U tuyến giáp (hay nhân tuyến giáp, hạt giáp, nốt tuyến giáp) là bệnh lý có thể gặp ở cả hai giới, nhưng tỷ lệ mắc ở nữ lại cao hơn so với nam. Trên thực tế, khá nhiều người vẫn chưa biết rõ về căn bệnh này cũng như cách phòng bệnh sao cho hiệu quả.
Đa số các trường hợp mắc nhân tuyến giáp là lành tính nhưng vẫn có một số trường hợp bệnh tiến triển thành ác tính. Chưa kể, các dấu hiệu của bệnh cũng khá mờ nhạt khiến bệnh nhân lơ là đến khi phát hiện thì khối u đã phát triển sang giai đoạn muộn. Để hiểu rõ hơn về u tuyến giáp, mời bạn hãy theo dõi bài viết sau.
U tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp là tuyến nội tiết nằm phía trước cổ giữ vai trò sản sinh hormone giáp điều hòa quá trình trao đổi chất, cũng như đảm bảo hoạt động bình thường của nhiều cơ quan ở người.
U tuyến giáp (Thyroid nodules) là hiện tượng tăng sinh bất thường của một nhóm mô tuyến giáp dẫn đến hình thành tổn thương dạng khối (dạng đặc hoặc lỏng) khu trú tại tuyến nội tiết này.
Các khối u này có thể lành tính hoặc ác tính (chỉ khoảng 5% số ca bệnh nhưng dễ phát triển thành ung thư nếu không sớm phát hiện và điều trị).
Trong hầu hết các trường hợp, nhân tuyến giáp thường không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chỉ được tình cờ phát hiện nếu người bệnh có siêu âm vùng cổ khi khám sức khỏe định kỳ. Đôi khi nhân tuyến giáp phát triển đủ lớn và quan sát được bằng mắt thường. Những trường hợp u tuyến giáp lớn như vậy sẽ gây mất thẩm mỹ, đồng thời chèn ép làm cản trở hoạt động thở và nuốt.
Phân loại u tuyến giáp
U tuyến giáp được phân làm hai loại là u giáp lành tính và u giáp phát triển thành ung thư tuyến giáp. Tùy theo đặc điểm triệu chứng người ta chia ung thư tuyến giáp thành 4 loại thường gặp, bao gồm:
- Ung thư tuyến giáp thể nhú: Nốt tuyến giáp phình to ở cổ, không đau, khả năng chữa khỏi cao và hiếm gây tử vong.
- Ung thư tuyến giáp thể nang: Nốt tuyến giáp phát triển nhanh, dễ nhận biết, có khả năng di căn đến cơ quan khác (rất khó điều trị trong tình huống này).
- Ung thư tuyến giáp thể tủy: Nốt tuyến giáp không đau, nổi nhiều hạch bạch huyết gây khàn giọng. Khoảng một phần tư số ca mắc ung thư dạng này có thể do di truyền.
- Ung thư tuyến giáp không biệt hóa: Rất khó điều trị, u tuyến giáp sưng to và có hiện tượng di căn.
Nhân tuyến giáp lành tính có thể là bướu giáp đa nhân không độc (làm thay đổi cấu trúc tuyến giáp nhưng không gây rối loạn sản xuất hormone), u nang tuyến giáp, bướu giáp keo (nhiều dịch lỏng trong mô tuyến giáp)…
Biểu hiện của u tuyến giáp là gì?
Hầu hết người bị nhân tuyến giáp không có biểu hiện rõ ràng mà chỉ phát hiện ra bệnh khi kích thước nốt tuyến giáp lớn đến mức có thể thấy bằng mắt thường hoặc cảm nhận khi chạm vào. Hạt giáp lớn thường chèn ép vào thanh quản, khí quản, thực quản khiến người bệnh bị khàn tiếng, khó thở hoặc khó nuốt.
Nhiều ca u tuyến giáp phát triển làm tăng sinh thyroid hormone gây các biểu hiện giống với cường giáp như:
- Sụt cân không rõ nguyên nhân,
- Tăng tiết mồ hôi
- Run rẩy
- Lo âu
- Nhịp tim nhanh và không đều…
Ngược lại, khi nồng độ hormone này xuống thấp, người bệnh sẽ có triệu chứng như suy giáp bao gồm:
- Mệt mỏi,
- Tê ngứa tay chân,
- Da và tóc khô,
- Táo bón,
- Trầm cảm…
Chỉ một số nhỏ người bệnh nhân tuyến giáp tiến triển thành ung thư, nhưng việc chẩn đoán không thể dựa trên mỗi triệu chứng mà còn phụ thuộc vào nhiều xét nghiệm u tuyến giáp khác.
Biến chứng của u tuyến giáp
Bệnh nhân tuyến giáp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Gây cản trở hoạt động thở hoặc nuốt thức ăn nếu như u tuyến giáp phát triển lớn hoặc người bệnh được chẩn đoán có bướu giáp đa nhân không độc.
- Bệnh cường giáp trong trường hợp khối u khiến tăng sinh thyroid hormone với các biểu hiện dễ nhận biết như sụt cân, nhược cơ, sợ nóng, thay đổi tính tình dễ cáu gắt. Chưa kể, cường giáp còn kéo theo nhiều biến chứng đáng lo ngại khác bao gồm loạn nhịp tim, nhiễm độc giáp (rất nguy hiểm, cần được cấp cứu ngay lập tức)
- Vấn đề khi cần phẫu thuật u tuyến giáp (chẳng hạn phải dùng liệu pháp thay thế hormone đến hết đời).
Nguyên nhân gây u tuyến giáp
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra bệnh lý này. Tuy vậy, một vài yếu tố nguy cơ được cho là có thể làm xuất hiện nhân tuyến giáp, bao gồm:
- Bức xạ ion hóa có khả năng kích thích sự phát triển của nhân giáp lành tính lẫn ác tính, đặc biệt là với cơ quan nhạy cảm với bức xạ như tuyến giáp.
- Thiếu hoặc thừa iod
- Thói quen sinh hoạt kém lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu bia, lười vận động hoặc có các bệnh lý như hội chứng chuyển hóa, u xơ tử cung…
Các phương pháp chẩn đoán u tuyến giáp
Để biết chính xác một người bị nhân tuyến giáp hay không, trước hết, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử rồi tiến hành thăm khám các dấu hiệu lâm sàng.
Ở giai đoạn sớm, u tuyến giáp thường cứng, bờ rõ, bề mặt nhẵn hoặc gồ ghề, chuyển động theo nhịp nuốt. Đến giai đoạn muộn, khối u lớn hơn, chạm vào thấy rõ kèm theo triệu chứng nuốt khó, khàn tiếng, khó thở, nếu là u ác tính có thể thấy các vết thâm nhiễm gần hạt giáp.
Sau bước thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định một hoặc nhiều xét nghiệm sau:
Điều trị nhân tuyến giáp
Phương pháp điều trị u tuyến giáp tùy theo bệnh trạng, tính chất (lành tính hay ác tính) và vị trí của khối u. Nếu là hạt giáp lành tính, người bệnh chỉ cần theo dõi tại nhà và kiểm tra định kỳ tại cơ sở y tế.
Trường hợp là nhân giáp ác tính, việc điều trị có thể sẽ phức tạp hơn và cần xét đến các biện pháp điều trị như:
- Phẫu thuật mổ bóc nhân giáp: Tiến hành khi hạt giáp phát triển lớn, gây khó khăn trong việc thở và nuốt. Phương pháp này cũng được cân nhắc chỉ định nhằm loại bỏ phần nhân giáp hoạt động quá mức (cường giáp) hoặc nhân giáp ác tính.
- Điều trị bằng iod phóng xạ: Chỉ định ở những ca có nhân giáp tăng hoạt dẫn đến cường giáp. Lúc này, người bệnh sẽ uống I-131 dưới dạng dung dịch hoặc viên nhộng. Chất này đi vào tuyến giáp sẽ phát tán hạt phóng xạ hủy hoại u tuyến giáp mà chúng tiếp xúc.
- Liệu pháp thay thế hormone: Giúp bù lại lượng hormone thiếu hụt do phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp hoặc suy giảm chức năng tuyến giáp sau khi điều trị
- Tiêm cồn tuyệt đối: Áp dụng với nhân tuyến giáp chứa dịch. Phương pháp này sẽ khiến khối u nhỏ lại mà không phải phẫu thuật. Điều này dựa trên tác dụng của cồn làm mất nước dẫn đến khối u bị hoại tử.
Tiên lượng ở người bị u tuyến giáp
Theo báo cáo từ một nghiên cứu kéo dài 20 năm về u tuyến giáp cho thấy, tỷ lệ mắc bệnh lần lượt là 0,8% và 5,3% ở nam và nữ. Hơn 90% số ca bệnh được chẩn đoán là u tuyến giáp lành tính và chỉ khoảng 4 – 6,5% số còn lại có khả năng phát triển thành ung thư.
Những đối tượng có yếu tố nguy cơ như nồng độ hormone giáp trong máu ở mức bình thường đến cao, tiền sử chiếu xạ vùng đầu – cổ hay mắc hội chứng đa u tuyến nội tiết (MEN) cần được kiểm tra sức khỏe tuyến giáp định kỳ sát sao hơn nữa.
Những ca được chẩn đoán là u giáp lành tính thường không phải điều trị và chỉ khoảng 1% hạt giáp lành tính gây ra các bệnh tuyến giáp (trường hợp mắc bệnh hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm được).
Tiên lượng đối với u tuyến giáp ác tính sẽ khác nhau phụ thuộc vào một số yếu tố gồm: Loại ung thư, độ tuổi tại thời điểm chẩn đoán bệnh, kích thước của khối u, tình trạng di căn sang vùng lân cận, khả năng lan rộng đến các bộ phận xa hơn trên cơ thể. Nếu được chẩn đoán mắc ung thư tuyến giáp, bác sĩ sẽ đưa ra tiên lượng chính xác hơn nữa cho bạn.
Cách phòng ngừa u tuyến giáp
Do chưa xác định rõ nguyên nhân dẫn đến nhân tuyến giáp nên không có phương pháp nào giúp phòng tránh tuyệt đối bệnh lý này. Tuy vậy, bạn vẫn có thể giảm nguy cơ phát triển hạt giáp thông qua quản lý các yếu tố nguy cơ nhất định. Các biện pháp này bao gồm:
- Không tiếp xúc với nguồn phát ra bức xạ. Người làm việc trong môi trường có yếu tố độc hại cần thực hiện nghiêm ngặt các quy trình bảo hộ.
- Thường xuyên quan sát vùng cổ và dùng tay sờ nắn khu vực này để phát hiện xem có khối u tuyến giáp bất thường hay không.
- Thiết lập chế độ ăn uống cân bằng (nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế chất béo và thực phẩm chế biến sẵn) đi kèm với luyện tập thể thao điều độ nhằm ổn định mức cân nặng. Tránh xa rượu bia và các chất kích thích để ngăn sự tăng sản bất thường của mọi tế bào không riêng tế bào giáp.
- Dùng muối iod cùng các thực phẩm giàu thành phần này như hải sản, rong, tảo biển. Nếu có các dấu hiệu bất thường của cơ thể như sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, nổi hạch cổ… bạn không nên chủ quan mà nên thăm khám sớm để ngăn u tuyến giáp cũng như các bệnh liên quan đến tuyến nội tiết này.
- Khám sức khỏe và tầm soát khối u định kỳ, đặc biệt nếu trong gia đình có người thân từng bị mắc nhân tuyến giáp.
Một số câu hỏi thường gặp
Dưới đây là một số thắc mắc thường gặp liên quan đến u tuyến giáp:
1. Bị nhân tuyến giáp khi nào cần thăm khám?
Nếu thấy hạt giáp nổi to (chạm vào có thể cảm nhận được) bạn nên lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra. Người bệnh được chẩn đoán mắc nhân tuyến giáp lành tính cũng nên thường xuyên tái khám định kỳ nhằm đánh giá mức độ phát triển của nhân giáp từ đó có biện pháp xử lý phù hợp.
2. Nhân tuyến giáp ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?
Theo các chuyên gia, tình trạng này ít phổ biến ở trẻ em hơn so với người lớn. Tuy nhiên, khả năng bệnh tiến triển thành ung thư ở người trẻ được cho là cao so với người trưởng thành.
Vừa rồi là những thông tin về u tuyến giáp và các vấn đề liên quan. Hy vọng những kiến thức trên sẽ hữu ích cho bạn trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người thân yêu quanh mình.
Bạn có thể quan tâm: