Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm trào ngược dạ dày để xác định chẩn đoán của mình, cũng như kiểm tra các biến chứng có thể xảy ra.
Trào ngược dạ dày có lẽ là tình trạng rất quen thuộc với bất cứ ai. Bệnh xảy ra khi axit dạ dày chảy ngược vào ống thực quản (ống nối giữa miệng và dạ dày). Khi axit trào ngược sẽ kích thích niêm mạc thực quản.
Hầu như bất cứ ai cũng từng một lần trong đời bị trào ngược axit. Đối với các trường hợp nhẹ, bạn chỉ cần thay đổi lối sống để kiểm soát bệnh. Ngược lại, với những tình trạng nghiêm trọng, bạn cần đến gặp bác sĩ để làm các xét nghiệm trào ngược dạ dày nhằm điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Những triệu chứng trào ngược dạ dày phổ biến
Trào ngược dạ dày có thể gây ra rất nhiều triệu chứng. Tuy nhiên, một số triệu chứng trào ngược dạ dày phổ biến có thể giúp bạn dễ dàng nhận ra bệnh như:
- Cảm giác nóng như lửa đốt trong ngực (ợ nóng), thường xảy ra sau khi ăn và nghiêm trọng hơn vào buổi tối
- Đau ngực
- Khó nuốt
- Trào ngược thức ăn hoặc dịch chua
- Cảm giác khó nuốt trong cổ họng
Nếu bị trào ngược axit vào ban đêm, bạn có thể mắc các triệu chứng sau:
- Ho mạn tính (ho kéo dài)
- Viêm thanh quản
- Xuất hiện tình trạng hen phế quản hoặc bệnh nặng hơn
- Giấc ngủ bị gián đoạn
Đặc biệt, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay nếu bị đau ngực, kèm theo thở nông, đau hàm hoặc cánh tay. Đây có thể là những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh đau tim.
Quá trình chẩn đoán và xét nghiệm trào ngược dạ dày
Nếu bạn bị ợ nóng hoặc trào ngược axit, bạn có thể bị bệnh trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, bạn không nên tự ý “bắt bệnh” và điều trị tại nhà, mà hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra. Thực tế, các triệu chứng phổ biến của trào ngược dạ dày, như đau ngực, cũng có thể do các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác gây ra.
Bước đầu chẩn đoán, bác sĩ sẽ khám sức khỏe bằng cách hỏi bạn về các vấn đề sức khỏe bạn đang có và bệnh sử. Họ cũng sẽ hỏi về các thực phẩm bạn ăn và khi nào triệu chứng bệnh xuất hiện.
Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị bệnh trào ngược dạ dày, họ sẽ điều trị cho bạn. Tuy nhiên, nếu phương pháp điều trị này không hiệu quả hoặc bạn có các triệu chứng khác, bác sĩ sẽ đề nghị làm các xét nghiệm trào ngược dạ dày để tìm ra gốc rễ vấn đề.
Các xét nghiệm này bao gồm:
- Nội soi dạ dày: Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi mỏng có gắn một đầu thu hình ảnh nhỏ vào cổ họng để kiểm tra bên trong thực quản và dạ dày. Bạn có thể có kết quả nội soi bình thường cho dù có trào ngược axit, nhưng nội soi có thể phát hiện viêm thực quản và các biến chứng khác. Bác sĩ cũng dùng nội soi để lấy mẫu mô (trong sinh thiết) để kiểm tra các biến chứng, như bệnh Barrett thực quản.
- Thử nghiệm thăm dò axit ambulatory (pH): Bác sĩ sẽ đặt một đầu thu hình ảnh nhỏ trong thực quản để xác định thời điểm xảy ra trào ngược dạ dày và thời gian kéo dài của bệnh. Đầu thu này là một ống mỏng, có thể di chuyển qua mũi xuống thực quản. Nó cũng có thể là một đầu thu hình ảnh nhỏ được đặt tại thực quản trong quá trình nội soi và sẽ ra ngoài theo phân khoảng 2 ngày sau đó. Màn hình sẽ kết nối với một máy nhỏ mà bạn đeo trên người.
- Đo áp lực thực quản: Xét nghiệm này sẽ đo các cơn co thắt cơ nhịp nhàng trong thực quản khi bạn nuốt. Đo áp lực thực quản cũng đánh giá được khả năng phối hợp và lực tác động của các cơ thực quản.
- Chụp X-quang hệ tiêu hóa trên: Trước khi chụp X-quang, bác sĩ sẽ cho bạn uống chất cản quang để giúp hiện rõ lớp niêm mạc đường tiêu hóa trên màn hình. Từ đó, bác sĩ có thể nhìn thấy rõ thực quản, dạ dày và ruột trên của bạn. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn uống một viên thuốc bari để giúp chẩn đoán hẹp ống thực quản – tình trạng có thể khiến bạn khó nuốt.
Xét nghiệm trào ngược dạ dày ở đâu? Chi phí thế nào?
Khi gặp các vấn đề về bệnh lý trào ngược dạ dày, bạn nên đến khám tại chuyên khoa Tiêu hóa. Hiện nay, hầu như bất cứ bệnh viện nào cũng có thể làm xét nghiệm trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, tốt nhất bạn vẫn nên đến các bệnh viện lớn, uy tín, có trang thiết bị hiện đại, đội ngũ nhân viên y tế có nhiều kinh nghiệm để được chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả. giới thiệu cho bạn một số bệnh viện uy tín trong việc xét nghiệm trào ngược dạ dày:
- Miền Bắc: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Việt – Đức, Bệnh viện đa khoa Xanh-pôn…
- Miền Trung: Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế…
- Miền Nam: Bệnh viện 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM…
Chi phí cho xét nghiệm trào ngược dạ dày sẽ khác nhau ở mỗi bệnh viện, tùy theo số xét nghiệm mà bác sĩ chỉ định. Tuy nhiên, giá dao động không quá 1 triệu đồng cho mỗi lần làm xét nghiệm. Bạn có thể tham khảo giá từng xét nghiệm tại trang web chính thức của bệnh viện.
Xét nghiệm trào ngược dạ dày là bước quan trọng trong quá trình chẩn đoán bệnh. Do đó, khi có các triệu chứng bất thường, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và chữa trị trào ngược dạ dày theo quy trình. Bạn tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc để tránh bệnh không thuyên giảm mà còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác.
[embed-health-tool-bmr]