Bệnh viêm bờ mi là tình trạng sưng viêm ở khu vực phát triển lông mi và có thể ảnh hưởng đến toàn bộ mí mắt. Tất cả mọi người ở mọi độ tuổi đều có nguy cơ bị viêm bờ mi mắt dưới hoặc trên. Mặc dù vậy, một số thống kê cho thấy người trẻ tuổi có xu hướng bắt gặp triệu chứng này cao hơn so với người cao tuổi.
Theo đánh giá từ nhiều chuyên gia, vấn đề sức khỏe trên thường không gây tổn hại vĩnh viễn đến thị lực. Tuy nhiên, bệnh sẽ khiến mắt bạn bị kích ứng và mí mắt bị đỏ. Tình trạng này khác với bệnh viêm kết mạc (đau mắt đỏ) và không có tính lây truyền.
Tìm hiểu chung
Bệnh viêm bờ mi mắt gồm những dạng nào?
Hiện nay, các chuyên gia phân loại bệnh viêm bờ mi mắt thành hai nhóm chính gồm:
Viêm bờ mi trước
Tình trạng này chủ yếu ảnh hưởng đến viền ngoài mí mắt, thường xảy ra do:
- Tăng tiết bã nhờn liên quan đến vảy da chết
- Nhiễm khuẩn Staphylococcus
Đây cũng là loại viêm bờ mi mắt ở trẻ em thường gặp.
Viêm bờ mi sau
Bệnh viêm bờ mi mắt sau diễn ra khi các tuyến dầu bên trong mí mắt bị tắc nghẽn, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển tại đây, dần dần trở thành viêm. Rối loạn tuyến nhờn bờ mi (tuyến meibomian) là tác nhân chủ yếu đứng sau vấn đề này.
Người bệnh rơi vào trường hợp này thường dễ bị mí mắt trên hoặc mí mắt dưới bị đỏ, nóng rát và khô mắt. Ngoài ra, tầm nhìn cũng gặp khó khăn hơn do thiếu độ ẩm.
Triệu chứng
Các dấu hiệu và triệu chứng viêm bờ mi là gì?
Những triệu chứng viêm bờ mi mắt phổ biến như:
- Cảm giác sưng nhức và nóng rát ở mắt
- Khô mắt
- Ghèn tích tụ ở lông mi và khóe mắt
- Chảy nước mắt nhiều
- Cảm giác có dị vật trong mắt
- Có phần nhạy cảm với ánh sáng
Tùy thuộc vào mức độ phát triển của bệnh mà bạn có thể có một hoặc toàn bộ dấu hiệu viêm bờ mi như trên. Ngoài ra, triệu chứng viêm bờ mi mắt có thể kéo dài liên tục hoặc thường xuyên tái phát. Thêm vào đó, đôi khi bệnh viêm bờ mi còn gây ra chứng rụng lông mi.
Bạn cũng có thể gặp các biểu hiện bất thường khác ở mí mắt mà không được đề cập bên trên. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người không giống nhau. Do đó, tham vấn cùng bác sĩ sẽ giúp bạn tìm ra phương án giải quyết phù hợp và hiệu quả nhất.
>>> Bạn có thể quan tâm: Bệnh viêm giác mạc là gì và có nguy hiểm không?
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây viêm bờ mi là gì?
Thực tế, nguyên nhân gây bệnh viêm bờ mi mắt cụ thể đến nay vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, không ít chuyên gia tin rằng vấn đề sức khỏe này có mối liên hệ mật thiết với một số yếu tố sau,:
- Cơ thể phát sinh phản ứng viêm đối với những vi khuẩn thường cư ngụ trên mí mắt
- Viêm da tiết bã (viêm da dầu) hoặc chứng đỏ mặt (rosacea)
- Nhiễm ký sinh trùng Demodex hoặc virus Herpes simplex (HSV)
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm bờ mi mắt?
Nguy cơ mắc bệnh viêm bờ mi ở một người có thể cao hơn những người khác bởi những yếu tố như:
- Tác dụng phụ của thuốc điều trị
- Rối loạn chức năng tuyến nhờn ở mí mắt
- Có quá nhiều vảy da chết xung quanh mắt, đặc biệt là ở lông mày
- Dị ứng với thành phần trong mỹ phẩm
Mặc dù việc kiểm soát tốt các vấn đề trên không hoàn toàn ngăn chặn được tình trạng viêm bờ mi phát sinh, nhưng nó có thể giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Chẩn đoán và điều trị
Những kỹ thuật y tế dùng trong chẩn đoán viêm bờ mi mắt là gì?
Kiểm tra triệu chứng, bệnh sử cá nhân và tình trạng sức khỏe hiện tại của mắt cũng như mí mắt là bước đầu tiên mà hầu hết bác sĩ đều thực hiện để chẩn đoán tình trạng sức khỏe này. Dựa theo kết quả đánh giá trên, các chuyên gia có thể chỉ định người bệnh làm thêm một số thủ thuật xét nghiệm viêm mí mắt như:
- Khám mắt với đèn khe (slit-lamp) nhằm tìm kiếm các dấu hiệu giúp bác sĩ xác định loại viêm bờ mi đang diễn ra
- Lấy mẫu bệnh phẩm (chất nhờn hoặc ghèn tích tụ trên lông mi) đem đi phân tích chuyên sâu. Kết quả phân tích có thể chỉ ra sự hiện diện của vi khuẩn, nấm mi mắt hoặc chất gây dị ứng khiến các phản ứng viêm xảy ra tại đây.
Bác sĩ sẽ dựa trên kết quả chẩn đoán để xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho từng người bệnh.
Đâu là cách chữa viêm bờ mi mắt hiệu quả?
Hiện nay, bạn có nhiều lựa chọn cho việc điều trị viêm bờ mi mắt. Trong đó, phổ biến nhất là:
Vệ sinh mi mắt bằng thiết bị chuyên dụng
Cách chữa viêm bờ mi mắt này chủ yếu sử dụng thiết bị y tế chuyên dụng nhằm loại bỏ những tác nhân kích thích phản ứng viêm xảy ra tại đây, bao gồm:
- BlephEx: loại bỏ các vi sinh vật gây hại và màng sinh học mà chúng tạo ra từ mí mắt, đồng thời làm thông tuyến nhờn bờ mi bị tắc
- Lipiflow: sử dụng nhiệt và áp suất để làm thông thoáng các tuyến nhờn bị tắc nghẽn ở mi mắt
- Công nghệ IPL (Intense Pulsed Light): sử dụng nguồn ánh sáng xung động với nhiều bước sóng khác nhau để làm thông tuyến meibomian
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, người bệnh còn có thể cần dùng thêm thuốc chữa viêm bờ mi mắt kết hợp với những liệu pháp nhằm nâng cao hiệu quả điều trị.
>>> Bạn có thể quan tâm: Giúp bạn bỏ túi một số biện pháp chữa viêm kết mạc
Bị viêm bờ mi dùng thuốc gì?
Bác sĩ thường kê toa thuốc chữa viêm bờ mi mắt gồm với những loại thuốc gồm:
- Thuốc kháng sinh bôi tại chỗ: thuốc trị viêm bờ mi mắt azithromycin, erythromycin và bacitracin có tác dụng kháng viêm và chống nhiễm trùng
- Thuốc kháng sinh dạng uống: thuốc chữa viêm bờ mi mắt tetracycline, minocycline hoặc doxycycline có thể giúp điều trị viêm mí mắt và cả những người mắc bệnh rosacea
- Corticosteroid: chủ yếu dùng để giảm sưng viêm trong trường hợp những các phương pháp chống viêm khác không đem lại hiệu quả như mong đợi.
Cách chữa viêm bờ mi mắt tại nhà
Bên cạnh những giải pháp điều trị theo tiêu chuẩn y tế trên, đối với trường hợp bệnh nhẹ, bạn cũng có thể lựa chọn một vài cách chữa viêm bờ mi mắt tại nhà như:
Chườm ấm và tẩy tế bào chết trên mí mắt
Tình trạng sưng ở bờ mi có thể được xoa dịu bằng cách chườm ấm và tẩy tế bào chết trên mí mắt. Bạn nên lấy khăn sạch đã nhúng qua nước ấm và vắt khô để chườm lên mắt, sau đó nhẹ nhàng dùng nó để lấy đi những vảy tế bào chết tại đây.
Bổ sung omega-3
Axit béo omega-3 không chỉ có tác dụng kháng viêm mà còn góp phần ổn định chức năng hoạt động của tuyến nhờn bờ mi. Với cách chữa viêm bờ mi mắt tại nhà nhờ bổ sung omega-3, bạn phải đợi ít nhất ba tháng để phát huy tác dụng.
Bạn có thể bổ sung omega-3 cho cơ thể qua thực phẩm hoặc chất bổ sung. Lưu ý tham vấn ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ chế phẩm nào nhé.
Kiêng ăn một số thực phẩm
Một số loại thực phẩm, thức uống sau đây có nguy cơ gây cản trở quá trình điều trị, đồng thời góp phần thúc đẩy viêm bờ mi mắt tiến triển nặng thêm, bao gồm:
- Thực phẩm giàu fructose
- Kem
- Bơ
- Các món nhiều chất béo bão hòa
- Bia, rượu và những thức uống chứa cồn tương tự
Do đó, trong giai đoạn này, bạn nên cắt giảm hoặc tạm thời loại bỏ hẳn những thức uống, thực phẩm trên ra khỏi thực đơn hàng ngày.
Tăng tần suất chớp mắt
Động tác chớp mắt có thể thúc đẩy tuyến nhờn bờ mi hoạt động ổn định. Tuy nhiên, theo thời gian, tần suất chớp mắt của một người sẽ giảm đi đáng kể. Ngoài ra, khi tập trung nhìn vào màn hình máy tính hoặc điện thoại, hầu hết mọi người cũng rất ít khi chớp mắt.
Nhằm khắc phục vấn đề viêm mí mắt dưới hoặc mí trên, các bác sĩ khuyến khích người bệnh nên dành thời gian tập chớp mắt bốn lần mỗi ngày, mỗi lần thực hiện 20 – 30 lần.
Biến chứng
Bệnh viêm bờ mi có nguy hiểm không?
Nhiều người quan ngại rằng viêm bờ mi có nguy hiểm không? Thực tế, viêm bờ mi mắt thường gây khó chịu và cản trở tầm nhìn nhưng về cơ bản, tình trạng sức khỏe này không quá nguy hiểm. Mặc dù vậy, nếu không được điều trị hoặc kiểm soát tốt ngay từ đầu, bệnh có nguy cơ kéo theo một vài biến chứng nghiêm trọng phát sinh.
Tắc tuyến nhờn bờ mi là một trong những yếu tố thường gặp gây nên vấn đề sức khỏe trên. Tuyến meibomian chịu trách nhiệm cấp ẩm cho mắt, đồng thời ngăn nước mắt bay hơi quá nhanh. Do đó, tuyến nhờn bị tắc lâu ngày sẽ dẫn đến khô mắt và một số hệ lụy như viêm kết mạc (đau mắt đỏ) hoặc thậm chí là viêm giác mạc.
>>> Bạn có thể quan tâm: Những dấu hiệu của bệnh về mắt bạn không được bỏ qua
Phòng ngừa
Thói quen sinh hoạt giúp phòng ngừa bệnh viêm bờ mi mắt
Giữ vệ sinh mí mắt sạch sẽ là yếu tố hàng đầu giúp bạn ngăn chặn viêm bờ mi mắt dưới hay mí mắt trên xảy ra. Mục đích của việc này không chỉ là hạn chế tình trạng kích ứng xảy ra tại đây mà còn bao gồm:
- Phòng ngừa vấn đề tắc nghẽn tuyến nhờn bờ mi
- Loại bỏ bã nhờn dư thừa hoặc vảy da chết
Bạn có thể tập một số thói quen tốt trong sinh hoạt thường ngày như sau:
- Rửa mắt ít nhất mỗi ngày hai lần, bao gồm sau khi thức dậy và trước khi đi ngủ
- Hạn chế đưa tay chạm lên mắt, đặc biệt nếu bạn chưa rửa tay
- Không chà xát mí mắt khi biểu hiện ngứa phát sinh
- Cẩn thận tẩy trang cho mắt nếu bạn có trang điểm trong ngày
- Không kẻ mắt quá sát bờ mi
- Hạn chế trang điểm khi đang điều trị để tránh gây kích thích, ảnh hưởng đến hiệu quả chữa trị. Sau khi điều trị thành công, bạn cũng nên thay đổi toàn bộ sản phẩm trang điểm hoặc chăm sóc da liên quan đến mí mắt nhằm giảm thiểu nguy cơ tái nhiễm trùng.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Bài viết trên đây đã giúp bạn giải đáp câu hỏi: “Viêm bờ mi mắt có nguy hiểm không?’ cũng như một số nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị căn bệnh này. Khi tình trạng bệnh không được thuyên giảm sau một khoảng thời gian, bạn nên đi khám bác sĩ nhãn khoa để được điều trị kịp thời trước khi các biến chứng xảy ra nhé!