Viêm cổ tử cung là một bệnh nhiễm trùng đường sinh dục gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của phụ nữ. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng gây khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, có một chế độ ăn giúp hỗ trợ sự hồi phục của cổ tử cung cũng rất quan trọng. Vậy khi bị viêm cổ tử cung nên ăn gì?
Hãy cùng Sức khỏe tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Viêm cổ tử cung nên ăn gì: Sữa chua
Sữa chua chứa nhiều men vi sinh vật có lợi cho cơ thể. Các lợi khuẩn này có tác dụng cân bằng hệ vi sinh vật trong cơ thể, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn có lợi phát triển. Qua đó các vi khuẩn gây bệnh viêm cổ tử cung sẽ bị ức chế, hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.
2. Bí ngô
Bí ngô có nhiều beta-carotene, một chất chống oxy hóa khi đưa vào cơ thể sẽ trở thành vitamin A. Nó làm cho hệ thống miễn dịch mạnh mẽ, giúp cải thiện tình trạng nhiễm trùng và làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung.
Beta-carotene tạo màu sắc cho bí, vì vậy bạn cũng có thể tìm các loại rau, quả màu vàng hoặc cam khác để bổ sung beta-carotene vào chế độ ăn uống của mình. Nói chung, thực phẩm càng có màu sắc rực rỡ thì càng có nhiều beta-carotene.
3. Viêm cổ tử cung nên ăn gì: Bông cải xanh
Vitamin B9 (hay folate) có trong bông cải xanh là dưỡng chất quan trọng đối với hệ thống sinh sản của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Loại rau này còn chứa nhiều vitamin C giúp tăng cường chức năng hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, kaempferol – một chất flavonoid trong bông cải xanh có tác dụng chống viêm hiệu quả.
4. Ớt chuông
Không chỉ các loại cam, chanh, bưởi mà ngay cả ớt chuông cũng dồi dào vitamin C. Chất chống oxy hóa này có tác dụng mạnh trong việc chữa nhiễm trùng, duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh và ngăn ngừa virus HPV xâm nhập âm hộ làm ảnh hưởng sức khỏe tử cung.
5. Cải bó xôi
Giống như vitamin C, vitamin E cũng có đặc tính chống oxy hóa được cho là giúp cơ thể khỏe mạnh. Cải bó xôi chứa nhiều vitamin E, là một lựa chọn tuyệt vời cho sức khỏe phụ nữ. Bạn có thể hấp cải bó xôi với trứng để cơ thể hấp thụ tốt hơn các chất dinh dưỡng của rau.
6. Viêm cổ tử cung nên ăn gì: Tỏi
Tỏi được tìm thấy trong hầu hết các nền ẩm thực trên thế giới khi nó đánh thức vị giác và khứu giác của người thưởng thức. Không chỉ vậy, tỏi còn có nồng độ cao các hợp chất chứa lưu huỳnh như allicin, giúp tăng cường miễn dịch và chống nhiễm trùng hiệu quả.
7. Trà xanh
Trà xanh và trà đen đều chứa nhiều flavonoid – một loại chất chống oxy hóa. Tuy nhiên, trà xanh thực sự vượt trội ở nồng độ epigallocatechin gallate (EGCG) – một chất chống oxy hóa mạnh khác.
Trong các nghiên cứu, EGCG đã được chứng minh là có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch. Quá trình lên men của trà đen sẽ phá hủy rất nhiều EGCG. Mặt khác, trà xanh được hấp và không lên men nên EGCG được giữ nguyên.
Trà xanh cũng là nguồn cung cấp axit amin L-theanine dồi dào. L-theanine giúp hỗ trợ sản xuất các hợp chất chống vi trùng trong hệ miễn dịch của cơ thể.
8. Viêm cổ tử cung nên ăn gì: Hạt hướng dương
Hạt hướng dương có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể như phốt pho, magiê, vitamin B6 và vitamin E. Trong đó, vitamin E đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều chỉnh và duy trì chức năng của hệ thống miễn dịch. Các loại thực phẩm khác có lượng vitamin E cao bao gồm bơ và rau màu xanh đậm.
Thói quen sinh hoạt giúp ngừa viêm cổ tử cung
Các thói quen sau sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiếp bệnh bên cạnh việc tìm hiểu và áp dụng viêm cổ tử cung nên ăn gì:
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám đều đặn
- Giữ vùng kín sạch sẽ: tránh thụt rửa sâu hoặc dùng sản phẩm vệ sinh có tính tẩy mạnh
- Tránh kích ứng âm đạo bằng tampon, băng vệ sinh có mùi thơm
- Sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp an toàn khác để tránh lây nhiễm bệnh qua đường tình dục
Viêm cổ tử cung có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV khi phụ nữ quan hệ tình dục không an toàn. Nó cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến chức năng sinh sản nếu không được điều trị kịp thời. Hãy kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh kèm theo các chỉ dẫn về sinh hoạt để có kết quả tốt nhất bạn nhé.
[embed-health-tool-ovulation]