể tò mò và muốn nếm thử sữa mẹ, điều này hoàn toàn tự nhiên. Một số bà mẹ sẽ cho bố nếm thử trực tiếp như một phần của cuộc ân ái. Tuy nhiên, quan hệ tình dục sau khi sinh hoàn toàn phụ thuộc vào mong muốn của người phụ nữ nên nếu bạn chưa sẵn sàng cho cuộc vui và chồng vẫn muốn thử sữa mẹ, hãy cho anh ấy thử sữa đã được hút ra và đông lạnh nhé.
Hy vọng bài viết đã cung cấp các thông tin hữu ích và thú vị về “sữa mẹ có vị gì” cho bạn.
[embed-health-tool-vaccination-tool]