Mỗi buổi sáng, hai bên vệ đường, bạn thấy cái gì long lanh trên các lá cỏ, bạn đừng vội mừng vì tưởng đó là kim cương. Quả thật nó giống kim cương lạ thường, mà lại là kim cương loại tốt nữa kìa. Nhưng không, đó chỉ là những giọt sương hay là sương muối mà thôi. Vậy thì nó lại là một hiện tượng tự nhiên quá tầm thường? Vâng, tầm thường nhưng giải thích cách cấu tạo những giọt sương ấy cho lọt lỗ tai các nhà khoa học thì lại không dễ đâu. Giọt sương long lanh ấy được nói đến nhiều rồi. Bằng chứng là đã có nhiều quyển sách bề thế đề cập đến chúng rồi. Vậy mà vẫn cứ bị hiểu lầm.
Kể từ thời cổ Hy Lạp cho đến cách nay gần hai trăm năm, người ta vẫn tin rằng sương muối là từ trên trời rớt xuống, giông giống như mưa. Có khác chăng là ở chỗ chúng không nhiều bằng mưa, không ồn ào bằng mưa mà thôi. Nhưng thực tế, sương muối không hề rơi rớt từ đâu xuống hết.
Để hiểu được sương muối là gì, ta phải hiểu đôi chút về bầu không khí quanh ta. Trong không khí – như ta đã biết – không nhiều thì ít, ở đâu và lúc nào cũng “ẩm”, nghĩa là chứa hơi nước, không khí ẩm lại chứa nhiều hơi nước hơn không khí lạnh. Khi không khí tiếp xúc với một diện tích lạnh, hơi nước – tức là “chất ẩm” trong không khí – tụ lại thành giọt nước nhỏ xíu đọng trên diện tích đó. Sương muối là thế đó, hình thành như thế đó.
Tuy nhiên, nhiệt độ trên diện tích đó phải hạ xuống đến một mức nào đó thì sương muối mới hình thành được. Mức nhiệt độ đó gọi là “điểm sương muối” (cũng như nhiệt độ 1000C là “điểm sôi” của nước, nhiệt độ 00C là “điểm đông đặc” của nước vậy). Chẳng hạn, thả một cục nước đá vào cái ly hay lon kim loại. Đợi cho đến khi nào thành ly, thành lon kia lạnh đến cái “điểm sương” thì sương mới bám vào thành ly, thành lon đó. Nhưng ở trong thiên nhiên thì sao?
Trước hết, trong không khí ẩm phải có độ ẩm cần thiết. Rồi cái không khí ấm và ẩm đó tiếp xúc với diện tích mát hơn (nghĩa là có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ không khí). Sương muối không bám đọng dưới đất hay trên lòng đường nhựa, vì đất hay lòng đường vẫn giữ nhiệt độ (do mặt trời ban ngày tỏa xuống) ở cái mức cao hơn “điểm sương muối”. Nhưng sương muối đọng bám vào cỏ, cây có nhiệt độ thấp hơn.
Nếu vậy, tại sao ta lại nói sương muối đọng trên cây, trên lá không đích thực là sương muối? Lý do là trong số những giọt long lanh trên lá cây chỉ có một số nhỏ là sương muối, còn lại là giọt nước do chính lá cây đó tạo ra. Hơi ẩm của cây thấm qua các “khí khổng” trên lá.
Đó là quá trình chuyển dịch nước đo cây hút dưới đất để nuôi dưỡng cây, lá. Quá trình này diễn ra cả trong ban ngày lẫn ban đêm. Nhưng ban ngày có ánh mặt trời làm khô lượng nước do cây tiếp cho lá. Ban đêm, quá trình tiếp nước đó vẫn tiếp tục nhưng không có ánh mặt trời, là trở nên “mát, lạnh” hơn. Thế là sương muối hình thành trên lá. Ở vài nơi trên thế giới, sương muối tụ lại mỗi đêm có thể hứng vào chỗ chứa với số lượng đủ để làm nước uống cho súc vật.
Ở Việt Nam, chỉ các tỉnh vùng núi Bắc bộ và một số vùng trung du phía Bắc mới có hiện tượng sương muối. Còn những giọt nước long lanh trên lá cây mà bạn thấy vào sáng sớm chỉ là sương mà thôi.