Tình trạng trẻ vừa nôn vừa đi ngoài tuy nguy hiểm nhưng có thể chữa trị tại nhà và ba mẹ cũng có thể chủ động phòng ngừa cho con. Nếu được chăm sóc kỹ càng và đúng cách, bé sẽ bớt khó chịu và rất mau hồi phục.
Trẻ vừa nôn vừa đi ngoài là dấu hiệu của một số bệnh nghiêm trọng như rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, ngộ độc thực phẩm… Đây là tình trạng ba mẹ cần chú ý chăm sóc kịp thời và giữ vệ sinh cho bé kỹ càng để tránh bệnh nặng thêm và lây cho các thành viên khác trong nhà.
1. Trẻ vừa nôn vừa đi ngoài: Nguyên nhân do đâu?
Tình trạng trẻ vừa nôn vừa đi ngoài có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như viêm dạ dày ruột, ngộ độc thực phẩm, dị ứng thức ăn…
- Rối loạn tiêu hóa: Hệ tiêu hóa của các bé còn yếu nên có thể chưa xử lý được một số loại thức ăn nhất định. Khi trẻ ăn những thực phẩm này, hệ vi khuẩn trong ruột có thể bị rối loạn và thức ăn không được tiêu hóa hết, từ đó dẫn tới tình trạng đi ngoài.
- Viêm dạ dày cấp tính: Tình trạng trẻ vừa nôn vừa đi ngoài cũng có thể là triệu chứng của bệnh viêm dạ dày cấp tính. Khi mắc bệnh này, trẻ thường sẽ đi ngoài phân lỏng, có thể lẫn nhầy nhưng không có máu.
- Uống thuốc kháng sinh: Việc dùng thuốc kháng sinh nhiều có thể khiến trẻ đi ngoài và nôn. Triệu chứng cho thấy bé đang gặp tác dụng phụ của thuốc kháng sinh là đi ngoài phân sống, có mủ và có máu.
- Ăn thực phẩm không hợp vệ sinh: Bé có thể nôn và đi ngoài nếu vô tình ăn phải những thức ăn để lâu, quá hạn sử dụng, không đảm bảo vệ sinh… Ngoài thức ăn, bé cũng có thể nhiễm vi khuẩn nếu mút tay, bú bình bẩn, chơi đồ chơi không hợp vệ sinh…
2. Trẻ vừa nôn vừa tiêu chảy có nguy hiểm không?
Nhìn chung, tình trạng trẻ vừa nôn mửa vừa đi ngoài luôn cần được quan tâm chữa trị sớm để bảo vệ hệ tiêu hóa của bé và đề phòng tình trạng trẻ bị mất nước. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi luôn cần đi khám nếu gặp phải tình trạng này. Các bé ở độ tuổi khác cũng nên đi khám nếu có thêm các triệu chứng:
- Bé không uống nước
- Tình trạng tiêu chảy không cải thiện sau 10 ngày
- Bé nôn mửa liên tục và nôn sau khi uống bất cứ chất lỏng nào
- Bé có các triệu chứng mất nước (tiểu tiện ít, nước tiểu màu vàng sẫm hoặc nâu, môi và miệng khô)
- Bé đau bụng dữ dội
- Phân của bé có máu
- Chất nôn của bé màu xanh lá cây
3. Cách chữa trị cho trẻ vừa nôn vừa đi ngoài
Cách điều trị chính cho trẻ vừa nôn vừa đi ngoài để trẻ nghỉ ngơi ở nhà và cung cấp chất lỏng cho bé thường xuyên bằng cách cho bé uống: nước lọc, sữa mẹ hoặc sữa công thức. Tình trạng đi ngoài và nôn mửa ở trẻ sơ sinh nghiêm trọng hơn so với các trẻ lớn hơn vì trẻ sơ sinh có thể dễ bị mất nước nên ba mẹ cần để ý các dấu hiệu mất nước ở bé để cung cấp nước kịp thời. Các dấu hiệu mất nước ở bé là:
- Lả người
- Ít tiểu tiện hơn
- Nước tiểu màu vàng sẫm
- Miệng khô
- Mắt trũng sâu
- Đầu bé có chỗ trũng (thóp)
- ít hoặc không có nước mắt khi bé khóc
Nếu bé có dấu hiệu mất nước như trên, mẹ hãy cho bé cho bú thường xuyên hơn nếu đang nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu bé đang uống sữa công thức, mẹ có thể trẻ uống thêm nước lọc giữa các lần bú. Bạn cũng nên cho bé đi khám để được bác sĩ thăm khám, đánh giá tình hình và kê toa thuốc cải thiện tình trạng mất nước này.
4. Chăm sóc trẻ vừa nôn vừa đi ngoài
Một số cách bạn có thể làm để giúp bé cải thiện tình trạng vừa nôn vừa đi ngoài là:
- Tiếp tục cho trẻ bú mẹ hoặc bú bình như bình thường.
- Nếu con đang ăn thức ăn đặc, hãy cho bé ăn những món bé muốn ăn để bé bớt khó chịu. Việc kiêng một số thực phẩm sẽ không giúp cải thiện tình hình.
- Các trẻ đã lớn nên ăn uống như bình thường với các thực phẩm giàu tinh bột như bánh mì, khoai tây, mì và cơm. Mẹ cũng có thể cho bé ăn canh hay súp để bù lượng chất lỏng bị mất.
- Nếu bé còn đang mặc tã, bạn nên bôi kem chống hăm tã cho con để giảm kích ứng da khi bí bị đi tiêu nhiều.
- Vệ sinh vùng kín của bé nhẹ nhàng và kỹ càng để tránh bé bị kích ứng da.
- Đặt bé nằm ngửa khi ngủ để giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.
5. Phòng ngừa tình trạng đi ngoài và nôn ở trẻ
Cách tốt nhất để ngừa tình trạng trẻ vừa nôn vừa đi ngoài là vệ sinh cá nhân cho bé kỹ càng. Một số cách đảm bảo vệ sinh cho bé bạn có thể thử là:
- Rửa tay thật sạch bằng xà phòng và nước ấm để ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan. Bạn nên rửa tay:
- Trước khi xử lý thực phẩm, bao gồm cả khi đụng vào bình sữa trẻ sơ sinh
- Trước khi ăn
- Sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã cho con
- Sau khi lau dọn phân hoặc dịch nôn ói của con
- Sau khi lau mũi cho con hoặc chính bạn
- Sau khi xử lý rác
- Sau khi rửa tay, bạn hãy lau khô tay thật kỹ nhưng không nên dùng chung khăn với người khác vì điều này có thể làm lây lan tình trạng nhiễm trùng.
- Làm sạch các bề mặt trong nhà bằng chất tẩy rửa và nước. Đây là một cách rất hiệu quả để loại bỏ vi trùng khỏi các bề mặt bạn đã chạm vào.
- Tiệt trùng bình sữa cho bé thật kỹ nếu bé đang bú bình
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn tắm hay khăn mặt với con. Bạn hãy chuẩn bị đồ dùng cá nhân riêng cho bé.
- Nếu bé bị đi ngoài và nôn, hãy sắp xếp cho các thành viên khác dùng nhà vệ sinh riêng nếu có thể và lau dọn nhà vệ sinh bằng chất khử trùng sau khi sử dụng.
- Không đưa con đi bơi trong vòng 2 tuần kể từ khi trẻ hết bị đi ngoài hoặc nôn.
- Không cho con đến trường trong 24 giờ kể từ khi trẻ hết bị đi ngoài hoặc nôn.
- Giặt quần áo hoặc đồ trải giường ngay nếu bị dính phân hoặc chất nôn của bé.
Tình trạng trẻ vừa nôn vừa đi ngoài có thể khiến con bị mất nước, mệt và khó chịu. Thế nhưng chỉ cần ba mẹ chăm sóc chu đáo và giữ vệ sinh cá nhân cho con kỹ càng, những dấu hiệu này sẽ sớm qua mau. Thậm chí, ba mẹ cũng có thể chủ động phòng tình trạng đi ngoài và nôn mửa này bằng cách đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường xung quanh bé đấy.
[embed-health-tool-vaccination-tool]