Thông thường chúng ta luôn nghe nói đến sóng gió, sóng và gió luôn đi liền với nhau, không có gió làm sao có sóng?
Biển lặng mà vẫn có sóng, vậy sóng do đâu mà ra ?
Gió là nguyên nhân chủ yếu tạo nên sóng biển, nhưng hiện tượng dậy sóng trong đại dương vẫn còn nhiều nguyên nhân khác.
Sóng biển là các sóng bề mặt xuất hiện tại tầng trên cùng của biển hay đại dương. Chúng thường được tạo ra do tác dụng của gió, nhưng đôi khi cũng do các hoạt động địa chấn, và có thể lan truyền hàng nghìn km. Độ cao của sóng có thể chỉ nhỏ cỡ chục cm nhưng cũng có thể lớn tới cỡ sóng thần. Các phân tử nước biển tham gia vào chuyển động sóng chỉ xoay vòng tại chỗ và có ít chuyển động tịnh tiến theo hướng lan truyền của sóng; tuy rằng một lượng năng lượng lớn có thể được lan truyền theo sóng.
Cũng giống như hiện tượng một viên đá rơi xuống mặt nước sẽ làm gợn những vòng sóng lan ra xung quanh, đại dương rất mênh mông, đôi khi sóng biển do gió gây nên ở một nơi nào đó trên biển cũng có thể lan truyền đến những nơi khác.
Khi thủy triều lên, nước biển sẽ dâng lên bờ, khi đó cho dù không có gió cũng có thể làm dậy sóng.
Các đại dương trên Trái đất đều có các dòng hải lưu, khi dòng nước biển chuyển động thì mặt biển tất nhiên sẽ không còn bình lặng nữa.
Đôi khi động đất, núi lửa phun trào dưới đáy biển cũng có thể khuấy động đại dương tạo nên những cơn sóng.