Bệnh nhân sau khi tiến hành phẫu thuật để điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư đường tiêu hóa, có nguy cơ bị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch rất cao. Vì vậy, việc nhận biết nguy cơ và dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trên bệnh nhân phẫu thuật tiêu hóa là một điều vô cùng quan trọng giúp bệnh nhân ngăn ngừa biến chứng “chết người” này.
Để tìm hiểu rõ hơn về phẫu thuật tiêu hóa cũng như biến chứng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sau các thủ thuật này, mời bạn hãy cùng tham khảo những thông tin trong bài viết sau của .
Tổng quan về phẫu thuật tiêu hóa
Phẫu thuật tiêu hóa là phương pháp ngoại khoa được sử dụng để sửa chữa tổn thương, loại bỏ khối u hoặc các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa đang gặp vấn đề. Các cơ quan này bao gồm thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, trực tràng, hậu môn, gan, mật và tuyến tụy. Không chỉ được dùng để điều trị bệnh, một số phương pháp tiểu phẫu cũng được sử dụng trong tầm soát và chẩn đoán các vấn đề ở đường tiêu hóa [1].
Phẫu thuật tiêu hóa là lựa chọn điều trị cho nhiều bệnh lý tiêu hóa khác nhau. Các bệnh lý này có thể kể đến như viêm ruột thừa, bệnh túi thừa, bệnh túi mật, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, thoát vị, viêm ruột, sa trực tràng… [1]
Đặc biệt, phẫu thuật tiêu hóa là một trong những lựa chọn điều trị phổ biến cho bệnh nhân mắc các bệnh ung thư tiêu hóa, bao gồm ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư hậu môn, ung thư tuyến tụy, ung thư gan, ung thư túi mật và ống mật [2]. Thông thường, phương pháp này sẽ được chỉ định cho các trường hợp khối u nhỏ, dễ tiếp cận nhằm loại bỏ hoàn toàn khối u cùng với một ít mô khỏe mạnh xung quanh [3].
Tuy nhiên, tương tự như bất kỳ phương pháp nào, phẫu thuật tiêu hóa cũng tiềm ẩn nhiều biến chứng. Một số vấn đề phổ biến có thể gặp phải ở bệnh nhân phẫu thuật tiêu hóa là đau, nhiễm trùng, chảy máu, phản ứng phụ với thuốc mê cũng như những tổn thương ở các cơ quan khác của cơ thể. Đặc biệt, thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của phương pháp này [1].
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch – Biến chứng nguy hiểm hàng đầu ở bệnh nhân phẫu thuật tiêu hóa
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là một biến chứng thường gặp của các phương pháp phẫu thuật nói chung và phẫu thuật tiêu hóa nói riêng. Tình trạng này xảy ra khi cục máu đông (huyết khối) được hình thành ở các tĩnh mạch, sau đó di chuyển và làm tắc nghẽn dòng chảy của máu [4].
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch thường được chia làm 2 dạng chính là thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi. Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch sâu xảy ra khi cục máu đông hình thành trong các tĩnh mạch sâu (thường là ở chân). Bệnh nhân sẽ gặp phải các triệu chứng như sưng đau chân, da ở chân trở nên nóng và thay đổi màu sắc, xuất hiện các cơn sốt không rõ nguyên nhân, thấy giãn tĩnh mạch nông tại vị trí bị ảnh hưởng. Trong khi đó, thuyên tắc phổi xảy ra khi cục máu đông từ các vị trí khác vỡ ra và di chuyển theo dòng máu đến phổi. Các triệu chứng của thuyên tắc phổi có thể kể đến như đau ngực, thở hụt hơi, nhịp tim nhanh, thở gấp, đổ nhiều mồ hôi, da tái xanh, ho ra máu, mất ý thức… [6]
Theo các chuyên gia y tế, nguy cơ phát triển thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch thường cao nhất sau các cuộc đại phẫu, chấn thương lớn hoặc trong thời kỳ viêm nhiễm. Điều này là do cục máu đông có thể hình thành trong các tĩnh mạch bị tổn thương do phẫu thuật hoặc chấn thương. Việc hạn chế, ít vận động sau phẫu thuật cũng làm tăng khả năng đông máu. Ngoài ra, tình trạng nhiễm trùng và viêm sau phẫu thuật cũng làm tăng khả năng hình thành huyết khối [5].
Tĩnh mạch mang máu từ các mô ngoại vi trong cơ thể về tim. Khi cục máu đông hình thành, chúng sẽ làm ngăn chặn dòng máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể, từ đó gây tổn thương các mô và cơ quan này. Đặc biệt, tình trạng thuyên tắc phổi vô cùng nguy hiểm vì cục máu đông sẽ làm giảm lưu lượng máu đến phổi. Nếu cục máu đông lớn hoặc nhiều cục máu đông được hình thành, tình trạng tắc mạch phổi có khả năng dẫn đến tử vong [5].
Có thể thấy, thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là một trong những biến chứng nguy hiểm mà bệnh nhân phẫu thuật tiêu hóa thường gặp phải, dù là phẫu thuật để điều trị bệnh ung thư hay bất kỳ bệnh lý đường tiêu hóa nào khác. Tuy nhiên, may mắn thay, các bác sĩ có thể chủ động dự phòng tình trạng này cho bệnh nhân bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Để hiểu hơn về biến chứng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch trên người bệnh phẫu thuật tiêu hóa, mời bạn cùng lắng nghe những chia sẻ của TS BS Võ Duy Long – Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM trong video sau:
Chiến lược dự phòng hiệu quả cho bệnh nhân phẫu thuật tiêu hóa
Để đánh giá nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch ở bệnh nhân phẫu thuật tiêu hóa, bác sĩ sẽ sử dụng thang điểm CAPRINI. Mỗi yếu tố nguy cơ của bệnh nhân được chấm điểm từ 1 – 5. Sau đó, bác sĩ sẽ tổng kết toàn bộ số điểm để đánh giá khả năng phát triển thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch của mỗi bệnh nhân, cụ thể như sau [7]:
- Nguy cơ thấp: Dưới 1 điểm
- Nguy cơ trung bình: 2 điểm
- Nguy cơ cao: 3 – 4 điểm
- Nguy cơ rất cao: Trên 5 điểm
Dựa vào mức độ nguy cơ của từng bệnh nhân sau phẫu thuật tiêu hóa, loại phẫu thuật, thời gian dự kiến điều trị dự phòng, chống chỉ định, tác dụng phụ, chi phí… mà bác sĩ sẽ xây dựng các chiến lược dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch phù hợp.
Theo chia sẻ của TS BS Võ Duy Long – Phó trưởng khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, việc dự phòng cho bệnh nhân phẫu thuật tiêu hóa để điều trị ung thư và không ung thư có thể khác nhau. Bởi bệnh nhân ung thư thường có nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bệnh nhân phẫu thuật tiêu hóa để điều trị các bệnh lý khác không cần dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Nếu có nhiều nguy cơ, bệnh nhân cũng sẽ được chỉ định các phương pháp dự phòng phù hợp.
Không chỉ trong quá trình hậu phẫu tại bệnh viện, nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch có thể vẫn còn sau khi người bệnh xuất viện. Vì vậy, bệnh nhân đôi khi cần phải duy trì các biện pháp dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch tại nhà, đặc biệt nếu được đánh giá là có nguy cơ từ cao đến rất cao. Thời gian điều trị dự phòng sẽ phụ thuộc vào cơ địa của người bệnh, yếu tố nguy cơ cũng như từng loại phẫu thuật tiêu hóa cụ thể.
Theo các chuyên gia y tế, mọi bệnh nhân đều được khuyến khích ra khỏi giường bệnh vận động sớm và thường xuyên ngay sau khi phẫu thuật. Bên cạnh đó, các biện pháp chuyên khoa hơn cũng được sử dụng, bao gồm [7]:
Biện pháp cơ học
Phương pháp này thường được chỉ định cho bệnh nhân phẫu thuật tiêu hóa cần dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch nhưng nguy cơ chảy máu cao hoặc chống chỉ định với thuốc chống đông máu. Tuy nhiên, ngay khi nguy cơ chảy máu giảm, bác sĩ sẽ phối hợp hoặc chuyển sang dùng thuốc. Các biện pháp cơ học dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cho bệnh nhân phẫu thuật tiêu hóa gồm [7]:
- Bơm hơi áp lực ngắt quãng
- Mang vớ/ băng thun áp lực y khoa
Sử dụng thuốc kháng đông
Dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch được xem là phương pháp dự phòng hiệu quả nhất nếu bệnh nhân không có chống chỉ định. Có nhiều nhóm thuốc kháng đông như Heparin không phân đoạn, Heparin trọng lượng phân tử thấp, thuốc chống đông đường uống… [9] Trong đó, nhóm thuốc kháng đông Heparin trọng lượng phân tử thấp là nhóm thuốc được khuyến cáo nhiều nhất và có chỉ định đầy đủ trong dự phòng thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch cho nhiều đối tượng bệnh nhân khác nhau, đặc biệt là nhóm bệnh nhân phẫu thuật tiêu hóa [10].
Heparin trọng lượng phân tử thấp thường được đóng gói dưới dạng bơm tiêm dưới da nạp sẵn thuốc rất tiện lợi cho việc tiêm tại cơ sở y tế hay tại nhà. Nếu được chỉ định cho tiêm ở nhà để tiếp tục dự phòng nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch, bạn có thể được bác sĩ hướng dẫn các bước tiêm thuốc đúng cách để giúp thuốc phát huy hiệu quả tốt nhất. Theo đó, các bước tiêm thuốc tại nhà thường bao gồm [8]:
- Tiêm thuốc khi bệnh nhân nằm
- Không đẩy bọt khí khỏi bơm tiêm trước khi tiêm
- Vùng tiêm là bên phải và bên trái của bụng và lưng, cách xa rốn ít nhất 5cm
- Véo nhẹ, kẹp nếp da giữa 2 ngón tay trong suốt thời gian tiêm, thuốc phải được tiêm vào lớp mỡ nằm ngay dưới da bụng, da lưng chứ không vào bắp
- Đâm bơm tiêm thẳng đứng một góc 90 độ
- Đâm dọc hết chiều dài kiêm vào nếp da. Ấn ống bơm tiêm xuống cho thuốc chảy vào lớp mỡ bụng. Đảm bảo là nếp da vẫn được giữ trong suốt thời gian tiêm thuốc.
- Rút kim bằng cách kéo thẳng ra, bỏ nếp da xuống. Không xoa lên chỗ tiêm sau khi tiêm xong vì tránh để lại vết thâm tím tại chỗ tiêm.
Chủ động hỏi bác sĩ về nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch – Giải pháp phòng ngừa hữu hiệu
Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch là một tình trạng nguy hiểm. Tuy nhiên, với tình trạng này, người bệnh vẫn có thể chủ động dự phòng. Quan trọng nhất, bệnh nhân và người nhà cần chủ động hỏi bác sĩ về nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Cụ thể, trong thời gian đi khám và khi nằm viện, bệnh nhân và người nhà có thể đặt một số câu hỏi như:
- Tôi có nguy cơ mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch không?
- Nguy cơ mắc thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch của tôi như thế nào?
- Có biện pháp dự phòng cho tôi khi nằm viện & sau khi xuất viện không?
Có thể thấy, bệnh nhân phẫu thuật tiêu hóa, dù để điều trị bệnh lý nào, đều có khả năng phát triển thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch. Vì vậy, nếu được bác sĩ chỉ định dự phòng huyết khối, bệnh nhân nên tuân thủ theo đúng hướng dẫn để hạn chế tối đa nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm này.