Trẻ 2 tuổi cần tăng khoảng 200 g mỗi tháng với các lưu ý về số lượng, đầy đủ dưỡng chất và các món ăn như cháo gà, súp cua, trứng, sữa, cơm nát…
Bác sĩ Trần Thị Trà Phương – Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết rất nhiều phụ huynh đưa con trong khoảng 2 tuổi đến khám với lý do nhẹ cân. Tuy vậy, đa số phụ huynh chưa biết cách xác định cân nặng và sự tăng trưởng của trẻ 2 tuổi như thế nào là phù hợp, đạt chuẩn.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá tăng trưởng của trẻ gái 24 tháng cần đạt chiều dài (chiều cao) chuẩn trung bình là 86,4 cm và cân nặng trung bình là 11,5 kg. Trẻ trai 2 tuổi cần đạt chiều dài (chiều cao) chuẩn trung bình 87,8 cm và cân nặng trung bình 12,2 kg.
Về tốc độ tăng trưởng, cân nặng sinh lý của trẻ 2 tuổi cần tăng khoảng 200 g một tháng và chiều cao sinh lý cần tăng khoảng 0,8-1cm mỗi tháng.
Nếu một trẻ có cân nặng, chiều cao hiện tại đạt ngưỡng trung bình nhưng vì một số lý do như ốm, biếng ăn, mắc rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy… dẫn tới không tăng cân nặng, chiều cao hoặc có tăng cân nặng, chiều cao dưới ngưỡng sinh lý. Đây là dấu hiệu trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng.
Bác sĩ Trà Phương cho biết thêm, chế độ dinh dưỡng ở trẻ 2 tuổi cần cung cấp đảm bảo 3 nguyên tắc chính: Đầy đủ các chất dinh dưỡng; đa dạng thực phẩm; cân đối tỷ lệ giữa các nhóm chất dinh dưỡng chất đạm (Protein), chất bột đường (Carbohydrate) và chất béo (Lipid).
Bữa ăn của trẻ 2 tuổi nên gồm 6 bữa/ngày, khoảng cách mỗi bữa thường khoảng 3 giờ, trong đó 3 bữa ăn chính (bún, phở, cơm nát, cháo…) cùng gia đình và 3 bữa ăn uống sữa khoảng 180-200 ml/bữa. Cụ thể, tổng lượng sữa và chế phẩm sữa (sữa chua, phô mai) hàng ngày ở trẻ 2 tuổi nên đạt khoảng 600-700ml một ngày.
Các món ăn bữa chính của trẻ cần đảm bảo cung cấp đủ số lượng khoảng một lưng bát (chén) con cơm nát mỗi bữa, 50g (1/2 lạng) thịt, cá, tôm trứng các loại đa dạng của trẻ, lượng canh rau trẻ tập ăn với số lượng vừa đủ, đáp ứng sở thích của trẻ, lượng dầu, mỡ chế biến trong bữa ăn cũng cần đảm bảo 7-10 ml một bữa.
Bác sĩ Trà Phương gợi ý thực đơn cho trẻ 2 tuổi ở nhà và trẻ đi học. Qua đó phụ huynh có thể tham khảo về giờ ăn, định lượng thực phẩm đầy đủ trong một bữa ăn và cách chế biến giúp trẻ tăng cân, phát triển tốt.
Trẻ ở nhà: Bữa sáng (7h-7h30): Cháo bí đỏ gà phô mai; bữa sáng (9h-9h30): sữa 180-200 ml; bữa trưa (12h-12h30): cơm nát, tôm thịt băm rim, canh mồng tơi, sữa chua hoặc trái cây tráng miệng; bữa xế (14h30-15h): sữa 180-200ml có thể thêm trái cây; bữa tối (18h-19h): cơm nát, đậu phụ nhồi thịt sốt cà chua, canh rau cải xanh nấu nghêu, sữa chua tráng miệng; bữa tối (21h): sữa 180-200 ml sữa.
Trẻ đi học: Bữa sáng (7h-7h30): súp cua trứng cút (tại nhà hoặc tại trường); bữa sáng (9h-9h30): Sữa 180-200ml (tại trường); bữa trưa (12h-12h30): (ăn theo chế độ nhà trường); bữa xế (14h30-15h): (ăn theo chế độ ăn của nhà trường) có thể là sữa 180-200 ml và thêm trái cây; bữa tối (18h-19h): Cơm nát, tôm rim thịt băm, canh rau giá đỗ, sữa chua tráng miệng (tại nhà); bữa tối (21h): sữa 180-200 ml sữa.
Ngoài ra, trẻ 2 tuổi thường đã hoàn thành tiến trình mọc răng, có nhóm răng cửa để cắn xé thức ăn, có nhóm răng hàm để nhai thức ăn mềm hơn, dễ nuốt, dễ tiêu hóa hơn. Tuy vậy, phụ huynh vẫn cần lưu ý chế biến thực phẩm mềm, nát, băm nhỏ thức ăn để hỗ trợ tiêu hóa ở trẻ, giúp bé hấp thu tối ưu các chất dinh dưỡng, tránh tình trạng đi phân có thức ăn chưa tiêu hóa.
Nếu trẻ đi học mẫu giáo, có thể có khủng hoảng tâm lý, chưa quen với môi trường mới nên lo lắng, biếng ăn, nhịn đi vệ sinh, dẫn tới táo bón cơ năng, ốm, sốt virus, viêm phế quản, rối loạn tiêu hóa. Phụ huynh cần quan tâm đến định lượng ăn tại trường của trẻ, mang thêm cho bé sữa (nếu cần). Đồng thời, không quên chăm sóc tâm lý, sức khỏe của trẻ để bé khỏe mạnh về thể chất và tăng trưởng tốt.
Kim Thư