Bạn có thể kiểm soát và đẩy lùi suy thận độ 2 nếu kiên trì điều trị theo đúng khuyến cáo của chuyên gia Thận – Tiết niệu. Đừng chủ quan nếu thấy suy thận chưa ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, vì nếu suy thận cấp độ 2 không được kiểm soát tốt sẽ khiến bệnh phát triển nhanh sang các giai đoạn nặng hơn, gây khó khăn trong việc điều trị.
Thận là cơ quan có hình dạng giống 2 hạt đậu với kích thước bằng nắm tay nằm ở phía sau lưng, gần cột sống, ngay phía trên eo. Chức năng chính của thận là lọc máu, đào thải chất độc, cân bằng nước, điện giải, sản xuất hormone điều chỉnh huyết áp và hồng cầu. Nếu lượng độc tố trong cơ thể quá nhiều, thận phải làm việc quá sức thì chức năng của thận sẽ bị suy giảm, dẫn đến suy thận.
Như thế nào được xem là suy thận độ 2?
Suy thận có 5 cấp độ và để xác định bạn đang bị suy thận ở mức độ nào, chuyên gia sẽ tiến hành đo mức độ lọc máu của thận (GFR). Bạn được chẩn đoán suy thận cấp độ 2 khi:
- Chức năng thận bị mất từ 40–50%.
- Mức độ lọc máu của thận (GFR) giảm còn 60–89 ml/phút.
Nhìn chung, triệu chứng suy thận độ 2 thường không cụ thể nên rất khó phát hiện. Thông thường, bạn chỉ vô tình phát hiện mình bị suy thận độ 2 khi làm các xét nghiệm chẩn đoán các bệnh khác như đái tháo đường, tăng huyết áp – hai nguyên nhân chính dẫn đến suy thận.
Suy thận độ 2 có nguy hiểm không?
Ở giai đoạn 2, mức độ suy giảm chức năng của thận không quá nguy hiểm và vẫn chưa đe dọa nhiều đến sức khỏe cũng như tính mạng của người mắc.
Nếu được phát hiện và điều trị sớm, suy thận cấp độ 2 có khả năng được kiểm soát với tỷ lệ gần 90%. Tuy nhiên, nếu bạn không chú ý điều trị thì suy thận giai đoạn 2 có thể nhanh chóng tiến triển thành suy thận độ 3 với khoảng một nửa chức năng thận bị mất và rất khó chữa khỏi hoàn toàn.
Triệu chứng suy thận độ 2
Mặc dù khó phát hiện, nhưng một số triệu chứng suy thận cấp độ 2 gồm:
- Những thay đổi khi đi tiểu: Đi tiểu nhiều lần trong ngày, lượng nước tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường, nước tiểu có lẫn máu…
- Sưng phù ở bàn chân, bàn tay và mặt
- Ngứa, phát ban ở da
- Mệt mỏi, đau đầu
- Khó ngủ
- Thay đổi hơi thở và vị giác: Hơi thở nông hoặc có mùi, cảm thấy trong miệng có vị lạ, ăn uống không còn ngon miệng như trước.
Ngoài ra, bạn còn có thể phát hiện ra suy thận giai đoạn 2 thông qua kết quả của một số xét nghiệm sau:
Nếu được chẩn đoán suy thận độ 2, bạn cần phải làm gì?
Khi bị chẩn đoán suy thận độ 2, bạn nên thường xuyên làm các xét nghiệm để đo nồng độ protein trong nước tiểu hoặc nồng độ creatinine trong máu. Điều này sẽ giúp bạn theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển bệnh. Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý đến việc xây dựng một lối sống khỏe mạnh để làm chậm sự tiến triển của suy thận. Dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý:
1. Xây dựng một chế độ ăn giàu dinh dưỡng
- Ăn nhiều loại ngũ cốc (đặc biệt là ngũ cốc nguyên cám), rau xanh và trái cây tươi
- Chọn những thực phẩm ít chứa chất béo bão hòa và cholesterol
- Hạn chế ăn các loại thực phẩm chế biến chứa nhiều đường và muối
- Bổ sung đủ lượng calo mà cơ thể cần mỗi ngày và tập thể dục thường xuyên để duy trì cân nặng ở mức cho phép
- Bổ sung vitamin và khoáng chất theo hướng dẫn của chuyên gia
- Hạn chế dùng các loại thực phẩm chứa nhiều kali (chuối, cam, khoai tây, rau chân vịt), đạm và phốt pho.
2. Kiểm soát huyết áp và lượng đường huyết
Bạn nên giữ huyết áp ở mức:
- 125/75 mmHg nếu bạn bị đái tháo đường
- 130/85 mmHg nếu bạn không bị đái tháo đường và protein niệu
- 125/75 mmHg nếu bạn bị protein niệu nhưng không bị đái tháo đường.
3. Xây dựng một lối sống khỏe mạnh, tránh căng thẳng
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày
- Duy trì các hoạt động thường ngày hoặc làm những điều mình thích
- Nói chuyện với người thân, bạn bè nếu bạn cảm thấy lo lắng về tình trạng sức khỏe của mình
- Từ bỏ thói quen hút thuốc, uống rượu bia.
4. Đi khám thường xuyên và uống thuốc theo đúng chỉ dẫn để điều trị suy thận độ 2
Ngoài việc quan tâm đến chế độ ăn và sinh hoạt, bạn cũng nên chú ý đến việc dùng thuốc và đi khám thường xuyên để theo dõi sát diễn tiến bệnh và có biện pháp can thiệp kịp thời, nhằm kiểm soát tình trạng không tiến triển nặng hơn.