TP HCMBà Mùi, 71 tuổi, phù chân nhiều ngày, nhưng không nổi mạch máu ngoằn ngoèo, xét nghiệm xác định do suy tĩnh mạch chi dưới.
Bà Mùi điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới giai đoạn C2 4 năm trước. Tháng 6 năm nay, bà phù chân nặng, chuột rút, khó di chuyển. Bà uống thuốc đều đặn, mang vớ tĩnh mạch theo chỉ dẫn của bác sĩ, song triệu chứng ngày càng nặng, đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khám.
Ngày 8/8, ThS.BS Phạm Ngọc Minh Thủy, khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bà Mùi không có dấu hiệu điển hình của suy tĩnh mạch chi dưới. Tình trạng phù chân gợi ý bệnh suy tim, suy gan, suy thận. Bà được siêu âm tim, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu, độ lọc cầu thận… kết quả bình thường. Siêu âm Doppler mạch máu cho thấy tĩnh mạch nông chi dưới giãn nặng. Bác sĩ chẩn đoán suy tĩnh mạch chi dưới đã chuyển sang giai đoạn C3.
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng máu ở hệ thống tĩnh mạch bị ứ lại ở chân, không đi lên tĩnh mạch chủ để trở về tim như bình thường. Tình trạng này làm tăng áp lực thủy tĩnh trong lòng tĩnh mạch khiến tĩnh mạch giãn ra, cản trở dòng máu động mạch tới nuôi chân. Giai đoạn C6 là nghiêm trọng nhất với biểu hiện loét da chân không lành.
Theo BS.CKI Lê Chí Hiếu, khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, người bệnh suy tĩnh mạch thông thường chỉ đau nhức chân khi đứng, ngồi một chỗ quá lâu, kê cao chân sẽ hết. Bà Mùi dù luôn kê chân cao hơn so với tim, cơn đau vẫn không giảm. Bác sĩ kê toa thuốc lợi tiểu, hai chân cũng không giảm phù.
Bác sĩ can thiệp đốt laser nội mạch để loại bỏ tĩnh mạch nông bị bệnh. Dưới hướng dẫn của siêu âm, bác sĩ luồn dây dẫn năng lượng laser vào trong lòng tĩnh mạch bị suy giãn. Sau khi xác định đúng vị trí cần điều trị, năng lượng nhiệt tạo ra ở đầu dây dẫn tạo phản ứng làm xơ nội mạc, thành mạch thu nhỏ lại, teo dính lòng tĩnh mạch.
Hai chân bà Mùi giảm phù ngay sau can thiệp. Bà đi lại nhẹ nhàng, xuất viện ngay ngày phẫu thuật và được hướng dẫn mang vớ tĩnh mạch trong vòng một tuần để duy trì hiệu quả điều trị. Một tuần sau, bà tái khám, không cần dùng thêm thuốc giảm đau, đi tiểu được do nước không còn ứ trong chân, giảm gần 2 kg so với trước phẫu thuật.
Các yếu tố nguy cơ suy giãn tĩnh mạch chi dưới không thể thay đổi bao gồm tuổi tác, giới tính, mang thai, di truyền, thể trạng. Bệnh dễ phát triển ở những người thường xuyên đứng hoặc ngồi lâu như giáo viên, thu ngân, tiếp viên hàng không…
Bác sĩ Hiếu khuyến nghị áp dụng các biện pháp làm giảm tình trạng trào ngược van tĩnh mạch giúp cải thiện suy tĩnh mạch chi dưới. Tránh đứng hoặc ngồi lâu tại chỗ, để chân cao khi ngồi hay nằm nghỉ, tập hít thở chủ động, ăn nhiều chất xơ tránh táo bón, béo phì… Người bệnh có thể mang vớ áp lực chuyên dụng, thực hiện bài tập suy giãn tĩnh mạch.
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |