U tuyến giáp ác tính (U ác tuyến giáp) là căn bệnh phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 60. Phụ nữ có nguy cơ mắc u tuyến giáp ác tính cao hơn gấp 2-3 lần nam giới và tỷ lệ mắc bệnh cũng tăng lên theo độ tuổi.
Bài viết giới thiệu tổng quát về u tuyến giáp ác tính là bệnh gì, có nguy hiểm không? Đồng thời, bài viết cũng sẽ lý giải những thắc mắc chung như: U ác tuyến giáp có phải là ung thư không? U ác tuyến giáp có chữa được không? U tuyến giáp ác tính kiêng ăn gì?
U tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp, nằm ở cổ, là nơi tạo ra các hormone điều chỉnh quá trình trao đổi chất của cơ thể. Hormone tuyến giáp (T3, T4, FT3, FT4, TSH) cũng giúp kiểm soát nhiệt độ cơ thể, huyết áp và nhịp tim.
U tuyến giáp là tình trạng xuất hiện các khối u rắn hình thành ở ngay tuyến giáp. Đa số trường hợp có khối u không nghiêm trọng (lành tính), cũng như không ra triệu chứng. Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ 5-15% các khối u là u ác tính.
U ác tuyến giáp có phải là ung thư không?
Câu trả lời là có! U tuyến giáp ác tính được xem như một loại ung thư của tuyến nội tiết. U ác tính tuyến giáp thường được phát hiện thông qua siêu âm và xét nghiệm máu, và chẩn đoán cuối cùng sẽ được đưa ra bằng việc thực hiện các loại xét nghiệm ung thư.
Nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, u ác tuyến giáp thường có khả năng được chữa khỏi cao.
Các loại u tuyến giáp ác tính
Có 4 loại u ác tuyến giáp chính, cụ thể là:
- Ung thư tuyến giáp thể nhú là loại phổ biến nhất. Loại u tuyến giáp ác tính này chiếm khoảng 60% các trường hợp, thường gặp ở người dưới 40 tuổi, đặc biệt là phụ nữ.
- Ung thư tuyến giáp thể nang chiếm khoảng 15% các trường hợp ung thư tuyến giáp và có xu hướng ảnh hưởng đến người lớn tuổi.
- Ung thư tuyến giáp thể tủy chiếm 5-8% và có thể di truyền trong gia đình.
- Ung thư tuyến giáp thể kém biệt hóa là loại ung thư hiếm gặp và ác tính nhất. Loại u tuyến giáp ác tính này chiếm ít hơn 5%, thường gặp ở người già trên 60 tuổi.
Trong số đó, ung thư tuyến giáp thể tủy và thể kém biệt hóa có tiên lượng xấu.
Tỷ lệ sống sót khi có u tuyến giáp ác tính
U ác tuyến giáp có nguy hiểm không? U ác tuyến giáp là một bệnh nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Khi di căn, u ác tuyến giáp có thể gây ra các biến chứng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tuổi thọ của người bệnh.
Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, tỷ lệ sống sót của người bệnh có thể rất cao và khỏi bệnh hoàn toàn.
Tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với các loại u tuyến giáp ác tính như sau:
- Ung thư tuyến giáp thể nhú: Gần 100% đối với khối u khu trú (khối u nằm trong tuyến giáp); khoảng 80% đối với khối u di căn.
- Ung thư tuyến giáp thể nang: Gần 100% đối với khối u khu trú; khoảng 63% đối với khối u di căn.
- Ung thư tuyến giáp thể tủy: Gần 100% đối với khối u khu trú; khoảng 40% đối với khối u di căn.
- Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa: Gần 31% đối với khối u khu trú; khoảng 4% đối với khối u di căn.
Nguyên nhân dẫn đến u tuyến giáp ác tính
Theo các chuyên gia, không có nguyên nhân chắc chắn để lý giải một số tế bào chuyển biến thành u ác tính thay vì u lành tính và tấn công tuyến giáp. Một số yếu tố được cho là tăng nguy cơ dẫn đến u ác tuyến giáp là:
- Béo phì
- Thiếu i-ốt
- Gen di truyền, khoảng 70% người mắc u tuyến giáp có bố, mẹ hoặc anh, chị, em ruột có tiền sử mắc bệnh tuyến giáp
- Có tuyến giáp to (bướu cổ)
- Có tiền sử viêm tuyến giáp
- Đột biến gen do các bệnh rối loạn nội tiết, chẳng hạn như: hội chứng đa u nội tiết loại 2A (MEN2A) hoặc loại 2B (MEN2B)
- Tiếp xúc với bức xạ
- Xạ trị ung thư đầu và cổ, đặc biệt là trong thời thơ ấu
- Tiếp xúc với bụi phóng xạ từ vũ khí hạt nhân hoặc tai nạn nhà máy điện
Dấu hiệu u tuyến giáp ác tính
Triệu chứng chung đối với u tuyến giáp là cảm giác có một khối u cảm nhận được khi sờ vào da cổ, thường được gọi là nốt tuyến giáp. Song, đây là triệu chứng chung của cả u lành và u ác tính.
Hầu hết các bệnh ung thư tuyến giáp không gây ra bất kỳ dấu hiệu sớm. Khi u ác tuyến giáp phát triển, nó có thể đi kèm với những triệu chứng khác, gồm có:
- Khó thở hoặc khó nuốt
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ
- Khàn giọng không rõ nguyên nhân và/hoặc không thuyên giảm sau vài tuần
- Đau họng không thuyên giảm
- Mất giọng
Dấu hiệu cho thấy u ác tuyến giáp đã di căn là gì?
Nếu u tuyến giáp ác tính đã lan rộng (di căn) sang các vùng khác trên cơ thể, bạn có thể gặp các triệu chứng như:
- Mệt mỏi
- Ăn mất ngon
- Buồn nôn và ói mửa
- Sút cân đột ngột
Ung thư tuyến giáp được chẩn đoán như thế nào?
Nếu có nhân to tuyến giáp hoặc các dấu hiệu khác của u tuyến giáp ác tính, bạn có thể được chỉ định thực hiện một hoặc một số xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone và đánh giá xem tuyến giáp của bạn có hoạt động bình thường hay không.
- Sinh thiết hoặc chọc hút để kiểm tra tế bào ung thư, xác định xem các tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết hay chưa. Bệnh viện có thể sử dụng công nghệ siêu âm để hướng dẫn các quy trình sinh thiết này.
- Quét i-ốt phóng xạ để phát hiện ung thư tuyến giáp và xác định xem ung thư đã lan rộng chưa. Với xét nghiệm này, bạn sẽ nuốt một viên thuốc có chứa một lượng i-ốt phóng xạ an toàn (radioiodine). Trong vài giờ, tuyến giáp của bạn sẽ hấp thụ i-ốt. Bệnh viện sẽ đo lượng bức xạ trong tuyến. Các khu vực có ít phóng xạ hơn sẽ cần được xét nghiệm thêm để xác nhận sự hiện diện của u ác tính.
- Chụp CT và chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) để phát hiện ung thư tuyến giáp và sự lây lan của ung thư.
Điều trị u tuyến giáp ác tính
U ác tuyến giáp có chữa được không?
Có, hầu hết các bệnh ung thư tuyến giáp đều có thể chữa khỏi bằng phương pháp điều trị, đặc biệt nếu các tế bào ung thư chưa lan đến các bộ phận xa của cơ thể bạn.
Nếu điều trị không chữa khỏi hoàn toàn ung thư tuyến giáp, bác sĩ sẽ lên kế hoạch điều trị để tiêu diệt càng nhiều khối u càng tốt và ngăn không cho u ác tuyến giáp di căn
U tuyến giáp ác tính có mổ được không?
U ác tuyến giáp thường được mổ để loại bỏ. Tuy nhiên, phương pháp điều trị cụ thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:
- Kích thước và vị trí của u
- Tuổi của bệnh nhân
- Tình trạng sức khỏe chung
- Loại u ác tuyến giáp
- Mức độ ác tính của u
Phương pháp điều trị u tuyến giáp ác tính
- Phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ biến nhất Tùy thuộc vào kích thước và vị trí của khối u, bác sĩ phẫu thuật có thể cắt bỏ một phần tuyến giáp (cắt bỏ thùy) hoặc toàn bộ tuyến. Trong trường hợp tế bào ung thư đã lan rộng, bác sĩ có thể chỉ định loại bỏ hạch bạch huyết gần đó.
- Liệu pháp i-ốt phóng xạ (Radioiodine therapy) là phương pháp uống một liều i-ốt phóng xạ có hoạt tính cao, gây ra sự phá hủy các tế bào ung thư trong tuyến giáp. Tuy nhiên, liệu pháp i-ốt phóng xạ cũng có thể ảnh hưởng đến tế bào lành của tuyến giáp và gây ra một số tác dụng phụ không nguy hiểm và diễn ra tạm thời.
- Xạ trị là phương pháp dùng bức xạ để triệt tiêu tế bào ung thư và ngăn chặn chúng phát triển. Phương pháp này ít có hiệu quả với u tuyến giáp ác tính thể kém biệt hóa. Song, thường được sử dụng đối với khối u tuyến giáp ác tính thể tủy.
- Hóa trị là phương pháp tiêm tĩnh mạch hoặc uống thuốc tiêu diệt tế bào ung thư. Rất ít người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến giáp sẽ cần hóa trị.
- Liệu pháp nội tiết tố là phương pháp này ngăn chặn việc giải phóng các hormone có thể khiến ung thư lan rộng hoặc quay trở lại.
Các biến chứng của ung thư tuyến giáp là gì?
U tuyến giáp ác tính có thể di căn đến các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như gan, phổi hoặc xương. Phát hiện và điều trị ung thư tuyến giáp ở giai đoạn đầu giúp giảm nguy cơ di căn.
30% trường hợp u tuyến giáp ác tính có thể tái phát, ngay cả sau khi hoàn thành điều trị. Vì ung thư tuyến giáp phát triển chậm nên thời gian tái phát sẽ có thể lên đến sau 20 năm.
Nhìn chung, tiên lượng ung thư tuyến giáp là tích cực. Nhưng điều quan trọng mà bạn cần biết là sau phẫu thuật hoặc điều trị tuyến giáp, cơ thể bạn vẫn cần hormone tuyến giáp để hoạt động. Bạn sẽ cần liệu pháp hormone thay thế tuyến giáp suốt đời. Các hormone tuyến giáp tổng hợp, chẳng hạn như levothyroxine, thay thế các hormone tuyến giáp mà cơ thể không khả năng sản xuất.
Sống cùng với u tuyến giáp ác tính
Trong và sau quá trình điều trị, người có u ác tuyến giáp nên duy trì lối sống lành mạnh như:
- Không hút thuốc
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
- Duy trì hoạt động thể chất phù hợp
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Những thói quen lành mạnh này có thể có tác động tích cực đến sức khỏe của bạn và hỗ trợ hạn chế ung thư tái phát.
U tuyến giáp ác tính kiêng ăn gì?
Bệnh nhân u ác tuyến giáp nên tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng để giúp tăng sức đề kháng và hỗ trợ quá trình điều trị. Người bệnh nên tránh ăn:
- Thực phẩm có chứa nhiều chất béo
- Thực phẩm ngọt, chứa nhiều đường
- Thực phẩm chế biến sẵn
- Bia rượu, cà phê và trà và các sản phẩm từ sữa động vật.
Đặc biệt, nếu bạn điều trị u tuyến giáp ác tính bằng i-ốt phóng xạ, bạn sẽ cần ăn một chế độ ăn ít i-ốt. Chế độ ăn giàu i-ốt có thể làm giảm hiệu quả điều trị của bạn. Bạn nên:
- Tránh tất cả các loại hải sản
- Hạn chế sữa động vật và các chế phẩm từ sữa
- Hạn chế thực phẩm nhiều muối
Người có u ác tuyến giáp nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng để có chế độ ăn phù hợp và tốt nhất cho từng trường hợp cụ thể.
Khi nào bạn nên đi khám?
Bạn nên đi khám, hoặc gọi cấp cứu nếu bạn bị ung thư tuyến giáp và bạn gặp phải:
- Nhịp tim nhanh
- Tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân
- Cực kỳ mệt mỏi
Bài viết đã mang đến cho bạn những thông tin chung về u tuyến giáp ác tính và những câu hỏi liên quan. Ngoài ra, bạn có thể tham gia Cộng đồng Sức khỏe phụ nữ của chúng tôi để thoải mái tâm sự và nhận lời khuyên hữu ích từ các chuyên gia!
[embed-health-tool-ovulation]