I. Nấc là gì
“Nấc” là hiện tượng xảy ra do cơ hoành co thắt, nắp thanh quản đóng lại ( tránh cho thức ăn, đồ uống rơi vào phổi). Lúc đóng lại tạo nên âm thanh “híc”. Nấc có thể tự nhiên xuất hiện hay xảy ra khi trẻ vừa cười vừa ăn hoặc vừa cười vừa uống. Ai cũng có thể bị “nấc”. Tuy nhiên, nấc hay xảy ra ở trẻ nhỏ. Ngay cả khi còn trong bụng mẹ, bé đã bị nấc cụt trước khi bé biết thở. Như vậy, “nấc” là một hiện tượng trong quá trình phát triển của trẻ và nó liên tục xảy ra cho tới khi trẻ không cần đến nó nữa.
II.Cách xử trí khi bé bị “nấc”
Khi trẻ bị “ nấc” nhiều lần khi ăn, uống, các mẹ không cần phải quá lo lắng, hãy cứ cho bé ăn và nắp thanh quản sẽ bảo vệ đường thở khi trẻ nấc và sữa sẽ không xuống phổi được.
Nếu trẻ không khó chịu hay mệt mỏi vì nấc thì các mẹ không cần phải cố gắng làm cho trẻ dừng nấc. Có một cách làm cho trẻ không nấc nữa là hãy cho trẻ uống nước, sữa hoặc cho bé bú. Tuy nhiên, đôi khi cách này cũng không hiệu quả hoàn toàn.
Nấc ở trẻ em nhất là trẻ sơ sinh có rất nhiều nguyên nhân do đường hô hấp, đường tiêu hóa ( ăn thức ăn khó tiêu ăn quá no). Trẻ bị lạnh cũng dễ bị nấc.
Khi trẻ bị nấc, đối với trẻ sơ sinh, mẹ hãy bế trẻ lên dùng ngón tay gãi nhẹ trên môi hoặc mang tai của bé khoảng 60 cái, nếu trẻ khóc được thì nấc sẽ khỏi nhanh hơn vì lúc đó thần kinh thực quản giãn ra, triệu chứng nấc sẽ biến mất. Ủ ấm, sưởi ấm cho trẻ. Đối với trẻ lớn hơn, có thể cho trẻ uống nước, hướng dẫn trẻ cách hít thở sâu, ngồi gập người trên đầu gối…Nếu trẻ bị nấc liên tục trong 3 giờ đồng hồ thì nên đưa bé tới bác sĩ khám và tìm nguyên nhân nấc để được cải thiện sớm.
· Một số cách xử lý nấc cho trẻ.
– Nếu do nguyên nhân “ Trào ngược thực quản, dạ dày” gây ra nấc cụt và trớ sữa, sau khi bú sữa xong cho trẻ đứng thẳng dựa vào vai mẹ để bài khí trong vòng 30 phút, không cho trẻ nằm ngửa. Khi trẻ được 5-6 tháng cho ăn thức ăn dặm ( bột gạo…) để tăng độ kết dính của sữa cũng phòng tránh được nấc cụt.
– Nếu trẻ nấc cụt là do dị ứng với protein của sữa, các mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng loại sữa phù hợp.
– Các mẹ không nên cho bé bú khi bé đang khóc nức nở và không nên để trẻ quá đói mới cho bú.
– Tư thế trẻ bú sữa phải đúng, thoải mái. Tránh cho bú quá nhanh, quá lạnh hoặc quá nóng.
– Khi bé bị nấc có thể dùng đồ chơi, âm nhạc nhẹ nhàng để chuyển hướng hấp dẫn chú ý của bé để giảm bớt nấc.
– Khi bé bú nên dành thời gian nghỉ giữa cữ bú, cho bé đứng thẳng trên đùi mẹ, vuốt lưng cho bé nhẹ nhàng.
Ths. Đỗ Hữu Hanh, Phòng khám tư vấn dinh dưỡng chất lượng cao, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội – 70 Nguyễn Chí Thanh