Di truyền, môi trường sống, chế độ ăn uống kém lành mạnh, hệ miễn dịch suy yếu là những yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm ruột mạn tính.
Viêm ruột mạn tính từng vùng IBD (bệnh Crohn) là bệnh tự miễn gây viêm ở đường tiêu hóa. Đường tiêu hóa là hệ thống kéo dài từ khoang miệng đến hậu môn. Bệnh Crohn có thể gây tổn thương ở bất kỳ vị trí nào trên đường tiêu hóa, nhưng phổ biến ở vùng hồi – manh tràng, tiếp đến là ruột non, cuối cùng là đại tràng. Khác với các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa khác, bệnh Crohn gây ra vết loét tại ruột liên tục. Triệu chứng thường gặp là đau bụng, tiêu chảy, suy dinh dưỡng trầm trọng do những vết loét sâu trên thành ruột.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thanh Quỳnh Ngân, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đây là bệnh tiêu hóa nguy hiểm do biểu hiện giai đoạn đầu không rõ ràng, dễ bỏ qua. Bệnh tiến triển dễ gây biến chứng, khiến người bệnh suy nhược sức khỏe nghiêm trọng. Hiện, chưa rõ nguyên nhân cụ thể gây bệnh, nhưng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ, kích thích bệnh tiến triển nhanh.
Bệnh tự miễn xảy ra khi cơ thể mất khả năng nhận biết kháng nguyên và vi khuẩn gây bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Thay vì cần phải chống lại vi khuẩn và virus gây hại, nó tấn công ngược các cơ quan trong cơ thể. Một số bệnh tự miễn thường gặp như bệnh đa xơ cứng, bệnh celiac, tiểu đường type 2, lupus ban đỏ…
Di truyền trong gia đình là nguyên nhân gây bệnh hoặc làm tăng cao khả năng mắc bệnh Crohn. Người trong gia đình có anh em, bố, mẹ từng mắc bệnh này nên khám, tầm soát đường tiêu hóa định kỳ.
Chất lượng môi trường sống không đạt chuẩn. Khu vực sống, nhà ở có chất lượng vệ sinh kém, tiềm ẩn nhiều mầm bệnh từ vi khuẩn và virus gây hại. Tiếp xúc thường xuyên với môi trường này phát sinh nhiều loại bệnh nhiễm trùng, viêm nhiễm.
Chế độ ăn uống nhiều thức ăn không đảm bảo chất lượng vệ sinh làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, viêm nhiễm do vi khuẩn, virus gây hại… trong đó có bệnh Crohn.
Bác sĩ Ngân cho biết người bệnh được điều trị nội khoa bằng thuốc hoặc phẫu thuật nếu ở giai đoạn nặng, không đáp ứng các phương pháp điều trị khác. Điều trị bằng thuốc luôn được ưu tiên trong phác đồ giúp kiểm soát và giảm các triệu chứng, ngăn ngừa tái phát.
Phẫu thuật được chỉ định khi bệnh ở giai đoạn nặng, xuất hiện biến chứng như áp xe, hẹp đường ruột. Mục đích là loại bỏ phần ruột bị viêm và nối các phần ruột khỏe lại với nhau. Người bệnh cần kết hợp thay đổi chế độ dinh dưỡng, kể cả đang điều trị nội khoa hay phẫu thuật. Tuân thủ chỉ định và ăn uống theo tư vấn của bác sĩ để thúc đẩy quá trình hồi phục.
Bác sĩ Ngân khuyến cáo người bệnh Crohn cần hạn chế thực phẩm chứa lactose từ sữa và các chế phẩm từ sữa động vật. Hạn chế thực phẩm giàu chất béo như bơ, nước sốt kem, váng sữa, thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ. Ưu tiên trái cây, rau, bắp rang bơ nguyên vị, các loại ngũ cốc nguyên hạt, trái cây sấy, thịt nguội, caffeine, chocolate.
Thảo Nhi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |