Bệnh giang mai có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Thời gian ủ bệnh giang mai cũng tương đối dài nên nhiều người không nhận ra mình đã mắc bệnh ở giai đoạn sớm.
Thời gian ủ bệnh giang mai là bao lâu? Bạn nên làm gì khi biết mình mắc bệnh giang mai? DIEPHM mời bạn đọc tiếp bài viết để tìm hiểu!
Quá trình phát triển bệnh giang mai
Để biết thời gian ủ bệnh giang mai là bao lâu, mời bạn tìm hiểu về 4 giai đoạn tiến triển của bệnh gồm:
1. Giai đoạn sơ cấp (sau nhiễm khuẩn từ 10 – 60 ngày): Với sự hiện diện của săng giang mai (các vết cứng, tròn hoặc bầu dục, không đau thường gặp ở niêm mạc sinh dục) và tự biến mất sau đó 3 – 6 tuần.
2. Giai đoạn thứ cấp (sau 4 – 8 tuần khi có các triệu chứng của giai đoạn sơ cấp): Cơ thể xuất hiện các vết ban đào hoặc nâu không đau nhưng ngứa ở lòng bàn tay, bàn chân. Các triệu chứng đi kèm có thể là: Sưng hạch bạch huyết, sốt, đau họng, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi…
3. Giai đoạn tiềm ẩn: Ở giai đoạn này, người bệnh không có triệu chứng rõ rệt. Bệnh giang mai ở giai đoạn tiềm ẩn có 2 kiểu: Tiềm ẩn sớm (dưới 1 năm) và muộn (trên 1 năm). Kiểu tiềm ẩn sớm dễ lây nhiễm tác nhân gây bệnh hơn tiềm ẩn muộn.
4. Giai đoạn biến chứng: Ảnh hưởng lên nhiều cơ quan khác nhau như tim mạch, thần kinh, mắt, tai và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không được điều trị như: Hoại tử vết loét gây sẹo, viêm màng não, nhiễm trùng mắt dẫn đến mù lòa, tê liệt một số bộ phận…
Giải đáp thời gian ủ bệnh giang mai là bao lâu
Qua tìm hiểu 4 giai đoạn phát triển của bệnh giang mai, bạn có thể thấy thời gian ủ bệnh giang mai (kể từ khi tiếp xúc với xoắn khuẩn giang mai Treponema pallidum đến khi có triệu chứng lâm sàng khởi phát) rơi vào khoảng từ 10 – 60 ngày tùy vào tình trạng mắc bệnh.
Thậm chí, ngay cả khi người bệnh không nhận thấy bất kỳ biểu hiện bên ngoài nào của bệnh (chẳng hạn săng giang mai hoặc các vết ban đào) thì nhiễm trùng vẫn tồn tại trong cơ thể.
Trong thời gian ủ bệnh, xoắn khuẩn giang mai vẫn có thể lan truyền từ người này sang người khác qua:
- Quan hệ tình dục không an toàn
- Tiếp xúc với dịch tiết từ các vết lở loét
- Truyền máu
- Từ mẹ sang con.
Nguy cơ lây nhiễm Treponema pallidum rất cao đặc biệt là ở giai đoạn sơ và thứ cấp khi người bệnh có nhiều vết thương hở.
Mặc dù thời gian ủ bệnh giang mai tương đối lâu nhưng các giai đoạn này có thể chồng chéo lên nhau khiến triệu chứng bệnh không biểu hiện rõ ràng theo tuần tự. Đặc biệt, khi bệnh bước đến giai đoạn tiềm ẩn, cơ thể của người bệnh đôi khi không có bất kỳ một triệu chứng cụ thể nào. Điều này khiến họ lầm tưởng rằng bệnh đã khỏi hoàn toàn mà lơ là điều trị.
Làm gì khi biết bản thân mắc bệnh giang mai?
Vì thời gian ủ bệnh giang mai khá dài nên đôi khi người bệnh dễ nhầm lẫn triệu chứng với các tình trạng dị ứng hoặc bệnh da liễu khác.
Việc khó phân biệt các tổn thương do giang mai bằng mắt thường khiến nhiều trường hợp không được chẩn đoán chính xác. Do vậy, khi nhận thấy bản thân có những dấu hiệu, triệu chứng bất thường, nghi ngờ là dấu hiệu bệnh giang mai, người bệnh nên:
- Nhanh chóng đến cơ sở y tế, chia sẻ thông tin với bác sĩ để được thăm khám và làm xét nghiệm phù hợp.
- Kiêng quan hệ tình dục để hạn chế lây nhiễm.
- Thông báo cho bạn đời/ bạn tình để họ chủ động làm xét nghiệm chẩn đoán và kịp thời điều trị nếu đã mắc bệnh.
Một số phương pháp xét nghiệm giang mai thường được thực hiện bao gồm:
- Xét nghiệm máu tìm kháng thể đặc hiệu giang mai sản sinh bởi hệ miễn dịch khi có sự xâm hại của Treponema pallidum. Vì các kháng thể chống lại vi khuẩn gây bệnh tồn tại nhiều năm trong cơ thể nên đây là xét nghiệm cho biết được tình trạng nhiễm trùng là ở hiện tại hay trong quá khứ.
- Soi kính hiển vi trường tối để xác định nhanh xoắn khuẩn giang mai từ mẫu vật là vết loét, dịch tiết từ âm đạo hoặc niệu đạo.
- Xét nghiệm dịch não tủy nếu nghi ngờ người bệnh mắc giang mai thần kinh thông qua thủ thuật chọc dò tủy sống.
Phương pháp điều trị bệnh giang mai
Theo các chuyên gia, bệnh giang mai có thể được chữa khỏi nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Phương pháp chủ yếu để điều trị bệnh hiện nay là sử dụng kháng sinh diệt khuẩn (thường là penicillin) và theo dõi sau điều trị.
1. Điều trị với penicillin
Kháng sinh nhóm penicillin được chỉ định trong điều trị giang mai ở tất cả các giai đoạn. Việc lựa chọn chế phẩm penicillin phải căn cứ vào tình trạng, sự tiến triển của bệnh, cũng như đối tượng sử dụng.
Bên cạnh việc sử dụng kháng sinh điều trị, bác sĩ cũng có thể đánh giá khả năng đáp ứng của thuốc. Bởi có nhiều trường hợp tái phát sau khi điều trị thành công. Vì vậy, người bệnh cần làm xét nghiệm máu định kỳ để biết chính xác nhiễm trùng đã được chữa khỏi hoàn toàn hay chưa. Một số xét nghiệm khác cũng được chỉ định tùy vào giai đoạn mắc bệnh.
Lưu ý rằng một số người bệnh có thể gặp phản ứng Jarisch Herxheimer trong 24h sau khi dùng liều penicillin đầu tiên. Đây là phản ứng thường gặp khi cơ thể bắt đầu tiêu diệt xoắn khuẩn với các biểu hiện như sốt, ớn lạnh, nhịp tim nhanh, đau đầu… Tuy nhiên, các biểu hiện này sẽ không kéo dài quá một ngày.
2. Điều trị thay thế penicilin
Người bệnh giang mai thần kinh bị dị ứng penicillin có thể dùng doxycycline, tetracycline hoặc ceftriaxone thay thế. Các loại thuốc này cần được kiểm soát chặt chẽ khi sử dụng bởi nó có thể gây nhiều phản ứng bất lợi nếu sử dụng không đúng cách.
Trên đây là những thông tin về thời gian ủ bệnh giang mai và các vấn đề liên quan đến bệnh lý này. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp ích cho bạn và người thân trong việc phát hiện, phòng tránh và điều trị căn bệnh nguy hiểm này.
[embed-health-tool-ovulation]