Tinh hoàn ẩn là tình trạng tinh hoàn không ở đúng vị trí ở bìu, khiến người bệnh chỉ có một bên hoặc ẩn cả hai bên.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi TS.BS Trà Anh Duy, Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health.
Tổng quan
Ở nam giới, lúc thai nhi mới hình thành trong bụng mẹ, tinh hoàn được tạo ra và nằm kế bên thận. Từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 7 thai kỳ, tinh hoàn nằm tại hoặc gần lỗ bẹn trong. Tinh hoàn đi xuống bìu trong khoảng tháng thứ 8 của thai kỳ.
Tinh hoàn ẩn được xem là bất thường cơ quan sinh dục hay gặp nhất ở trẻ em. Theo các nghiên cứu, có đến 21% trẻ sinh thiếu tháng bị tinh hoàn ẩn. Ở trẻ đủ tháng, tỷ lệ mắc bệnh này vào khoảng 2-4%.
Nguyên nhân
Nguyên nhân tình trạng tinh hoàn ẩn vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, những số liệu nghiên cứu cho thấy một vài yếu tố có khả năng gây nên tình trạng này bao gồm:
– Giảm áp lực khoang bụng.
– Không có dây chằng bìu hay dây này quá dài.
– Khiếm khuyết bẩm sinh của tinh hoàn.
– Các yếu tố nội tiết và môi trường.
– Các bất thường của thần kinh sinh dục đùi.
Yếu tố nguy cơ
– Tiền sử gia đình đã có người bị tinh hoàn ẩn.
– Trẻ sinh non hoặc nhẹ cân.
– Mẹ sử dụng rượu, bia hoặc thuốc lá trong quá trình mang thai.
– Trong lúc mang thai có tiếp xúc với các chất hóa học, đặc biệt là thuốc diệt côn trùng.
Biến chứng
– Ung thư tinh hoàn.
– Vô sinh.
– Xoắn tinh hoàn, dẫn đến phù nề, xung huyết và hoại tử tinh hoàn.
Gánh nặng tâm lý
– Cảm giác tự ti, gánh nặng, mặc cảm khi cơ thể không trọn vẹn do bị tinh hoàn ẩn khiến không ít nam giới rơi vào trạng thái căng thẳng, không muốn đối diện với bạn tình.
– Chính vì tâm lý bị ảnh hưởng, không tự tin nên vô tình người bệnh còn mắc phải tình trạng rối loạn cương.
– Chưa kể, cảm giác không phải là đàn ông “chính hiệu” vì sự thiếu vắng của một cơ quan trong cơ thể còn có thể gây ra những diễn biến tâm lý tội phạm khác khi khuyết điểm bản thân bị đem ra trêu chọc.
Chẩn đoán
– Khám thực thể (sờ): Bệnh nhân cần được bác sĩ khám ở cả tư thế đứng và nằm ngửa. Ở nam giới, bìu bên có tinh hoàn ẩn thường sờ không chạm.
– Siêu âm, CT scan: Trong trường hợp tinh hoàn ẩn không sờ thấy, siêu âm hay chụp cắt lớp vi tính có thể phát hiện sự hiện diện và vị trí của tinh hoàn.
– Nội soi ổ bụng:
- Khoảng 20-50% trường hợp tinh hoàn ẩn không sờ thấy là do không có tinh hoàn nên việc chẩn đoán chính xác rất quan trọng, giúp bệnh nhân tránh cuộc mổ không cần thiết. Lúc này, các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, CT scan khó phát hiện.
- Nội soi ổ bụng được xem là phương pháp hiệu quả hơn, giúp xác định có tinh hoàn trong ổ bụng hay không, vị trí và các bất thường đi kèm.
Điều trị và phòng ngừa
Điều trị tinh hoàn ẩn hiện nay chủ yếu dựa vào phẫu thuật. Cả hai hình thức mổ hở và mổ nội soi đều cho kết quả tốt như nhau. Nghiên cứu lâm sàng đều cho thấy phẫu thuật càng sớm càng có cơ hội giữ được nhiều mô sinh tinh. Chỉ định phẫu thuật là khi bé đủ một tuổi.
Tinh hoàn ẩn là một thể bệnh mà xuất phát điểm khi bé còn trong bào thai. Vì vậy, mẹ giữ sức khỏe trong thai kỳ và tránh những yếu tố nguy cơ sẽ làm giảm tối đa hiện tượng tinh hoàn ẩn ở các bé trai.
Khi phát hiện con có những dấu hiệu nghi ngờ, người nhà nên đưa bé đến bệnh viện chuyên về Nhi khoa hoặc Nam khoa. Khám, phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp chức năng tinh hoàn không bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi bé đến tuổi trưởng thành.
Nam giới nếu phát hiện bất kỳ bất thường nào ở tinh hoàn, cần đến bác sĩ khám, tránh những biến chứng về khả năng sinh con sau này.
Mỹ Ý