Để tiêu hao hết năng lượng sau khi ăn một hộp mứt chứa 1.000 calo, bạn cần đi bộ nhanh hoặc đạp xe 1-2 giờ.
Hầu hết các loại mứt chứa nhiều thành phần dinh dưỡng như đường bột, protein, axit hữu cơ, vitamin và khoáng chất, nhiều chất chống lão hóa… tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, mứt thường quá ngọt, ăn nhiều sẽ tăng cân. Những người không thích hợp ăn mứt như người đái tháo đường, béo phì hay người muốn ăn kiêng…
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng (Trưởng Khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết mỗi loại mứt có tác dụng với sức khỏe khác nhau. Ví dụ, mứt gừng làm ấm tỳ vị, chữa ho; mứt tắc giúp giải nhiệt, kích thích tiêu hóa, long đờm, giải độc rượu; mứt sen tác dụng an thần, chống suy nhược; mứt cà rốt công dụng sáng mắt, đẹp da…
Nhìn chung hộp mứt Tết trọng lượng 200-300 g chứa trung bình 1.000 calo. Tùy từng loại mứt sẽ có lượng calo khác nhau. Mứt dừa có lượng calo cao nhất, với 500 calo/100 g; mứt hạt sen 390 calo; mứt gừng, mứt cà rốt 350 calo; mứt bí 370 calo; mứt quất 320 calo; nho khô 300 calo (tính trong 100 g mứt). Người trưởng thành, nếu không có ý định giảm cân hay tăng cân thì nhu cầu năng lượng cơ thể cần là khoảng 2.000 calo, chia ba bữa, tức trung bình 667 calo một bữa. Vì vậy bạn cần cân nhắc lượng mứt khi ăn.
Chính vì lượng calo nhiều nên mứt không thích hợp cho người thừa cân, béo phì, đái tháo đường, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ. Đường gia tăng năng lượng khiến người thừa cân dễ mệt mỏi. Với người bệnh đái tháo đường, lượng đường trong mứt khiến cho bệnh khó kiểm soát, thậm chí nghiêm trọng hơn. Bà bầu ăn mứt nhiều cũng dễ bị tăng cân, rối loạn chuyển hóa, có thể bị đái tháo đường thai kỳ.
Do nhiệt độ và thời gian chế biến quá lâu, một số chất beta carotene hoặc vitamin A, C trong mứt cà chua, cà rốt, táo, mận, kiwi… sẽ bị phân hủy, giảm hiệu quả dinh dưỡng. Trẻ nhỏ ăn nhiều mứt cũng có hại cho hệ tiêu hóa, dễ sinh đầy bụng và làm giảm cảm giác đói, do đó hạn chế cảm giác thèm ăn trong các bữa ăn chính.
Cách bảo quản mứt ngày Tết
Mứt cần bảo quản ở nơi khô ráo, nhiệt độ thấp, tránh để ánh sáng chiếu trực tiếp sẽ bị chảy nước, mềm, mất độ giòn thơm. Các loại mứt dừa, bí, gừng, nên gói thật kỹ trong túi nilon tránh không khí lọt vào, để nơi thoáng mát. Mỗi lần ăn, bạn nên lấy mứt ra đĩa, khay sau đó buộc kín túi lại, không nên để hở sẽ khiến mứt bị ỉu hoặc chảy nước.
Các loại mứt khác, cách tốt nhất nên cho vào trong hũ thủy tinh rồi đổ một lớp đường trắng lên trên để giữ mùi thơm, tránh chảy nước. Không để mứt trong tủ lạnh bởi dễ làm hỏng. Đối với mứt dẻo, bạn nên sên lại như nấu đường tan chảy sền sệt, cho mứt vào, rồi dùng muỗng rưới nước đường lên trên, để nguội, sau đó cho vào hộp kín.
Khi chọn mua mứt, bạn nên chọn loại có bao bì và còn đóng gói nguyên vẹn, xem kỹ hạn sử dụng trước khi mua. Mứt thường dùng trong khoảng 2-3 tuần, nên cần lưu ý mua loại được sản xuất gần Tết nhất, chọn những thương hiệu uy tín.
Bác sĩ Hưng khuyên tốt nhất nên giảm bớt lượng mứt sử dụng và thay thế bằng cách ăn các loại trái cây tươi như dưa hấu, cam, quýt, bưởi, hồng, dâu, táo… có lợi cho sức khỏe hơn. Có thể thay thế mứt bằng các loại hạt ngũ cốc hoặc hạt bí, đậu phộng, hạt điều… Tuy nhiên, hạt dưa, bí nếu được nhuộm bằng phẩm màu cũng có hại sức khỏe. Ăn các loại hạt với số lượng vừa phải sẽ tránh dư thừa năng lượng.