Trẻ bị táo bón cần bổ sung đủ lượng nước mỗi ngày, ăn chất xơ từ rau xanh có tính chất nhuận tràng như rau đay, mồng tơi, khoai lang, hạn chế ăn cà rốt, ổi, hồng xiêm.
Chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong phục hồi và giúp trẻ phòng tình trạng táo bón kéo dài. Lượng nước trẻ cần trong một ngày, cụ thể: Trẻ em 1-10 kg, nhu cầu về nước là 100 ml/kg. Trẻ em 11-20 kg, nhu cầu nước là 1.000 ml/ngày và cộng thêm 50 ml/kg mỗi 10 kg tăng trưởng ở trẻ em.
Trẻ em từ 21 kg trở lên, cách tính nhu cầu nước là 1.500.ml/ngày và cộng thêm 20 ml/kg trong mỗi 20 kg cân nặng tăng trưởng của trẻ.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ táo bón cần đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng theo lứa tuổi. Chú ý bổ sung đủ chất xơ từ rau xanh và các loại hoa quả giàu chất xơ, các thực phẩm có tính chất nhuận tràng như rau đay, mồng tơi, rau dền, rau khoai lang, củ khoai lang, đu đủ, thanh long, chuối, cam, bưởi, quýt… Ăn vừa đủ các loại thịt. Hạn chế ăn cà rốt, ổi, hồng xiêm…
Ngoài ra, cha mẹ bổ sung thêm probiotics (lợi khuẩn) khi điều trị táo bón cho trẻ. Các thực phẩm lên men là nguồn cung cấp probiotics tốt trong chế độ ăn của trẻ. Đó là chế phẩm giàu lợi khuẩn từ sữa như sữa chua, phô mai, và các thực phẩm lên men khác như kefir, đậu tương lên men (Miso, tempeh )…. Ngoài ra còn có các sản phẩm bổ sung là các loại men vi sinh, cần sử dụng theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Táo bón là một tình trạng rối loạn tiêu hóa thường gặp ở trẻ em. Nguyên nhân gây táo bón rất đa dạng, trong đó nguyên nhân chức năng chiếm 90-95%. Táo bón chức năng là tình trạng táo bón khi đã loại trừ các nguyên nhân thực thể về giải phẫu, tổ chức sinh hóa học, chỉ còn chức năng ống tiêu hóa chưa hoàn thiện.
Theo tiêu chuẩn ROME III, táo bón chức năng được xác định khi không có nguyên nhân thực thể gây táo bón và có ít nhất 2 trong 6 tiêu chuẩn sau: Đi ngoài dưới 2 lần một tuần; Són phân ít nhất một lần một tuần sau khi đã biết đi vệ sinh; Tiền sử nhịn đi ngoài hoặc ứ phân quá mức một cách tự ý; Tiền sử đi phân cứng hoặc đau khi đi ngoài; Có khối phân lớn trong trực tràng; Tiền sử đi phân khuôn kích thước lớn
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra táo bón chức năng do trẻ chưa hoàn thiện cơ chế bài xuất phân. Chế độ ăn thiếu chất xơ, ăn quá nhiều đạm, dị ứng sữa, uống ít nước… Trẻ còi xương, do sử dụng thuốc như kháng sinh… Bắt đầu tuổi đi học, trẻ tự sử dụng nhà vệ sinh, sợ đi ngoài không thoải mái, sợ không xin phép cô giáo dẫn đến nhịn đi ngoài. Ngoài ra, bệnh còn do các yếu tố tâm lý giáo dục như căng thẳng; do điều kiện sống, vệ sinh.
Táo bón chức năng nếu không được theo dõi và điều trị hợp lý, tình trạng bệnh có thể kéo dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, phát triển thể chất và chất lượng cuộc sống của trẻ.
Bác sĩ Hoàng Thị Hằng
Viện Dinh dưỡng Quốc gia