Câu trả lời khái quát nhất cho câu hỏi này có lẽ là: trái đất là một quả banh hầu như làm bằng đá… Xin nói rõ: đá xanh chứ không phải nước đá đâu. Bên trong lòng trái đất đá nóng chảy nhưng vỏ ngoài thì đông đặc. Chưa tới một phần ba bề mặt trái đất là lục địa, phần còn lại được bao phủ bằng nước.
Đi sâu vào chi tiết hơn nữa ta sẽ thấy bề mặt trái đất có lớp vỏ hơi gồ ghề làm bằng đá dày vào khoảng từ 20 đến 50 km. Lớp vỏ mỏng này gọi là thạch quyển. Phần nổi của cái vỏ này là các lục địa và hải đảo, thấp hơn một chút là lớp nước của các đại dương, biển, hồ… Lớp nước này gọi là “thủy quyển”. Con người mới chỉ khảo sát được sơ sơ phía ngoài cùng của cái vỏ đá địa cầu mà thôi. Nếu đào sâu vào lòng đất – mặc dù đã phải sử dụng những phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất – vài ba km cũng đã là một công trình khó khăn lắm lắm đối với con người. Nhưng cũng chưa phải là cái gì ghê gớm lắm đâu. Vì so với bề dày của vỏ trái đất thì lỗ khoan đó chưa thấm tháp gì.
Sợ chưa bằng vết trầy trên da người ta nữa. Tuy nhiên, có điều này đáng để ý: càng đào sâu vào lòng đất thì nhiệt độ càng tăng. Đào sâu vào khoảng 3 km thì nhiệt độ ở đó đã đủ để đun nước sôi rồi.
Các nhà khoa học vẫn có thể nghiên cứu, khảo sát lòng trái đất thông qua cơ chế động đất. Họ tin rằng ở dưới sâu trong lòng đất nhiệt độ có tăng nhưng không tăng lẹ như ở phía ngoài gần vỏ. Vì vậy, họ cho rằng ở nhân – hay trung tâm trái đất – nhiệt độ không quá 55000C. Tất nhiên, nhiệt độ này cũng là quá cao rồi, bởi vì mới ở chỉ khoảng 22000C thì đá đã nóng chảy rồi.
Vỏ ngoài của trái đất gồm hai lớp. Lớp ngoài cùng tức là các lục địa chủ yếu được cấu tạo bằng đá hoa cương (granite). Dưới lớp đá hoa cương là lớp đá rất cứng gọi là đá badan (basalt). Theo các nhà khoa học thì trung tâm trái đất là trái banh khổng lồ làm bằng sắt nóng chảy có đường kính vào khoảng 6500 km. Nằm lót giữa trung tâm này và lớp vỏ đá là một lớp bao gọi là “manti” (mantle) dày vào khoảng 3200 km. Bao “manti” có lẽ là một loại đá gọi là “ôlivin” (olivine).