Viêm phế quản uống thuốc gì là thắc mắc của rất nhiều người. Hầu hết các trường hợp viêm phế quản có thể tự khỏi trong vòng 2 tuần mà không cần dùng thuốc. Thực chất không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm phế quản cấp. Vì vậy, nếu cần thiết, bác sĩ có thể kê đơn cho bệnh nhân những loại thuốc giúp làm giảm các triệu chứng đang gặp phải. Ngoài ra, có nhiều cách điều trị viêm phế quản tại nhà hiệu quả khác mà bạn có thể áp dụng.
Thông tin về thuốc điều trị viêm phế quản và các phương pháp điều trị căn bệnh thường gặp này tại nhà luôn thu hút nhiều sự quan tâm của mọi người. Mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu và khám phá trong bài viết này nhé!
Viêm phế quản uống thuốc gì? Các loại thuốc điều trị viêm phế quản phổ biến
Thông thường, tình trạng viêm phế quản có thể kéo dài từ 7 đến 14 ngày, gây ra các triệu chứng như ho có đờm, khó thở, thở khò khè, sốt, đau nhức,…Việc điều trị viêm phế quản thường là dùng thuốc để cải thiện các triệu chứng của bệnh. Vậy, viêm phế quản uống thuốc gì?
1. Viêm phế quản uống thuốc gì? Thuốc ho không kê đơn
Nếu cơn ho do bệnh viêm phế quản gây mệt mỏi, khó ngủ thì bạn có thể cân nhắc sử dụng thuốc giảm ho không kê đơn. Tuy nhiên, thuốc ho không có tác động lên màng nhầy khi phế quản bị viêm nên không được dùng trong điều trị ho có đờm. Thay vào đó, thuốc được sử dụng với mục đích nhằm ức chế cơn ho và chỉ nên dùng trong điều trị ho khan nghiêm trọng với thời gian tối đa 2 tuần.
Có 2 loại thuốc ho đang được nghiên cứu sử dụng trong điều trị viêm phế quản nhưng kết quả vẫn chưa thật rõ ràng, bao gồm:
- Codeine: Thuốc điều trị giảm ho này được sử dụng cho người lớn, thanh thiếu niên hoặc trẻ em trên 12 tuổi. Trẻ em dưới 12 tuổi, phụ nữ có thai và các bà mẹ đang cho con bú không nên sử dụng loại thuốc này.
- Dextromethorphan: Loại thuốc này có thể làm dịu phần nào cơn ho liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp trên ở người lớn. Tuy nhiên, những người bị bệnh phổi như hen suyễn hoặc COPD thì không nên dùng dextromethorphan. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm chóng mặt và các vấn đề về tiêu hóa.
Cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe (MHRA) ở Anh đã khuyến cáo rằng không nên cho trẻ em dưới 6 tuổi dùng thuốc ho không kê đơn. Trẻ em từ 6 đến 12 tuổi chỉ nên sử dụng thuốc ho theo chỉ định của bác sĩ hoặc dược sĩ. Để thay thế cho thuốc ho không kê đơn, bạn hãy thử tự làm hỗn hợp nước chanh pha với mật ong và uống để làm dịu cơn đau họng, giảm ho.
2. Thuốc chống viêm không steroid
Viêm phế quản uống thuốc gì? Nếu bạn có những dấu hiệu viêm phế quản như nhức đầu, sốt cao hay đau nhức toàn thân thì có thể sử dụng các loại thuốc chống viêm không steroid có chứa các hoạt chất như ibuprofen hoặc aspirin để giảm sốt và giảm đau nhức.
Tuy nhiên, ibuprofen không được khuyến khích nếu bệnh nhân bị hen suyễn. Tuyệt đối không cho trẻ em uống aspirin vì nó có thể gây ra tác dụng phụ là hội chứng Reye, làm ảnh hưởng đến gan và não.
3. Thuốc làm giãn phế quản dạng hít
Trong trường hợp bệnh nhân gặp phải các triệu chứng như thở khò khè, khó thở thì bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc điều trị viêm phế quản được gọi là thuốc giãn phế quản. Thuốc giúp làm làm loãng chất nhầy trong phổi và đào thải chúng ra ngoài, để đường thở luôn thông thoáng. Loại thuốc này thường được dùng dưới dạng ống hít hoặc dạng viên nén. Một ống hít sẽ giúp phun thuốc trực tiếp vào các phế quản trong phổi của bạn.
4. Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh thường không được kê đơn cho bệnh nhân bị viêm phế quản vì thuốc có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, trong khi đó bệnh thường do virus gây ra. Việc kê đơn thuốc khi không cần thiết có thể gây nên tình trạng lờn thuốc.
Viêm phế quản uống thuốc gì? Thuốc kháng sinh chỉ được chỉ định trong trường hợp nếu bệnh nhân bị bệnh viêm phế quản do vi khuẩn gây ra. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ chỉ kê đơn thuốc kháng sinh nếu bạn có nhiều nguy cơ mắc phải các biến chứng nghiêm trọng hơn của bệnh, chẳng hạn như viêm phổi.
Thuốc kháng sinh cũng có thể được khuyên dùng trong các trường hợp sau đây:
- Trẻ sinh non
- Người già trên 80 tuổi
- Những người có tiền sử bệnh tim, phổi, thận hoặc gan
- Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu
- Những người bị xơ nang
Việc kê đơn thuốc kháng sinh cho bệnh nhân viêm phế quản thường nằm trong một liệu trình kéo dài 5 ngày, với các thuốc chứa hoạt chất amoxicillin hoặc doxycycline. Tác dụng phụ của những loại thuốc này bao gồm cảm giác buồn nôn, ốm yếu và tiêu chảy.
Các cách điều trị viêm phế quản tại nhà
Bạn đừng chỉ quan tâm đến việc “Viêm phế quản uống thuốc gì?” bởi trong hầu hết các trường hợp, viêm phế quản sẽ tự khỏi trong khoảng 2 tuần mà không cần phải dùng thuốc. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng thêm một số cách điều trị viêm phế quản tại nhà dưới đây để làm dịu nhanh các triệu chứng bệnh:
- Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi đầy đủ sẽ giúp cơ thể bạn có thêm năng lượng để chống lại các tác nhân gây bệnh. Bạn sẽ sớm cảm thấy dễ chịu hơn nếu dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi.
- Uống nhiều nước: Phương pháp này ngăn ngừa tình trạng mất nước và hỗ trợ làm loãng chất nhầy trong phổi, giúp bạn ho và tống xuất đờm dễ hơn.
- Bỏ thuốc lá: Nếu bạn hút thuốc, cách trị viêm phế quản tốt nhất là bỏ thuốc lá. Hút thuốc làm tổn thương phế quản và làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, đồng thời cũng làm chậm quá trình điều trị bệnh.
- Tránh xa các chất kích thích phổi: Đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm hoặc các chất gây kích ứng phổi.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm: Không khí ẩm, ấm sẽ giúp giảm ho và làm loãng chất nhầy trong đường thở. Tuy nhiên, bạn đừng quên vệ sinh máy tạo độ ẩm thường xuyên để tránh sự phát triển của vi khuẩn, nấm mốc làm ảnh hưởng đến hệ hô hấp.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng: Đây là cách giúp bạn tiêu diệt virus lây nhiễm, ngăn ngừa các triệu chứng viêm phế quản hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm:
Chữa viêm phế quản bằng rau diếp cá có hiệu quả không?
Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đã có cho mình câu trả lời về vấn đề viêm phế quản uống thuốc gì. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự áp dụng các cách trị viêm phế quản tại nhà để kiểm soát các triệu chứng của bệnh và cảm thấy đỡ khó chịu hơn.
[embed-health-tool-bmi]