Ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến thứ năm và là loại ung thư gây tử vong đứng hàng thứ tư trên toàn thế giới (theo số liệu Globocan năm 2020). Trong hai thập kỷ gần đây, tỷ lệ bệnh nhân bị ung thư dạ dày có di căn đã tăng lên hơn 40%. Những số liệu trên phần nào chứng minh được sự nguy hiểm của căn bệnh này.
Vậy, ung thư dạ dày di căn là gì? Phân loại, tiên lượng sống và cách điều trị như thế nào? Mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu thông qua bài viết ngay sau đây nhé!
Ung thư dạ dày di căn là gì?
Ung thư dạ dày di căn (ung thư dạ dày giai đoạn cuối) là tình trạng các khối u ác tính bắt nguồn từ dạ dày đã lan rộng và di căn sang ít nhất một bộ phận khác trên cơ thể. Thông thường, ung thư dạ dày giai đoạn cuối có thể lan rộng ra ngoài dạ dày, đến các hạch bạch huyết lân cận hoặc cũng có thể di căn đến một hoặc nhiều vùng xa trên cơ thể như gan, phúc mạc (niêm mạc bụng hay còn được gọi là lớp màng của khoang bụng), phổi hoặc xương.
Các tế bào ung thư được tìm thấy trong những khu vực này giống hệt với những tế bào ung thư phát triển trong dạ dày, do đó nó vẫn được xem là ung thư dạ dày thay vì một bệnh ung thư riêng biệt tại bộ phận mà chúng phát triển đến.
Phân loại
Ung thư dạ dày có thể lan rộng đến nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể nhưng thường gặp nhất là:
- Ung thư dạ dày di căn hạch: Các hạch bạch huyết gần dạ dày là vị trí đầu tiên mà các tế bào ung thư có thể di căn đến.
- Ung thư dạ dày di căn sang gan: Di căn gan chiếm khoảng 48% trong tổng số các trường hợp và được xác định là một trong những căn bệnh nguy hiểm với tiên lượng xấu. Khoảng 4–14% bệnh nhân ung thư di căn sang gan khi được chẩn đoán lần đầu và thường gặp hơn ở những bệnh nhân lớn tuổi.
- Màng bụng (phúc mạc): Theo thống kê, tỷ lệ ung thư di căn phúc mạc chiếm khoảng 32%. Gan và phúc mạc thường là cơ quan có sự di căn đơn lẻ.
- Phổi: Tỷ lệ di căn sang phổi chỉ chiếm khoảng 15%. Di căn phổi thường xảy ra cùng với di căn gan.
- Xương: Tỷ lệ di căn xương là khoảng 12%.
Triệu chứng
Khi ung thư dạ dày di căn sang các vùng khác trên cơ thể thường xuất hiện một số dấu hiệu đáng chú ý sau đây:
- Đau hoặc khó chịu ở dạ dày
- Phân có máu
- Buồn nôn
- Chướng bụng, khó tiêu hoặc ợ chua
- Ăn mất ngon, chán ăn
- Cảm giác no dù ăn ít
- Khó nuốt
- Sụt cân bất thường
- Mệt mỏi
- Suy nhược cơ thể
Các triệu chứng khác có thể xuất hiện tùy thuộc vào cơ quan trên cơ thể mà khối u đã di căn đến. Ví dụ, nếu gan bị ảnh hưởng, tình trạng vàng da có thể xảy ra. Nếu phổi bị ảnh hưởng, khó thở, thở gấp hoặc ho dai dẳng có thể là triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải. Vì tất cả các triệu chứng này cũng có thể do một bệnh lý khác phổ biến hơn gây ra nên bệnh nhân cần thăm khám sớm để được chẩn đoán một cách chính xác nhất.
Ung thư dạ dày di căn sống được bao lâu?
Theo thống kê của Globocan, năm 2020, Việt Nam ghi nhận 17.906 ca mắc mới ung thư dạ dày; 14.615 ca tử vong vì căn bệnh này. Ung thư dạ dày di căn sống được bao lâu còn tùy thuộc vào giới tính và tuổi tác của bệnh nhân, giai đoạn bệnh, vị trí và mức độ di căn của khối u.
Tiên lượng sống của bệnh nhân khá kém bởi đây đã là giai đoạn cuối của bệnh. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở giai đoạn này chỉ còn 6%. Theo đó, các nhà nghiên cứu ước tính thời gian sống trung bình của các bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn cuối là khoảng 3 tháng. Đặc biệt, đối với những trường hợp khi khối u đã di căn đến xương và gan thì bệnh nhân chỉ có thể sống thêm khoảng 2 tháng kể từ khi được chẩn đoán.
Các phương pháp điều trị
Thật không may, bệnh ung thư dạ dày khi đã tiến triển đến giai đoạn này thường không thể chữa khỏi. Nhưng, việc chữa ung thư dạ dày giai đoạn cuối có thể giúp kiểm soát bệnh, làm giảm nhẹ các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống, cũng như kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
Các lựa chọn điều trị ung thư dạ dày di căn có thể bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc kết hợp nhiều phương pháp điều trị lại với nhau nhằm mang đến kết quả tốt nhất. Lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, kích thước và vị trí của các khối u, cũng như tiền sử bệnh của gia đình.
- Phẫu thuật: Một số loại phẫu thuật giảm nhẹ, chẳng hạn như cắt bỏ dạ dày (1 phần hoặc toàn bộ dạ dày) nhằm mục đích giữ cho dạ dày và ruột không bị tắc nghẽn, đồng thời kiểm soát tình trạng chảy máu dạ dày và giảm bớt các triệu chứng tiêu hóa nghiêm trọng khác.
- Hóa trị: Hóa trị đơn độc, hóa trị kết hợp với liệu pháp miễn dịch hoặc hóa trị kết hợp với xạ trị nhằm mục đích kiểm soát sự phát triển của khối u. Đối với những người bệnh có HER2 dương tính, thuốc trastuzumab nhắm mục tiêu có thể được sử dụng. Một phương án khác cũng thường được cân nhắc là dùng thuốc trastuzumab cùng với hóa trị và thuốc điều trị miễn dịch, pembrolizumab.
- Xạ trị có thể được sử dụng như một liệu pháp giảm nhẹ để cầm máu, giảm đau hoặc thu nhỏ khối u đang chèn ép dạ dày.
- Liệu pháp laser endoluminal hoặc đặt stent endoluminal có thể được dùng để giảm tắc nghẽn trong dạ dày.
- Tham gia các thử nghiệm lâm sàng về liệu pháp nhắm mục tiêu, với regoragenib và nivolumab.
- Thử nghiệm lâm sàng về sự kết hợp giữa liệu pháp miễn dịch và hóa trị liệu.
Điều trị ung thư dạ dày di căn có thể dẫn đến việc bệnh nhân khó ăn và không nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng. Bác sĩ có thể hỗ trợ bằng cách đặt ống dẫn thức ăn cho bệnh nhân. Nếu chỉ cần dùng trong thời gian ngắn, một ống mỏng có thể đi qua mũi họng và xuống dạ dày, ruột. Nếu cần đặt ống dẫn thức ăn trong thời gian dài hơn, một thủ thuật nhỏ có thể được thực hiện để đặt ống thông dạ dày thông qua da bụng và vào phần dưới của dạ dày hoặc ruột non. Chất dinh dưỡng lỏng sau đó có thể được đưa trực tiếp vào ống để nuôi cơ thể bệnh nhân.
Hy vọng thông qua bài viết trên đây, bạn đã có thêm những hiểu biết nhất định về căn bệnh nguy hiểm này. Hãy thăm khám sức khỏe định kỳ thường xuyên, duy trì chế độ sinh hoạt và ăn uống lành mạnh để bảo vệ sức khỏe bản thân nhé!
[embed-health-tool-bmi]