Bệnh tràn dịch màng phổi là một tình trạng phổ biến. Mức độ nghiêm trọng của nó phụ thuộc vào nguyên nhân là gì, có ảnh hưởng đến khả năng thở của bệnh nhân hay không và điều trị có mang lại hiệu quả tích cực hay không?
Cùng tìm hiểu về dấu hiệu tràn dịch màng phổi, nguyên nhân, các bước chẩn đoán và hướng điều trị cho tình trạng này qua bài viết sau đây.
Tìm hiểu chung
Bệnh tràn dịch màng phổi là gì?
Màng phổi có hai lớp, một lớp bao quanh mỗi lá phổi (màng phổi tạng) và một lớp lót thành ngực (màng phổi thành). Bình thường, vẫn luôn có một lượng dịch nhỏ ở giữa hai lớp màng này để giúp bôi trơn khi phổi nở ra trong lúc bạn hít thở.
Tuy nhiên, một số tình trạng sức khỏe có thể khiến lượng dịch tích tụ quá nhiều, gọi là tràn dịch màng phổi, hay mọi người thường gọi là phổi có nước.
Nếu dịch màng phổi có mủ được gọi là tràn mủ màng phổi, có máu gọi là tràn máu màng phổi.
Các dạng thường gặp
Dịch tràn màng phổi gồm có hai loại chính là:
- Dịch thấm: Loại dịch màng phổi này tương tự như dịch huyết thanh, được hình thành từ dịch rò rỉ qua màng phổi bình thường do sự tăng áp lực thủy tĩnh và giảm áp lực keo của huyết tương.
- Dịch tiết (dưỡng chấp): Các dịch tiết có thể hình thành từ dịch dư thừa, protein, máu, tế bào viêm, vi khuẩn đi qua các mạch máu tổn thương và xâm nhập vào màng phổi. Dịch tiết là do sự gia tăng tính thấm mao mạch.
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết
Triệu chứng tràn dịch màng phổi là gì?
Thực tế, một số người sẽ không có dấu hiệu tràn dịch màng phổi nếu lượng dịch ít. Họ chỉ phát hiện bệnh khi chụp X-quang ngực hoặc khám sức khỏe cho một tình trạng khác.
Một số khác có thể có các triệu chứng tràn dịch màng phổi sau:
- Đau ngực, thường là đau nhói nặng hơn khi ho hoặc thở sâu. Bên nào bị tràn dịch thì nằm nghiêng về bên đó cơn đau sẽ tăng lên.
- Ho khan
- Khó thở
- Suy hô hấp
- Nôn, đau, chướng bụng do tích tụ dịch dưới phổi.
Người bệnh còn có những dấu hiệu liên quan đến nguyên nhân gây bệnh như sốt cao, ớn lạnh, thở nhanh, chán ăn, mệt mỏi, đổ mồ hôi đêm, ho ra máu, sụt cân….
Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn có các dấu hiệu trên.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi là gì?
Tùy thuộc vào nguyên nhân, dịch dư thừa có thể là dịch thấm hoặc dịch tiết. Điều này sẽ giúp bác sĩ xác định nguyên nhân tràn dịch màng phổi.
Các nguyên nhân phổ biến gây dịch tràn màng phổi dạng dịch thấm như:
- Suy tim
- Xơ gan
- Suy thận mạn
- Hội chứng thận hư
Dịch tràn màng phổi dạng dịch tiết thường gặp nhất do:
Các nguyên nhân khác ít phổ biến hơn bao gồm:
- Chảy máu (do chấn thương ngực)
- Tràn dưỡng chấp màng phổi do chấn thương
- Nhiễm trùng hô hấp và bụng (hiếm gặp)
- Tiếp xúc với amiăng
- Hội chứng Meig (do khối u buồng trứng lành tính)
- Hội chứng quá kích buồng trứng
Một số loại thuốc, phẫu thuật vùng bụng và xạ trị cũng có thể gây tràn dịch màng phổi. Bệnh có thể xảy ra với một số loại ung thư bao gồm ung thư phổi, ung thư vú và ung thư hạch bạch huyết. Trong một số trường hợp, dịch có thể là ác tính (ung thư), hoặc có thể là kết quả trực tiếp của hóa trị.
Chẩn đoán
Các phương pháp giúp chẩn đoán bệnh tràn dịch màng phổi là gì?
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra sức khỏe và hỏi bạn về các triệu chứng. Thông thường, chụp CT-scan ngực và X-quang ngực thẳng/ nghiêng sẽ giúp bác sĩ quyết định có điều trị tràn dịch màng phổi hay không.
Bác sĩ cũng có thể muốn thực hiện các xét nghiệm về dịch bằng cách dùng kim đưa vào giữa các xương sườn để hút dịch. Các xét nghiệm này sẽ giúp tìm:
- Sự nhiễm trùng
- Các tế bào ung thư
- Lượng protein
- Số lượng tế bào: hồng cầu, bạch cầu…
- Độ axit của dịch màng phổi
Ngoài ra, các xét nghiệm máu có thể được thực hiện bao gồm:
- Công thức máu toàn bộ (CBC), để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc thiếu máu
- Xét nghiệm máu chức năng gan và thận
Nếu cần, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu các xét nghiệm sau:
- Siêu âm tim để phát hiện suy tim
- Siêu âm ổ bụng và gan mật tụy
- Xét nghiệm nước tiểu
- Sinh thiết phổi để tìm ung thư
- Nội soi phế quản
Điều trị
Bệnh tràn dịch màng phổi có chữa được không?
Nguyên nhân cơ bản và mức độ nghiêm trọng của bệnh sẽ quyết định cách điều trị tràn dịch màng phổi. Trong đó, những giải pháp thường gặp có thể kể đến như sau:
Dẫn lưu dịch
Dẫn lưu dịch được thực hiện nếu có nhiều dịch màng phổi gây khó thở, tức ngực hoặc giảm lượng oxy máu. Điều này giúp phổi nở được khi hít vào, người bệnh sẽ dễ thở hơn.
Ở phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng kim hoặc một ống nhỏ để dẫn lưu dịch ra khỏi khoang ngực.
Bạn sẽ được gây tê cục bộ trước đó nhằm giúp quá trình điều trị diễn ra dễ dàng hơn. Sau khi thuốc tê hết tác dụng, bạn có thể cảm thấy hơi đau hoặc khó chịu tại vị trí đưa kim hay ống vào. Thông thường, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để giúp giảm đau.
Bạn có thể dẫn lưu dịch nhiều lần nếu dịch tích tụ trở lại.
Xơ cứng màng phổi
Xơ cứng màng phổi được áp dụng khi tràn dịch không kiểm soát được hoặc tái phát do ung thư dù đã dẫn lưu.
Các bác sĩ sẽ đưa các chất gây xơ hóa (tạo sẹo) như bột talc để tạo sẹo trong màng phổi, giảm không gian trong khoang màng phổi, từ đó hạn chế tích tụ dịch.
Phẫu thuật
Nếu như dẫn lưu dịch hoặc xơ cứng màng phối không mang lại hiệu quả, người bệnh có thể phải phẫu thuật.
Có hai lựa chọn phẫu thuật là nội soi lồng ngực hoặc mở ngực. Bác sĩ sẽ thắt ống ngực, bóc lá thành màng phổi gây dính, làm khô dịch màng phổi bằng hóa chất, mở thông khoang màng phổi xuống ổ bụng.
Điều trị nguyên nhân gây tràn dịch
- Do suy tim: bạn có thể dùng thuốc lợi tiểu và các loại thuốc khác để điều trị suy tim.
- Do nhiễm trùng: kháng sinh và điều trị bổ sung.
- Do ung thư: hóa trị, xạ trị,…
- Do lao: thuốc kháng lao
- Do bệnh xơ gan, suy thận: điều trị các tình trạng này.
Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh những biện pháp điều trị hỗ trợ như nghỉ ngơi, ăn đồ ăn dễ tiêu nhưng đủ dinh dưỡng và năng lượng, giảm đau sốt bằng paracetamol, tập vật lý trị liệu hô hấp.
Tìm hiểu tràn dịch màng phổi có chữa được không ngay nhé!
Biến chứng
Bệnh tràn dịch màng phổi có nguy hiểm không?
Thông thường, thuốc và các biện pháp chăm sóc hỗ trợ khác sẽ giúp kiểm soát các rủi ro khi điều trị bệnh. Hầu hết mọi người hồi phục trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Các biến chứng nhỏ từ những phương pháp điều trị xâm lấn có thể bao gồm đau nhẹ và khó chịu, thường sẽ biến mất theo thời gian. Một số trường hợp có thể có những biến chứng nghiêm trọng hơn, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, nguyên nhân và phương pháp điều trị được áp dụng.
Các biến chứng nghiêm trọng có thể bao gồm:
- Phù phổi hoặc dịch trong phổi, có thể do dẫn lưu dịch quá nhanh trong khi thực hiện chọc dò màng phổi
- Xẹp phổi một phần
- Nhiễm trùng hoặc chảy máu
- Tổn thương phổi
- Sẹo màng phổi
Những biến chứng này rất hiếm khi xảy ra. Thực tế, bác sĩ sẽ giúp xác định lựa chọn điều trị hiệu quả nhất và thảo luận về những lợi ích và rủi ro của từng quy trình.
Dịch tràn màng phổi có thể nguy hiểm và đe dọa tính mạng. Hầu hết trường hợp cần điều trị tại bệnh viện và một số người sẽ cần phẫu thuật. Thời gian để phục hồi sau khi điều trị bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân, kích thước và mức độ nghiêm trọng cũng như sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Đa số người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi và yếu trong tuần đầu tiên sau khi xuất viện. Thông thường, vết mổ lành lại trong vòng 2-4 tuần. Bạn sẽ cần được chăm sóc và theo dõi liên tục sau khi về nhà.
[embed-health-tool-bmi]