Chiếc lưng còng và đôi bàn tay chai sần biến dạng có thể khiến chúng ta nghĩ ngay đến hình ảnh những người ông, người bà đang bước sang độ tuổi xế chiều. Thời gian và tuổi tác đã in hằn những dấu ấn lên cơ thể của họ. Tuy nhiên, ít người biết rằng, đây có thể là hậu quả của các bệnh xương khớp thường gặp ở người cao tuổi [1, 2].
Những vấn đề trên có thể xảy ra do chậm trễ trong việc phát hiện và điều trị các bệnh xương khớp, dẫn đến biến dạng khớp ở cột sống và tay chân [1, 2, 3]. Theo tuổi tác, các xương bắt đầu dễ gãy, sụn mất dần khả năng tự phục hồi, dây chằng giảm độ đàn hồi, cơ bắp mất dần sức mạnh, đồng thời các mô cũng giảm khả năng thực hiện các chức năng bình thường của chúng. Về lâu dài, các bệnh xương khớp ở người cao tuổi không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất và tâm lý mà còn làm tăng tỷ lệ tử vong ở nhóm đối tượng này [4].
Vì vậy, nhận biết các triệu chứng của một số bệnh xương khớp thường gặp ở người cao tuổi có thể giúp bạn phát hiện sớm tình trạng bệnh và từ đó có hướng điều trị kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng bệnh.
Nhận biết triệu chứng 3 bệnh xương khớp thường gặp ở người cao tuổi [5]
Triệu chứng thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là dạng viêm khớp phổ biến nhất, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Tình trạng này xảy ra khi lớp sụn bảo vệ đầu xương bị mài mòn. Thoái hóa khớp có thể tác động đến bất kỳ khớp nào trên cơ thể, nhưng chủ yếu là khớp ở tay, đầu gối, hông và cột sống [6]. Một số biểu hiện sớm của tình trạng thoái hóa khớp:
- Đau khớp: Đau và nhức khớp, nhất là khi cử động. Bạn cũng có thể bị đau sau khi vận động quá mức hoặc sau một thời gian dài không hoạt động [7]. Thoái hóa khớp là một tình trạng khu trú, vì vậy thường bắt đầu ảnh hưởng đến 1 khớp hoặc một bên của cơ thể [8]. Khác với thoái hóa khớp, đau khớp trong viêm khớp dạng thấp thường ảnh hưởng cả hai bên của cơ thể [8]
- Cứng khớp: Cứng khớp là một biểu hiện khác của thoái hóa khớp [6]. Tình trạng này xuất hiện nhiều nhất khi thức dậy hoặc sau một thời gian dài không hoạt động nhưng thường biến mất khá nhanh, không quá 30 phút [6, 9].
- Tiếng động ở khớp: Bạn có thể nghe thấy tiếng lục khục hoặc lạo xạo khi di chuyển khớp [6].
Triệu chứng viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, trong đó, hệ miễn dịch nhầm tưởng tế bào của màng hoạt dịch là những tác nhân gây hại và tấn công chúng. Việc này có thể gây viêm ở các khớp [10]. Viêm khớp dạng thấp thường dễ bị nhầm lẫn với thoái hóa khớp vì có nhiều triệu chứng tương tự nhau [8]. Tuy nhiên, nếu gặp các tình trạng sau đây, bạn có thể đã bị viêm khớp dạng thấp:
- Đau khớp: Tình trạng đau thường xảy ra ở nhiều khớp [10]. Viêm khớp dạng thấp là một bệnh đối xứng, nghĩa là nếu khớp ở một bên cơ thể bị ảnh hưởng thì thông thường khớp tương tự ở bên còn lại cũng sẽ bị tác động theo [10, 11].
- Cứng khớp: Khác với thoái hóa khớp, tình trạng cứng khớp vào buổi sáng do viêm khớp dạng thấp thường kéo dài hơn 1 tiếng [9].
- Các triệu chứng toàn thân: Vì là một bệnh tự miễn nên viêm khớp dạng thấp có thể gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể, không chỉ ở khớp. Bệnh lý này gây các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, sốt, ăn mất ngon, giảm cân, hình thành các nốt thấp dưới da, viêm ở các khu vực khác như mắt và phổi [8].
Triệu chứng thiểu cơ/teo cơ
Thiểu cơ hoặc teo cơ được định nghĩa là tình trạng suy giảm khối lượng và chức năng của hệ cơ xương do tuổi tác [12]. Thiểu cơ có thể gây ra nhiều vấn đề, chẳng hạn như:
- Đau cơ: Đôi khi việc gắng sức sẽ khiến bạn cảm thấy đau ở các cơ bị ảnh hưởng. Các cơn đau có thể liên tục và tác động đến nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể [13].
- Khó giữ thăng bằng: Những người bị teo cơ thường gặp nhiều khó khăn trong việc giữ thăng bằng và dễ bị té ngã [13].
- Mệt mỏi: Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi và không có đủ năng lượng để thực hiện các hoạt động hằng ngày như nấu ăn, đi chợ hoặc tự chăm sóc bản thân [13].
- Sụt cân bất thường: Sụt cân bất thường có thể là biểu hiện ban đầu của nhiều bệnh lý, trong đó có thiểu cơ [14].
Các bệnh xương khớp có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt ở người lớn tuổi. Chúng thường gây hạn chế vận động, suy giảm chức năng hoặc thậm chí là tàn tật. Không những gây ảnh hưởng đến thể chất, các bệnh xương khớp còn tác động đến cả tâm lý của người bệnh, khiến họ dễ lo lắng, trầm cảm, thay đổi hành vi, suy giảm nhận thức và thậm chí là dễ tự tử [15]. Vì vậy, việc phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết.
Bạn hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu [16]:
- Gặp phải các triệu chứng thường gặp của các bệnh xương khớp
- Các triệu chứng của bệnh kéo dài nhiều tuần không đỡ.
- Bạn gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh.
Những yếu tố khiến việc phát hiện và điều trị cho người cao tuổi gặp nhiều khó khăn
Tuy là nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng [4] nhưng việc phát hiện sớm và điều trị các bệnh xương khớp ở người cao tuổi thường gặp nhiều khó khăn vì:
Khó khăn trong chẩn đoán
Dù bị đau thường xuyên và nghiêm trọng nhưng người lớn tuổi có xu hướng không chia sẻ về tình trạng của mình vì nghĩ đây là những biểu hiện tất yếu của tuổi già. Không những thế, nhiều bậc cha mẹ, ông bà cố gắng chịu đựng cơn đau vì không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình và con cái [15]. Điều này dẫn đến việc phát hiện bệnh muộn khi chúng đã trở nên nghiêm trọng.
Khó khăn trong điều trị
Không chỉ gặp nhiều khó khăn trong chẩn đoán, việc điều trị các bệnh xương khớp ở người cao tuổi, đặc biệt là điều trị bằng thuốc, cũng gặp hạn chế. Bởi vì, khi càng lớn tuổi, đặc điểm sinh lý của con người sẽ có nhiều thay đổi. Điều này gây ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng thuốc cũng như làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng không mong muốn ở nhóm đối tượng này [17].
Việc kiểm soát các bệnh xương khớp ở người cao tuổi cũng thường phức tạp hơn, do thực tế, 75% người lớn tuổi có từ 2 bệnh mạn tính trở lên, chẳng hạn như bệnh tim, viêm khớp, đái tháo đường… [18] Việc sử dụng các thuốc điều trị bệnh xương khớp có thể gây ra hoặc làm trầm trọng hơn các bệnh nền này [19]. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần dùng nhiều loại thuốc để điều trị các bệnh khác nhau, từ đó làm tăng nguy cơ tương tác thuốc cũng như gặp phải các tác dụng bất lợi [18, 20].
Không những vậy, các cơn đau do bệnh xương khớp có thể khiến người cao tuổi sợ vận động [15]. Điều này đôi khi chính là nguyên nhân gây ra hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng đau xương khớp [7, 21].
Cần làm gì để điều trị các bệnh xương khớp ở người cao tuổi?
Việc điều trị bệnh đau nhức xương khớp ở người già thường tập trung vào giảm đau, giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu và cải thiện chức năng của họ. Để làm được điều này, các bác sĩ thường kết hợp nhiều phương pháp khác nhau, giữa dùng thuốc và không dùng thuốc [15].
Phương pháp không dùng thuốc
Các phương pháp không dùng thuốc thường được đánh giá là rất quan trọng trong việc điều trị các bệnh đau nhức xương khớp ở người già [22]. Theo đó, người lớn tuổi có thể thực hiện một số biện pháp để kiểm soát tình trạng của mình:
- Tập thể dục: Tập thể dục được chứng minh là giúp giảm đau và cải thiện chức năng trong nhiều bệnh xương khớp. Người lớn tuổi có thể lựa chọn hình thức tập luyện phù hợp với thể chất của mình, chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ, thể dục nhịp điệu, đạp xe đạp hoặc các bài tập dưới nước [22].
- Vật lý trị liệu: Phương pháp này có thể mang lại nhiều lợi ích trong việc giảm đau và tăng cường chức năng của cơ thể [22].
- Châm cứu: Châm cứu thường được sử dụng như một phương pháp hỗ trợ trong điều trị các bệnh xương khớp ở chân và tay [22, 23]
- Chườm nóng/Chườm đá: Cả chườm đá và chườm nóng đều có thể giúp làm dịu cơn đau do các bệnh xương khớp ở người cao tuổi gây ra [16].
- Dùng các dụng cụ hỗ trợ: Dây quấn và nẹp có thể giúp cố định và bảo vệ khớp, giảm đau, giảm sưng và tạo điều kiện để chữa lành các chấn thương cấp tính. Chúng cũng được sử dụng để ngăn ngừa chấn thương, giảm đau mãn tính và giúp thay đổi các chức năng của khớp [24].
Phương pháp dùng thuốc
Nhiều loại thuốc khác nhau có thể được sử dụng trong điều trị và kiểm soát các bệnh xương khớp ở người cao tuổi, có thể kể đến như:
- Paracetamol: Paracetamol được xem là một thuốc an toàn và thường là lựa chọn đầu tay trong điều trị đau nhức xương khớp [25]. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ có tác dụng giảm đau, hạ sốt mà không có khả năng kháng viêm, vì vậy thường không hiệu quả trong điều trị các tình trạng có viêm [26].
- Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAIDs): NSAIDs là nhóm thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị một loạt các bệnh xương khớp cấp tính và mạn tính, giúp kiểm soát tình trạng đau và cứng khớp hiệu quả [27, 28].
- Thuốc giảm đau gây nghiện opioid: Trong Thang giảm đau của WHO, các opioid chỉ được sử dụng để giảm đau xương khớp khi các nhóm thuốc giảm đau thông thường không mang lại hiệu quả vì những lo ngại liên quan đến nguy cơ gây nghiện [29].
- Corticosteroid dạng tiêm: Trong một số trường hợp, corticosteroid dạng tiêm có thể được sử dụng để điều trị các bệnh xương khớp [30].
Lưu ý khi dùng thuốc giảm đau cho người cao tuổi
Bởi những thay đổi về mặt sinh lý cũng như khả năng mắc nhiều bệnh nền, người cao tuổi có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của thuốc nhiều hơn người trẻ [17, 18, 19, 20]. Điều này khiến việc lựa chọn thuốc điều trị cho người cao tuổi gặp nhiều khó khăn. Bởi vì bất kỳ thuốc nào, kể cả các thuốc giảm đau xương khớp thông dụng nhất như NSAIDs, cũng có thể gây tác dụng phụ [31]. Một trong những tác dụng phụ được biết đến nhiều nhất của nhóm thuốc này là các vấn đề về tiêu hóa. Từ những ngày đầu tiên dùng thuốc, NSAIDs có thể gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón và nghiêm trọng hơn là gây chảy máu và loét đường tiêu hóa [32, 33]. Không những thế, NSAIDs còn làm có thể làm tăng huyết áp, gây một số biến cố trên tim và thận như đau tim, suy tim, suy thận cấp và mạn tính, đột quỵ [34, 35]. Vì vậy, việc sử dụng thuốc giảm đau xương khớp cho người cao tuổi cần đặc biệt thận trọng và lưu ý những điểm sau:
- Lựa chọn thuốc sử dụng phù hợp: Người cao tuổi cần thông báo cho bác sĩ về các bệnh nền đi kèm cũng như các loại thuốc hiện đang sử dụng. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể cân nhắc cho bạn sử dụng các loại thuốc khác phù hợp với tình trạng của mình [32]. Ví dụ như, đối với các bệnh nhân có vấn đề về tiêu hóa, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sử dụng các NSAIDs chọn lọc COX-2, như nhóm coxib, thay cho các NSAIDs không chọn lọc vì chúng ít gây ảnh hưởng trên cả đường tiêu hóa trên và dưới [36]. Không những thế, khả năng gây ra các biến cố bất lợi trên tim mạch của một số NSAIDs chọn lọc COX-2 cũng tương đối ít và chỉ xảy ra khi được dùng ở liều cao [37]. Vì vậy, đôi khi có thể được cân nhắc sử dụng.
- Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ: Bạn cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định, không tự ý bỏ liều hoặc ngừng dùng thuốc khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ, ngay cả khi đã đỡ hơn hoặc không nhận thấy hiệu quả [38].
- Thông báo với bác sĩ nếu bạn không thấy đỡ hơn, tình trạng trở nên nghiêm trọng hoặc gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc [38].
Đừng để hình ảnh ông bà, cha mẹ khắc sâu trong trí nhớ của bạn với chiếc lưng còng và những đôi bàn tay biến dạng. Nhận biết sớm và điều trị kịp thời các bệnh xương khớp có thể giúp người lớn tuổi cảm thấy khỏe hơn.
PP-CEL-VNM-0439
VIATRIS đồng hành nâng cao kiến thức bệnh học cộng đồng.
HelloBacsi.com cung cấp đường dẫn trong mục các chủ đề liên quan, bài cùng chuyên mục và bài có nhiều người đọc vì mục đích thuận tiện tra cứu. VIATRIS không kiểm duyệt các đường dẫn trong trang này và cũng không chịu trách nhiệm về nội dung hay hoạt động của các trang liên kết này.
[embed-health-tool-bmi]