Chỉ cần dùng miếng dán thải độc chân, mọi chất độc từ cơ thể sẽ được hút ra hết. Đây là những quảng cáo có cánh và nhiều người đã phải tiền mất tật mang.
Mới đây, có một bệnh nhân vào Bệnh viện Da liễu khám với hai gan bàn chân tấy đỏ, bỏng rát, nổi mụn nước, đau đớn không thể đi lại. Bệnh nhân kể mình đã dán miếng dán thải độc chân trước khi đi ngủ hàng ngày vì tin rằng những độc tố tồn tại lâu năm trong cơ thể được hút ra hết. Sau 1 tuần dán, gan bàn chân của người này sưng đỏ, ngứa nhưng vẫn tiếp tục dán thêm vài ngày nữa. Đến ngày thứ 10, khi bóc miếng dán ra, bệnh nhân thấy có nhiều mụn nước đã vỡ có mủ nên phải vào viện cầu cứu bác sĩ.
Một trường hợp khác xảy ra tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, gan bàn chân của bệnh nhân không còn da, chảy nước vàng vì cũng sử dụng miếng dán giải độc trong nhiều ngày. Khi bóc miếng dán ra, bệnh nhân đã xé rách cả mảng da. Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, một bệnh nhân vào cấp cứu giữa đêm do huyết ấp tăng đột biến, sốt cao, bứt rứt, khó thở. Người nhà cho biết bệnh nhân được tặng mấy miếng dán thải độc. Tuy nhiên, chỉ 1 giờ sau khi dán, bệnh nhân đã phải vào bệnh viện cấp cứu.
Tác dụng của miếng dán thải độc chân qua lời quảng cáo
Theo quảng cáo, miếng dán chân thải độc có xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, được bán với giá từ 300.000 – 800.000 đồng/hộp 10 miếng. Chỉ cần người tiêu dùng mua về, dán vào gan bàn chân trước khi đi ngủ mỗi đêm sẽ giúp thải độc trong cơ thể và giảm đau đầu, đau lưng, cơ, viêm khớp, mất ngủ, điều trị biến chứng cho người bị bệnh đái tháo đường, điều chỉnh hệ thống tuần hoàn máu…
Nguyên lý hoạt động: Gan bàn chân là nơi có hơn 60 huyệt đạo thông với 360 huyệt đạo trên cơ thể, phản ánh sức khỏe của con người. Sau khi dán vào gan bàn chân 6 – 8 giờ, miếng dán sẽ chuyển sang màu tối, đen, xám… Đó chính là các chất cặn bã trong cơ thể được đào thải ra ngoài.
Các độc tố có thể thải ra ngoài qua bàn chân?
Hiện chưa có bằng chứng nào chứng minh chất độc từ cơ thể có thể đi qua lòng bàn chân ra ngoài. Lòng bàn chân là nơi tập trung nhiều dây thần kinh, thể hiện các loại bệnh lý. Trong y học cổ truyền, có những phương pháp tác động lên gan bàn chân như day ấn, xoa bóp, bấm huyệt… để giúp chữa một số bệnh.
Thành phần trong miếng dán thải độc chân
Trên bao bì sản phẩm có ghi các thành phần gồm giấm gỗ, dextrin, chitosan, đá tourmaline, bột ngọc trai, silica tinh khiết và axít glycolic. Trong đó, axít glycolic được sử dụng trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, có tác dụng tẩy da chết vì tính axít cao. Tuy nhiên, với nồng độ cao, đây là một chất độc, rất nguy hiểm cho da. Các chuyên gia tại Viện Hóa học – Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định, các thành phần này không có tác dụng hút chất độc, thậm chí còn là hóa chất độc hại có thể gây kích ứng da, nhiễm trùng da, nặng hơn sẽ gây nhiễm trùng máu…
Tại sao miếng dán chân thải độc lại đổi màu như lời quảng cáo?
Do trong miếng dán có thành phần là tourmaline, một loại đá quý tự nhiên, phát ra các bước sóng bức xạ hồng ngoại dài nên tại khu vực dán, có cảm giác ấm nóng suốt cả đêm. Điều này gây ra việc đổ mồ hôi và làm ẩm miếng dán. Kết quả, miếng dán chuyển sang màu đen, xám. Đó không phải là dấu hiệu của chất độc, đó chỉ là mồ hôi.
Lời khuyên
Cơ thể con người có một hệ thống thải độc hiệu quả ở trong thận và gan. Gan chuyển hóa các độc tố và thận đào thải chúng ra khỏi cơ thể. Có những chất độc nhất định trong cơ thể từ các loại thuốc, hóa chất, thực phẩm và rượu bia. Vì vậy, nếu lo lắng cơ thể có nhiều chất độc, bạn nên chú ý phòng tránh những tác nhân gây độc hơn là tìm mua những miếng dán thải độc chân này.
Cục Quản lý Dược xác nhận Cục chưa cấp phép lưu hành cho sản phẩm miếng dán giải độc nào. Vì vậy, người tiêu dùng không nên tin vào quảng cáo dẫn đến nguy hại cho sức khỏe. Dưới gan bàn chân có hệ thống dây thần kinh cùng nhiều huyệt quan trọng. Vì thế, khi tác động vào phần này, có thể gây ảnh hưởng tới các bộ phận khác trên cơ thể, đặc biệt là cơ quan nội tạng.
[embed-health-tool-bmi]