Tìm hiểu chung
Phẫu thuật động kinh là gì?
Phẫu thuật động kinh là một thủ thuật loại bỏ hoặc thay đổi một khu vực trong não nơi diễn ra cơn co giật.
Phẫu thuật động kinh có hiệu quả nhất khi các cơn co giật luôn bắt nguồn từ một vị trí duy nhất trong não. Đây không phải là lựa chọn điều trị đầu tiên với người bị động kinh. Tuy nhiên, nếu người bệnh kháng ít nhất hai loại thuốc chống động kinh thì sẽ được cân nhắc phẫu thuật. Bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm cần thiết để đánh giá điều kiện tham gia phẫu thuật của người bệnh.
Khi nào cần can thiệp phẫu thuật động kinh?
Phẫu thuật động kinh có thể là một lựa chọn khi thuốc không kiểm soát được cơn động kinh. Tình trạng này được gọi là động kinh kháng trị hoặc động kinh kháng thuốc. Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ cơn động kinh hoặc hạn chế mức độ nghiêm trọng của chúng, bất kể khi dùng hoặc không dùng thuốc.
Cần can thiệp phẫu thuật khi cơn động kinh không được kiểm soát tốt và dẫn đến một số biến chứng và rủi ro sức khỏe như:
- Tổn thương vật lý (té ngã hoặc đuối nước, nếu cơn động kinh xảy ra trong khi tắm hoặc bơi)
- Tổn thương ý thức (trầm cảm và lo âu)
- Suy giảm trí nhớ hoặc các kỹ năng tư duy khác
- Chậm phát triển ở trẻ em
- Đột tử – một biến chứng hiếm gặp của bệnh động kinh
Các loại phẫu thuật động kinh
Phẫu thuật động kinh có những loại nào?
Động kinh xảy ra do hoạt động bất thường của một số tế bào não (tế bào thần kinh). Phân loại phẫu thuật sẽ phụ thuộc phần lớn vào vị trí của các tế bào thần kinh gây ra cơn động kinh và tuổi của bệnh nhân.
Các loại phẫu thuật động kinh bao gồm:
- Phẫu thuật cắt bỏ là loại phẫu thuật động kinh phổ biến nhất, loại bỏ một phần nhỏ của não. Bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ các mô não trong khu vực não nơi bắt đầu cơn co giật. Chúng thường là vị trí của khối u, chấn thương não hoặc dị tật. Phẫu thuật cắt bỏ thường được thực hiện trên một trong các thùy thái dương – khu vực kiểm soát trí nhớ thị giác, ngôn ngữ và cảm xúc.
- Liệu pháp nhiệt kẽ bằng laser (LITT) là loại phẫu thuật ít xâm lấn, sử dụng tia laser để xác định và phá hủy một phần nhỏ mô não. Hình ảnh từ chụp cộng hưởng từ (MRI) được sử dụng để hướng dẫn bác sĩ phẫu thuật.
- Kích thích não sâu. Sử dụng một điện cực được cấy vĩnh viễn vào sâu bên trong não để giải phóng các tín hiệu điện được định thời thường xuyên, làm gián đoạn hoạt động bất thường gây co giật của não.
- Cắt thể chai. Cắt hoàn toàn hoặc một phần bó dây thần kinh nối giữa bên phải và bên trái của não (corpus callosum). Thủ thuật này thường được áp dụng với trẻ em có hoạt động não bất thường lây lan từ một bên não sang bên còn lại.
- Tách bỏ bán cầu não để loại bỏ một bên (bán cầu) của vỏ não. Phẫu thuật này thường dành riêng cho trẻ em bị động kinh bắt nguồn từ nhiều vị trí trong một bán cầu, thường là bệnh bẩm sinh hoặc phát triển từ trong giai đoạn bào thai.
- Tách bỏ bán cầu não chức năng cũng được áp dụng chủ yếu ở trẻ em. Bán cầu chức năng là phần dưới của bán cầu gây co giật. Phẫu thuật này cắt đứt các kết nối của nó với hệ thần kinh của cơ thể mà không cần loại bỏ mô não thực sự.
Điều cần thận trọng
Phẫu thuật động kinh có nguy hiểm không?
Các khu vực khác nhau của não kiểm soát các chức năng khác nhau. Do đó, rủi ro từ phẫu thuật cũng tùy thuộc vào vị trí và loại phẫu thuật. Ê-kíp phẫu thuật sẽ giải thích các rủi ro cụ thể, cũng như các chiến lược sử dụng để giảm nguy cơ dẫn đến kết quả bất lợi.
Các rủi ro từ phẫu thuật có thể là:
- Các vấn đề về bộ nhớ và ngôn ngữ, ảnh hưởng đến khả năng hiểu và sử dụng ngôn ngữ của người bệnh
- Suy giảm thị lực
- Trầm cảm hoặc thay đổi tâm trạng
- Đau đầu
- Đột quỵ
Các xét nghiệm tiền phẫu
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Người bệnh sẽ tiến hành thực hiện một số xét nghiệm để xác định có đủ điều kiện phẫu thuật động kinh không.
Xác định khu vực não có vấn đề
Bác sĩ sẽ áp dụng các xét nghiệm tiêu chuẩn để xác định nguồn gốc của hoạt động não bất thường.
- Điện não đồ cơ sở (EEG). Các điện cực được đặt trên da đầu để đo hoạt động điện do não tạo ra khi người bệnh không bị động kinh. Kết quả có thể chỉ ra khu vực não có thể bị ảnh hưởng.
- Đo điện não đồ liên tục và giám sát video khi xảy ra các cơn động kinh. Để thực hiện, người bệnh sẽ giảm thuốc trị động kinh hoặc tạm thời ngừng uống để cơn động kinh xảy ra. Do đó, người bệnh sẽ được đưa vào bệnh viện để làm xét nghiệm này. Tương quan những thay đổi trong điện não đồ với chuyển động của cơ thể trong cơn động kinh giúp xác định chính xác khu vực não nơi sinh động kinh.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết, có thể xác định các tế bào bị hư hỏng, khối u hoặc các bất thường khác có thể gây động kinh.
Ngoài ra, người bệnh có thể được yêu cầu các xét nghiệm bổ sung để khoanh vùng nguồn cơn động kinh và bản chất đặc thù của hoạt động não bất thường này. Những xét nghiệm này có thể là:
- Điện não đồ xâm lấn. Nếu xét nghiệm điện não đồ không thể xác định vị trí gây ra cơn động kinh, công tác theo dõi có thể được thực hiện với các điện cực được đặt bằng phẫu thuật. Bác sĩ phẫu thuật đặt lưới hoặc dải điện cực trên bề mặt não hoặc đặt điện cực sâu hơn trong não. Giám sát điện não đồ sẽ thực hiện khi người bệnh đã được gây mê.
- Điện não đồ xâm lấn có giám sát video. Các điện cực được đặt vào não giúp ghi lại dữ liệu video và điện não đồ khi người bệnh tỉnh táo và không dùng thuốc chống động kinh.
- Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET) – có hoặc không có hoặc kết hợp với dữ liệu MRI – có thể giúp xác định nguồn cơn động kinh.
- Chụp cắt lớp vi tính phát xạ đơn (SPECT) giúp đo lưu lượng máu trong não trong cơn động kinh. Thông thường, lưu lượng máu cao hơn ở phần não nơi sinh động kinh.
Xác định chức năng não
Tùy thuộc vào vị trí phẫu thuật, ê-kíp phẫu thuật có thể tiến hành các xét nghiệm để xác định các khu vực chính xác nơi não kiểm soát ngôn ngữ, cảm giác, kỹ năng vận động hoặc các chức năng quan trọng khác. Thông tin này giúp bác sĩ phẫu thuật bảo tồn chức năng tối đa có thể khi loại bỏ hoặc thay đổi một vùng trong não người bệnh.
Để xác định, người bệnh có thể cần thực hiện các bài kiểm tra như:
- Chụp MRI chức năng não giúp xác định các khu vực hoạt động của não khi người bệnh đang thực hiện một hành động cụ thể như nghe hoặc đọc.
- Xét nghiệm Wada. Với thủ thuật này, một loại thuốc tiêm sẽ gây an thần tạm thời một nửa hệ thống phân bố mạch máu trong của não người bệnh. Sau đó, người bệnh thực hiện một bài kiểm tra chức năng ngôn ngữ và bộ nhớ. Xét nghiệm này có thể giúp xác định bán cầu nào của bộ não chiếm ưu thế trong việc sử dụng ngôn ngữ.
- Lập bản đồ não. Các điện cực nhỏ được đặt trên bề mặt của não khi phẫu thuật. Khi người bệnh tỉnh lại sau phẫu thuật, người bệnh sẽ thực hiện một số yêu cầu phù hợp với các phép đo hoạt động điện của não.
Kiểm tra chức năng thần kinh
Một loạt các bài kiểm tra được thực hiện để đo các kỹ năng học tập bằng lời nói và phi ngôn ngữ cũng như chức năng bộ nhớ. Những bài kiểm tra này có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về khu vực não bị ảnh hưởng bởi các cơn động kinh. Từ đó tạo đường cơ sở để đo chức năng não sau phẫu thuật.
Quy trình thực hiện
Trước khi thực hiện
Để tránh nhiễm trùng, tóc của người bệnh sẽ cần được cắt ngắn hoặc cạo trên phần hộp sọ mở. Người bệnh cũng được truyền dịch, thuốc gây mê hoặc các loại thuốc khác trong quá trình phẫu thuật qua tĩnh mạch.
Trong khi thực hiện
Nhịp tim, huyết áp và nồng độ oxy sẽ được theo dõi trong suốt quá trình phẫu thuật. Máy theo dõi điện não đồ sẽ ghi lại sóng não trong quá trình phẫu thuật để định vị tốt hơn phần não sinh động kinh.
Phẫu thuật động kinh thường được thực hiện trong quá trình gây mê toàn thân. Trong những trường hợp hiếm hơn, bác sĩ phẫu thuật có thể áp dụng kỹ thuật phẫu thuật não thức tỉnh để giúp xác định phần não kiểm soát chức năng ngôn ngữ hay cử động của người bệnh. Trong trường hợp này, người bệnh sẽ được tiêm thuốc tê.
Bác sĩ phẫu thuật tiến hành mở hộp sọ để thực hiện ca mổ. Vết mở tương đối nhỏ và tùy thuộc vào loại phẫu thuật.
Sau khi thực hiện
Người bệnh sẽ được chuyển vào khoa hồi sức tích cực sau khi phẫu thuật để tiếp tục theo dõi chặt chẽ trong đêm đầu tiên. Tổng thời gian nằm viện trong hầu hết các ca phẫu thuật động kinh thường là khoảng ba hoặc bốn ngày.
Khi người bệnh thức dậy, đầu sẽ bị sưng và đau. Hầu hết đều cần thuốc giảm đau opioid để giảm đau trong ít nhất vài ngày đầu. Người bệnh có thể dùng chườm đá và chờ trong vài tuần để hết sưng.
Trong khoảng một đến ba tháng sau, người bệnh có thể trở lại làm việc hoặc đi học. Tuy nhiên, nên nghỉ ngơi và thư giãn trong vài tuần đầu sau phẫu thuật rồi tăng dần mức độ hoạt động.
Nếu phẫu thuật thành công và không có biến chứng như đột quỵ hoặc mất khả năng nói, người bệnh có thể không cần thực hiện các trị liệu chức năng chuyên sâu.
Kết quả
Hiệu quả của phẫu thuật động kinh như thế nào?
Các kết quả của phẫu thuật động kinh sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại phẫu thuật được thực hiện. Kết quả dự kiến là có thể kiểm soát co giật bằng thuốc.
Phẫu thuật cắt bỏ là thủ thuật phổ biến nhất và được các bác sĩ nắm rõ nhất giúp 2/3 số người bệnh phẫu thuật chấm dứt được các cơn động kinh. Nghiên cứu cho thấy nếu không bị động kinh trong năm đầu tiên sau phẫu thuật cắt bỏ và có dùng thuốc chống động kinh thì khả năng khỏi bệnh sau hai năm là 87 – 90%. Nếu không tái động kinh trong hai năm, khả năng là 95% sau 5 năm, và 82% sau 10 năm.
Khi người bệnh không bị động kinh trong ít nhất một năm, bác sĩ có thể xem xét giảm dần thuốc chống động kinh. Dần dần sẽ đi đến mục tiêu loại bỏ hoàn toàn việc uống thuốc. Tuy nhiên nếu đã ngừng và có dấu hiệu tái phát, người bệnh đều có thể kiểm soát cơn động kinh bằng cách tiếp tục điều trị bằng thuốc.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Bệnh lý không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
[embed-health-tool-bmi]