Tuy là một bệnh răng miệng phổ biến ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là nguyên nhân gây mất răng hàng đầu ở người trưởng thành, viêm nha chu có chữa được không vẫn là một thắc mắc khiến nhiều người lo lắng.
Viêm nha chu có chữa được không, cách điều trị căn bệnh này ra sao, khi nào thì còn chữa được? Mời bạn cùng tìm hiểu những câu hỏi quan trọng này qua những thông tin mà Sức khỏe tổng hợp được trong bài viết dưới đây.
Bạn đã biết gì về bệnh viêm nha chu?
Trước khi trả lời câu hỏi viêm nha chu có chữa được không, bạn đọc cần nắm rõ một số kiến thức cơ bản về bệnh.
Viêm nha chu là giai đoạn sau, nghiêm trọng hơn của bệnh nha chu, sau giai đoạn viêm nướu chân răng nhưng không được điều trị. Khi bị viêm nha chu, các mô nha chu bao gồm nướu, dây chằng nha chu (nằm đệm giữa chân răng và xương ổ răng, nâng đỡ và liên kết răng dính với xương hàm) và xương ổ răng bị tình trạng viêm phá hủy dần dần, dẫn đến hậu quả nặng nhất là răng lung lay và mất răng vĩnh viễn. Về lâu dài, việc mất răng làm cho các răng bên cạnh dịch chuyển, gây sai khớp cắn, ảnh hưởng khả năng ăn uống và thẩm mỹ.
Nguyên nhân gây viêm nha chu
Nguyên nhân gây viêm nha chu trực tiếp nhất vẫn là do vệ sinh răng miệng không tốt. Trong khoang miệng mỗi người luôn tồn tại rất nhiều vi khuẩn sống nhờ vào thức ăn thừa bám trên răng, niêm mạc miệng, nước bọt… Chúng tạo thành các mảng bám vô hình bao quanh răng. Việc vệ sinh răng miệng qua loa làm cho mảng bám ngày càng nhiều, thêm sự khoáng hóa do nước bọt sẽ hóa cứng thành cao răng (vôi răng), thường có màu trắng ngà (giai đoạn đầu) hoặc xám đen (giai đoạn sau khi máu viêm thấm vào lớp cao răng).
Khởi đầu bệnh nha chu, nướu răng bị viêm khi mảng bám và cao răng là những ổ chứa vi khuẩn len lỏi xuống bên dưới nướu bao quanh các chân răng. Bạn nhận ra mình bị viêm nướu chân răng khi:
- Nướu có màu đỏ, sưng, không ôm sát vào chân răng
- Nướu thường xuyên bị chảy máu khi đánh răng, dùng chỉ nha khoa hoặc nhai thức ăn cứng
Dù có thể dễ dàng được chữa khỏi bằng các biện pháp làm sạch chuyên sâu của nha sĩ, viêm nướu răng có thể bị phớt lờ do không gây đau và người bệnh nhầm lẫn với những nguyên nhân gây chảy máu chân răng khác. Tình trạng viêm cứ thể tiếp diễn, cùng với sự tích tụ ngày càng nhiều của vi khuẩn trong cao răng, dẫn đến sự phá hủy các mô nha chu, tức là chuyển sang giai đoạn viêm nha chu.
Dấu hiệu cho thấy bạn bị viêm nha chu
Câu hỏi viêm nha chu có chữa được không là nỗi lo của những ai đang nhận thấy răng nướu có các bất thường sau đây:
- Viêm nướu ngày càng tệ hơn, thể hiện qua màu sắc không đồng nhất, không săn chắc, không ôm sát vào răng và rất dễ chảy máu
- Nướu có thể bị đau khi chạm vào hoặc khi nhai, đôi khi nhấn vào thấy có dịch vàng hoặc mủ chảy ra
- Hơi thở có mùi rất khó chịu
- Nướu ngày càng tụt thấp làm cho thân răng trông dài ra, đồng thời khe hở giữa các răng ngày càng rộng
- Đến một lúc nào đó, răng bắt đầu lung lay.
Ngoài việc giữ gìn vệ sinh răng miệng không tốt, những yếu tố sau cũng khiến bạn dễ bị viêm nha chu hơn:
- Chế độ dinh dưỡng kém
- Hút hoặc nhai thuốc lá
- Thay đổi nội tiết tố do thai kỳ hoặc mãn kinh
- Có sức đề kháng kém do HIV, điều trị ung thư, bệnh bạch cầu…
- Dùng thuốc điều trị có tác dụng phụ gây khô miệng, ảnh hưởng đến nướu
- Bị tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn…
Viêm nha chu có chữa được không? Các bước điều trị viêm nha chu
Đối với câu hỏi “viêm nha chu có chữa được không?”, bạn có thể yên tâm là có thể chữa được. Với trình độ nha khoa hiện nay, các nha sĩ hoàn toàn có thể điều trị viêm nha chu để giữ lại răng tự nhiên, ngăn chặn và khắc phục các thiệt hại do bệnh gây ra.
Chẩn đoán xác định tình trạng viêm nha chu
Để điều trị, trước hết bác sĩ cần thực hiện những kiểm tra sau để xác định bạn có bị viêm nha chu hay không, mức độ bệnh và những tác động đã gây ra cho răng, nướu và hàm:
- Kiểm tra tổng quan tình trạng răng và nướu, cao răng, nướu viêm sưng, dễ chảy máu, tụt nướu…
- Làm vệ sinh cơ bản bề mặt răng, lấy cao răng khỏi nướu và bắt đầu thăm khám dưới nướu, dò độ sâu túi nha chu của các răng. Túi nha chu là khe hở giữa nướu và bề mặt chân răng, sâu từ 1 – 3 mm khi răng nướu khỏe mạnh. Viêm nha chu phá hủy mô làm túi phát triển sâu rộng hơn, trở thành ổ viêm chứa đầy vi khuẩn, chất bẩn.
- Những vị trí có dấu hiệu bị tiêu xương ổ răng sẽ được chụp X-quang.
Dựa trên các thăm khám trên đây, tình trạng sức khỏe và các yếu tố nguy cơ khác (nếu có), bác sĩ sẽ đánh giá giai đoạn và cấp độ viêm nha chu để có lựa chọn điều trị phù hợp.
Điều trị viêm nha chu như thế nào?
Các kỹ thuật điều trị viêm nha chu đều nhằm 2 mục đích:
- “Dọn sạch” ổ viêm bên trong các túi nha chu để ngăn chặn sự phá hủy tiếp diễn, khuyến khích mô nướu phát triển trở lại bám sát vào răng.
- Phục hình mô nướu và xương hàm nếu cần thiết
Bác sĩ sẽ dùng cách tối ưu nhất để giữ lại các răng lung lay nhưng còn đủ liên kết để giúp chúng vững chắc trở lại.
Điều trị viêm nha chu giai đoạn nhẹ – làm sạch chuyên sâu:
- Làm sạch mảng bám, lấy vôi răng bằng dụng cụ hoặc thiết bị siêu âm (được ưu tiên để giúp bệnh nhân thấy thoải mái và an toàn cho bề mặt răng nướu hơn)
- Bề mặt chân răng bị đã bị phá hủy bởi viêm và vi khuẩn được mài cho sạch, để nướu có thể bám trở lại vào chân răng
- Sau cùng, bạn sẽ được chỉ định nước súc miệng có chất kháng sinh, đặt kháng sinh vào túi nha chu hoặc kê thêm kháng sinh uống để diệt sạch vi khuẩn
Bạn hãy yên tâm mình sẽ được gây tê để không cảm thấy đau đớn trong lúc bác sĩ thao tác.
Cần tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ về việc giữ vệ sinh răng miệng tại nhà, bỏ thuốc lá và điều trị bệnh nền (nếu có) để điều trị viêm nha chu đạt kết quả tốt.
Điều trị viêm nha chu giai đoạn nặng – kỹ thuật xâm lấn:
- Bác sĩ rạch một đường vừa đủ trên nướu để tiếp cận chân răng, vệ sinh hiệu quả túi nha chu bị viêm sâu.
- Phần xương ổ răng bị viêm và hư hỏng được làm sạch, tạo hình lại trước khi vết thương được khâu lại.
- Nếu bạn bị tụt nướu gây hở chân răng đáng kể, bác sĩ sẽ dùng mô từ chính cơ thể bạn (ví dụ niêm mạc vòm họng) hoặc vật liệu sinh học tương tự như mô ghép vào để tái tạo nướu, để bảo vệ chân răng và phục hồi thẩm mỹ cho hàm răng.
- Nếu viêm nha chu đã làm tiêu xương ổ răng đáng kể, một loại vật liệu tương tự xương sẽ được đắp vào để củng cố chân răng và tạo cấu trúc khuyến khích cơ thể tái tạo xương hàm trở lại. Một vật liệu đặc biệt có thể được lót vào để ngăn mô nướu phát triển lấn xuống nơi cần tái tạo xương.
- Một kỹ thuật cao cấp hơn sử dụng một loại protein đặc biệt được tìm thấy trong men răng giai đoạn đang phát triển, cấy vào chân răng để kích thích cơ thể tự tái tạo xương, dây chằng nha chu và nướu.
Viêm nha chu – phòng bệnh hơn chữa bệnh
Đến đây bạn đã có đáp án cho câu hỏi viêm nha chu có chữa được không. Dù vậy, mỗi người được khuyến khích chăm sóc răng miệng thật tốt để tránh những phiền toái, âu lo do viêm nha chu và rủi ro mất đi những chiếc răng thật quý giá.
Giữ vệ sinh răng miệng cơ bản không cần phức tạp
- Đánh răng tối thiểu 2 lần mỗi ngày, sau khi ăn sáng và trước giấc ngủ đêm. Nếu tốt hơn, bạn nên đánh răng sau mỗi bữa chính và hạn chế để thức ăn vặt (đặc biệt là những món nhiều đường hoặc tinh bột) lưu lại trong miệng suốt cả ngày.
- Có thể ăn vặt bằng những món giàu chất xơ như rau củ để giúp “quét dọn” thức ăn thừa bám dính vào răng tốt hơn.
- Sử dụng bàn chải lông mềm và hình dáng đầu bàn chải phù hợp để chải sạch các bề mặt răng và những vị trí thường bị chải qua loa.
- Nếu bạn đang đeo dụng cụ chỉnh nha hoặc răng sắp xếp theo cách khó vệ sinh, nên tham khảo bác sĩ cách vệ sinh răng nướu sạch sẽ. Có thể cân nhắc dùng bàn chải điện hoặc tăm nước.
- Nên dùng chỉ nha khoa để lấy thức ăn kẹt giữa khe răng thay vì dùng tăm, để đảm bảo làm sạch và bảo vệ răng nướu tốt hơn.
- Nếu bác sĩ có đề xuất, hãy dùng nước súc miệng để ngăn ngừa mảng bám.
- Cần thăm khám răng miệng định kỳ theo hẹn hoặc ít nhất 1 lần/năm để được kiểm tra và làm sạch răng nướu toàn diện.
- Không hút hoặc nhai thuốc lá
Như vậy, viêm nha chu có chữa được không? Câu trả lời là có thể chữa được, tuy nhiên tiên lượng tùy thuộc vào độ trầm trọng của tình trạng viêm nha chu khi đến thăm khám với bác sỹ. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn không nên chủ quan. Nếu có những dấu hiệu viêm nướu hay viêm nha chu, bạn cần đến nha sĩ để được điều trị kịp thời. Ngoài tiết kiệm chi phí, can thiệp sớm giúp giữ gìn được tốt nhất vẻ tự nhiên ban đầu và sự chắc khỏe của hàm răng.