Các bệnh do HPV, lậu, giang mai, quai bị có thể gây yếu sinh lý, vô sinh cho nam giới khi không điều trị kịp thời.
Bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên, thêm rằng có nhiều nguyên nhân gây yếu sinh lý, vô sinh ở nam giới như: tác động từ môi trường, thói quen sinh hoạt, mắc các bệnh truyền nhiễm hoặc bệnh lây qua đường tình dục (STIs). Phái mạnh có thể gặp biến chứng tắc ống dẫn tinh, không có tinh trùng, giảm số lượng tinh trùng hoặc ảnh hưởng nội tiết dẫn tới rối loạn về sức khỏe tình dục. Bác sĩ Phong điểm 6 bệnh ảnh hưởng sinh lý nam giới, gồm:
HPV
HPV là tên gọi chung của nhiều chủng virus gây bệnh tình dục ở nam và nữ giới. Có khoảng 200 chủng HPV, chia làm hai nhóm: nguy cơ cao gây ung thư và nguy cơ gây sang thương, u nhú ở người.
Nhiễm HPV ảnh hưởng đến chất lượng tinh dịch, tăng lượng kháng thể chống tinh trùng cũng như tăng phân mảnh ADN của tinh trùng. Ngoài ra, một số chủng HPV (chủng 6, 11, 16, 18, 31 hoặc 33) có thể làm giảm khả năng di chuyển của tinh trùng, khiến tinh trùng khó gặp trứng hơn.
Nam giới mắc các bệnh do HPV như sùi mào gà, ung thư dương vật, ung thư hậu môn có thể gây đau rát khi quan hệ tình dục, giảm ham muốn tình dục.
Các bệnh do HPV có thể phòng ngừa nhờ vaccine. Trong đó, vaccine Gardasil 9 (Mỹ) tiêm cho nam giới từ 9-45 tuổi với phác đồ ba liều trong 6 tháng. Hiệu quả phòng bệnh đến hơn 90% đối với 9 chủng HPV thường gặp.
Quai bị
Bệnh quai bị do paramyxovirus gây ra, lây qua đường hô hấp với biểu hiện đặc trưng là viêm tuyến nước bọt, gây sưng đau vùng mặt. Bên cạnh đó, virus còn gây viêm tinh hoàn ở nam, viêm buồng trứng ở nữ.
Theo Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, viêm tinh hoàn do quai bị đứng đầu các nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới, xảy ra ở 20-35% người trưởng thành mắc quai bị. Tình trạng viêm có thể đi kèm với sốt, kéo dài 3-7 ngày. Sau đó, 50% nam giới mắc bệnh có thể gặp tình trạng teo tinh hoàn dẫn đến giảm số lượng tinh trùng và vô sinh.
Để phòng quai bị, người lớn và trẻ em từ 9 tháng sử dụng vaccine phối hợp phòng sởi – quai bị – rubella, với lịch tiêm hai liều. Vaccine có hiệu quả bảo vệ đạt đến 98%. Nam giới cần tiêm vaccine quai bị sớm để tránh biến chứng.
Lao sinh dục
Vi khuẩn lao thâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, gây nhiều thể bệnh như lao phổi, lao sơ sinh, lao thận… Trong đó, vi khuẩn cũng có thể ảnh hưởng mào tinh hoàn, tuyến tiền liệt, gây ra lao sinh dục.
Nam giới nhiễm lao sinh dục có khả năng vô sinh theo hai cơ chế là vô sinh tắc nghẽn và vô sinh không tắc nghẽn. Vô sinh tắc nghẽn xảy ra khi vi khuẩn xâm nhiễm đến mào tinh hoàn, gây viêm, xơ hóa dẫn đến chít hẹp, tắc nghẽn ống dẫn khiến tinh dịch không thoát ra. Tương tự, lao tuyến tiền liệt ảnh hưởng tới túi tinh, gây tắc ống phóng tinh tại vị trí qua tuyến tiền liệt. Vô sinh không tắc nghẽn xảy ra khi vi khuẩn lao xâm nhiễm tới tinh hoàn, gây xơ hóa mô, phá hủy cấu trúc tinh hoàn, ảnh hưởng sản xuất tinh trùng.
Vaccine ngừa lao BCG đã được phát triển và tiêm chủng trên toàn cầu trong hơn 100 năm. Vaccine có hiệu quả phòng ngừa các hình thái lao nguy hiểm, trong đó có lao màng não với hiệu quả đến 80%. Do đó, Bộ Y tế khuyến cáo tiêm vaccine lao cho em bé trong vòng 24 giờ sau sinh. Trẻ chỉ cần tiêm một mũi duy nhất trong suốt đời.
Lậu
Bệnh lậu được xem là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh ở nam, ảnh hưởng đến khả năng sản xuất và chất lượng tinh trùng. Tình trạng nhiễm trùng do lậu lan sang các khu vực xung quanh, gây đau, hình thành sẹo và dẫn đến vô sinh, hiếm muộn.
WHO thống kê, năm 2020 thế giới ghi nhận hơn 80 triệu ca mắc mới. Tỷ lệ mắc bệnh lậu cao nhất ở những nhóm dân số dễ bị tổn thương như nam quan hệ tình dục với nam, phụ nữ chuyển giới và thanh thiếu niên ở các quốc gia lưu hành dịch bệnh.
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh lậu, thuốc kháng sinh là cách điều trị bệnh chính. Tuy nhiên, hai nghiên cứu trên tạp chí The Lancet (2022) cho thấy vaccine não mô cầu khuẩn nhóm B hỗ trợ phòng bệnh lậu. Một trong những nghiên cứu của nhóm khoa học người Australia cho thấy vaccine hiệu quả 32%. Trong nghiên cứu khác, nhóm khoa học người Mỹ cho kết quả một liều vaccine đơn hiệu quả phòng lậu là 26%, còn hai liều vaccine có hiệu quả 40%.
Giang mai
Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Treponema pallidum. Theo ước tính năm 2020 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 7,1 triệu người bệnh trên toàn cầu. Bệnh có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản ở nam và nữ.
Nếu nam giới mắc bệnh không được điều trị kịp thời, các biến chứng có thể gây khó có con như: tắc nghẽn mào tinh dẫn đến cản trở vận chuyển tinh trùng; khối u tinh hoàn; teo, xơ hóa tinh hoàn dẫn đến mất khả năng tạo ra tinh trùng; rối loạn cương dương ảnh hưởng khả năng thụ thai.
Bác sĩ Phong khuyến cáo điều trị bệnh lây qua đường tình dục khó khăn, dễ tái phát và gây ra những hậu quả sức khỏe về lâu dài. Thống kê năm 2019 tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho thấy tỷ lệ mắc bệnh lây qua đường tình dục tăng nhanh trong 10 năm qua. Ví dụ năm 2017, số lượt người đến khám bệnh lây qua đường tình dục chiếm tỷ lệ 17,3%, mỗi năm bệnh viện này tiếp nhận khoảng 200.000 ca.
Bên cạnh tiêm vaccine, mọi người nên chủ động phòng lây nhiễm bằng cách chung thủy với bạn tình, dùng bao cao su khi quan hệ tình dục, thường xuyên được tầm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục…
Mộc Thảo
Độc giả đặt câu hỏi để bác sĩ tư vấn tại đây.