Bột talc có trong một số sản phẩm phổ biến như phấn rôm trẻ em, phấn phủ trang điểm… Nhiều người cho rằng loại chất này có khả năng gây ung thư. Hãy cùng tìm hiểu bột talc là gì, tác dụng của talc trong y tế và mỹ phẩm cũng như các nghiên cứu về nguy cơ gây ung thư của loại chất này nhé.
Bột talc là gì?
Bột talc là một loại khoáng chất có dạng bột mềm mịn màu trắng, không mùi tạo thành chủ yếu từ các nguyên tố magie, silicon và oxy. Đây là một loại bột có khả năng hấp thụ độ ẩm tốt và giảm ma sát, mang lại lợi ích cho người sử dụng giữ cho làn da khô thoáng và ngăn ngừa phát ban. Bột talc được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm mỹ phẩm như phấn rôm trẻ em, phấn phủ cơ thể và mặt ở người lớn, cũng như trong một số sản phẩm tiêu dùng khác.
Năm 1976, Hiệp hội mỹ phẩm, chế phẩm vệ sinh và nước hoa (CTFA) đã ban hành các hướng dẫn nêu ra rằng tất cả các loại bột talc được sử dụng trong sản phẩm mỹ phẩm ở Hoa Kỳ không được có amiăng theo tiêu chuẩn.
Bột talc có nguy cơ gây ra những vấn đề sức khỏe liên quan đến ung thư bao gồm:
• Ung thư phổi: Những người tiếp xúc lâu dài với bột talc tại nơi làm việc (chẳng hạn như công nhân khai thác hoặc sản xuất) có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn khi hít phải.
• Ung thư buồng trứng: Phụ nữ sử dụng bột talc thường xuyên cho khu vực bộ phận sinh dục có nguy cơ cao mắc phải ung thư buồng trứng.
Bột talc trong mỹ phẩm có tác dụng gì?
Bột talc được dùng trong mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân như phấn nền, kem nền và phấn phủ,… với mục đích:
- Hút ẩm
- Hạn chế vón cục
- Tạo độ che phủ cho lớp trang điểm trên khuôn mặt
- Cải thiện cảm giác của sản phẩm
Nghiên cứu về nguy cơ gây hại của bột talc
Để xác định được liệu bột talc có khả năng gây ung thư hay không, bạn cần phải phân biệt được loại bột talc có chứa amiăng và talc không có chứa amiăng. Loại bột talc có chứa amiăng đã được chứng minh khả năng gây ung thư nếu như bạn vô tình hít phải. Loại bột talc không có amiăng hiện vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng.
Các nhà khoa học đã thực hiện 2 loại thí nghiệm chính để tìm hiểu khả năng gây ung thư của các chất này:
Nghiên cứu phòng thí nghiệm
Trong các nghiên cứu đã thực hiện tại phòng thí nghiệm, các động vật thí nghiệm được cho tiếp xúc với chất này với một liều lượng rất lớn để xem kiểm tra liệu có khả năng tạo ra các khối u hoặc các vấn đề sức khỏe khác hay không. Đồng thời, các nhà khoa học cũng tiến hành thí nghiệm trên các tế bào bình thường để khảo sát liệu chất này có gây ra thay đổi trên các tế bào ung thư hay không.
Nghiên cứu trên con người
Nghiên cứu này được thực hiện bằng cách khảo sát tỷ lệ ung thư ở các nhóm người khác nhau, bao gồm nhóm người ít/không tiếp xúc với bột talc và nhóm thường xuyên tiếp xúc với bột talc. Nghiên cứu cũng có thể so sánh với tỷ lệ ung thư trong tổng người dân nói chung. Tuy nhiên dạng nghiên cứu này cũng khó đưa ra kết quả chính xác vì có rất nhiều các yếu tố khác có thể tác động đến khả năng mắc phải ung thư.
Trong hầu hết các trường hợp, không phải loại nghiên cứu nào có đủ bằng chứng để kết luận. Do đó, các nhà nghiên cứu thường xem xét cả dựa trên các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây ung thư.
Kết quả nghiên cứu nguy cơ ung thư từ bột talc
Sau đây là kết quả từ nghiên cứu phòng thí nghiệm và nghiên cứu trên con người.
Kết quả nghiên cứu phòng thí nghiệm
Các thí nghiệm trên cơ thể động vật như chuột, hamsters đối với loại bột talc không chứa amiăng cho thấy các kết quả khác nhau. Một loài cho thấy có sự xuất hiện của các khối u và tế bào ung thư, trong khi loài khác lại không thấy có bất kỳ dấu hiệu nào.
Kết quả nghiên cứu trên con người
Nghiên cứu trên con người cho thấy các chứng bệnh ung thư liên quan đến bột talc bao gồm:
1. Ung thư buồng trứng
Bột talc có nguy cơ gây ung thư buồng trứng nếu các hạt bột (sử dụng cho vùng sinh dục hoặc xuất hiện ở băng vệ sinh, màng ngăn, bao cao su) đi qua âm đạo, tử cung và ống dẫn trứng vào buồng trứng. Nhiều nghiên cứu ở phụ nữ khảo sát mối liên hệ giữa bột talc và ung thư buồng trứng đã cho ra các kết quả khác nhau. Một số cho rằng có nguy cơ cao gây ung thư còn số khác lại không.
Đối với từng phụ nữ tiếp xúc, nếu có nguy cơ gia tăng bệnh ung thư thì tỷ lệ này cũng rất nhỏ. Bột talc được sử dụng rộng rãi trong nhiều sản phẩm, các nhà nghiên cứu cần phải xác định xem nguy cơ gia tăng có thực sự là do talc hay do các vấn đề khác. Điều này cần nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn để đưa ra kết luận cuối cùng.
2. Ung thư phổi
Một số nghiên cứu trên những người thợ mỏ và thợ nghiền talc đã cho thấy tăng nguy cơ ung thư phổi và các bệnh hô hấp khác, trong khi những người khác không phát hiện nguy cơ ung thư phổi. Tuy nhiên các nghiên cứu này lại có nhiều vấn đề chi phối bởi các loại talc này còn ở dạng tự nhiên nên có chứa rất nhiều amiăng và một số hợp chất khác. Trong khi dạng talc tinh chế hoàn toàn không hề có các chất này trong thành phần các sản phẩm tiêu dùng.
Đồng thời khi làm việc dưới lòng đất, thợ mỏ cũng có thể tiếp xúc với các chất khác có thể ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư phổi, chẳng hạn như radon. Hiện tại vẫn chưa có báo cáo nào cho thấy các bột talc có trong mỹ phẩm làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.
3. Các bệnh ung thư khác
Việc sử dụng bột talc không liên quan nhiều đến các bệnh ung thư khác, hiện nay chúng ta cũng chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về những vấn đề này. Một nghiên cứu cho thấy khi sử dụng bột talc ở cơ quan sinh dục có thể làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung ở phụ nữ mãn kinh. Tuy nhiên ở các nghiên cứu khác hiện vẫn không tìm thấy mối quan hệ nào tương tự như vậy.
Đồng thời một số nghiên cứu đã xem xét về mối liên hệ giữa việt hít phải talc với các loại ung thư khác, nhưng hiện tại vẫn không có bằng chứng thuyết phục nào về các mối liên hệ này.
Kết luận: Bột talc có gây ung thư không?
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) là một phần của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết:
• Amiăng gây ung thư: IARC phân loại talc có chứa amiăng là chất gây ung thư cho con người.
• Bột talc không chứa amiăng không gây ung thư: Do thiếu dữ liệu từ nghiên cứu trên người và các dữ liệu hạn chế của nghiên cứu trên động vật trong phòng thí nghiệm, IARC đã công bố talc không chứa amiăng không có khả năng gây bệnh ung thư.
• Nguy cơ ung thư buồng trứng: Dựa trên bằng chứng hạn chế từ các nghiên cứu của con người về mối liên quan đến ung thư buồng trứng, IARC phân loại việc sử dụng bột talc trên cơ quan sinh dục có thể gây ung thư cho con người.
Chương trình Chất độc Quốc gia Hoa Kỳ (NTP) hiện vẫn chưa khẳng định các loại bột talc chứa hoặc không chứa amiăng là thành phần có khả năng gây ung thư.
Những thông tin trên hy vọng có thể giúp bạn hiểu hơn bột talc là gì và các nghiên cứu về nguy cơ gây ung thư. Mặc dù các nhà khoa học chưa kết luận rõ ràng về khả năng gây ung thư của bột talc, song bạn vẫn nên cẩn trọng khi sử dụng dòng sản phẩm có chứa thành phần này. Tốt nhất là bạn nên tránh sản phẩm có thành phần bột talc chứa amiăng. Hãy lựa chọn các thương hiệu uy tín có nguồn gốc đáng tin cậy để bảo vệ sức khỏe của bạn nhé!
Hoàng Trí HELLO BACSI
[embed-health-tool-bmi]