Chỉ số Sp02 là gì? Đây là một trong những chỉ số quan trọng đánh giá chính xác tình hình sức khỏe của con người bên cạch 4 dấu hiệu sinh tồn truyền thống: nhiệt độ, mạch, huyết áp và nhịp thở.
Trong bài viết này, Hellobacsi sẽ đề cập đến các tình huống ảnh hưởng đến chỉ số Sp02 và các biến chứng thường xảy ra, đồng thời cũng giới thiệu đến bạn tham khảo một số cách giúp cải thiện chỉ số Sp02.
Chỉ số Sp02 là gì?
Oxy là thành phần rất cần thiết cho sự sống và cơ thể chúng ta cần một lượng oxy nhất định để có thể hoạt động bình thường. Khi oxy đi vào cơ thể qua đường mũi hoặc miệng sẽ đi qua phổi rồi vào máu. Máu sẽ kết hợp cùng hemoglobin (thành phần có trong máu) đem oxy đến các tế bào trên khắp cơ thể. Bởi tất cả các tế bào đều cần oxy để tạo ra năng lượng để hoạt động một cách hiệu quả và duy trì sự sống cho cơ thể.
Mỗi phân tử hemoglobin chứa bốn nhóm heme có thể dễ dàng liên kết với oxy phân tử có trong máu. Nghĩa là một phân tử huyết sắc tố (hemoglobin) có thể liên kết tối đa bốn phân tử oxy trong quá trình vận chuyển trong máu. Và sau khi liên kết đầu tiên xuất hiện, hemoglobin sẽ thay đổi hình dạng làm tăng sự tương thích với phân tử oxy tiếp theo. Do đó phân tử hemoglobin nhanh chóng trở nên bão hòa oxy.
Chỉ số Sp02 là gì? Đây là độ bão hòa oxy trong máu, thể hiện tỷ lệ hemoglobin có oxy trên tổng số hemoglobin trong máu. Bởi lượng oxy tự do hòa tan trong máu chỉ chiếm một phần rất nhỏ (khoảng 2%) trong tổng lượng oxy có trong máu nên mức độ oxyhemoglobin được coi là ngang bằng với hàm lượng oxy trong máu. Vì vậy, khi tất cả phân tử hemoglobin đều gắn oxy thì độ bão hòa oxy là 100% – chỉ số Sp02 ở người bình thường.
Cơ thể điều chỉnh chặt chẽ lượng bão hòa oxy trong máu, vì nồng độ oxy trong máu thấp (giảm oxy máu) có thể dẫn đến nhiều tình trạng nghiêm trọng và tổn thương các hệ cơ quan quan trọng, đặc biệt là não bộ và trái tim. Nồng độ oxy trong máu thấp cũng cho thấy phổi hoặc hệ tuần hoàn có thể đang không hoạt động như bình thường. Do đó, cần phải thường xuyên theo dõi chỉ số Sp02 để nắm rõ lượng oxy trong máu để thêm vào khi cần thiết và có biện pháp ứng phó kịp thời nếu chẳng may lâm vào tình trạng nguy hiểm.
Các phương pháp đo Sp02 là gì?
Có hai cách chính để đo hoặc kiểm tra nồng độ bão hòa oxy trong máu: thông qua xét nghiệm khí máu (ABG) và đo nồng độ oxy trong mạch (sử dụng máy đo oxy). Xét nghiệm khí máu sẽ cung cấp nhiều thông tin hơn về nồng độ bão hòa oxy so với máy đo oxy thông thường.
Đo nồng độ oxy trong mạch bằng máy đo
Máy đo nồng độ oxy trong mạch đo mức độ bão hòa oxy trong máu gián tiếp thông qua một đầu dò thường được đặt trên ngón tay hoặc dái tai của người bệnh. Đầu dò sử dụng hai nguồn sáng là ánh sáng đỏ và tia hồng ngoại sẽ được máu hấp thụ. Độ hấp thụ ánh sáng hồng ngoại cao hơn cho thấy độ bão hòa oxy tốt, trong khi độ hấp thụ ánh sáng đỏ cao hơn cho thấy độ bão hòa oxy kém. Các thông số Sp02 là gì hoặc bao nhiêu sẽ thu được từ máy đo oxy và được biểu thị bằng phần trăm.
Đây là loại xét nghiệm phổ biến nhất vì nó không xâm lấn, không đau và cung cấp kết quả nhanh chóng. Tuy nhiên, máy đo oxy được FDA phê chuẩn có thể có lỗi từ 2–3% khi so sánh với các thông số của ABG.
Máy đo nồng độ oxy trong máu thường xuyên được sử dụng trong bệnh viện nhưng bạn cũng có thể sử dụng máy đo Sp02 để đo nồng độ oxy tại nhà. Thường thì chúng sẽ có ở hiệu thuốc hoặc một số cửa hàng và trang web nhất định hoặc bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi sử dụng máy đo SpO2 tại nhà bạn cần có những lưu ý sau:
- lựa chọn máy từ những nhà sản xuất uy tín. Vì kết quả từ máy đo SpO2 sẽ ảnh hưởng rất lớn tới quá trình điều trị và theo dõi bệnh
- Lau sạch sơn móng tay, hoặc móng chân trước khi bắt đầu đo SpO2.
- Đặt tay vào máy đo đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Đảm bảo lựa chọn máy đo phù hợp với kích thước ngón tay, chân.
Xét nghiệm khí máu (ABG)
Xét nghiệm khí máu (ABG) là một phương pháp khác có thể đo chính xác mức oxy và carbon dioxide trong máu. Khi thực hiện xét nghiệm, máu được lấy từ cổ tay (xét nghiệm khí máu động mạch) hoặc dái tai (xét nghiệm khí máu mao mạch). Phương pháp ABG chủ yếu được sử dụng để xác định xem phổi có đầy đủ chức năng để trao đổi oxy và carbon dioxide hiệu quả hay không. Ngoài ra, thông qua ABG, các bác sĩ cũng có thể kiểm tra sự cân bằng axit và bazơ, được gọi là cân bằng pH, trong máu. Trong trường hợp có quá nhiều hoặc quá ít axit trong máu đều có thể gây hại cho sức khỏe.
Tuy xét nghiệm ABG có tính chính xác cao trong việc xác định chỉ số Sp02 là bao nhiêu nhưng khả năng xâm lấn nhiều hơn. Những người hay hút thuốc cũng có thể cần xét nghiệm ABG vì họ có thể có chỉ số oxy không chính xác. Việc hút thuốc khiến carbon monoxide tích tụ trong máu khiến máy đo không thể phân biệt được sự khác biệt giữa loại khí này và khí oxy.
Chỉ số Sp02 ở người bình thường là bao nhiêu?
Sp02 | Ý nghĩa |
97 – 99% | Độ bão hòa oxy trong máu tốt |
94 – 96% | Độ bão hòa oxy trong máu trung bình, cần thêm một số biện pháp cải thiện |
90 – 93% | Độ bão hòa oxy trong máu thấp, cần phải đi khám bác sĩ |
Dưới 90% | Cần phải cấp cứu |
Các dấu hiệu cho thấy Sp02 đang ở mức thấp
Khi mức oxy trong máu xuống dưới 94%, cơ thể có nguy cơ bị thiếu oxy. Đây là thuật ngữ y tế chỉ mức oxy bão hòa trong máu thấp. Nói chung, mức độ bão hòa oxy thấp hơn 90% được coi là thiếu oxy máu, nguyên nhân có thể là do bệnh hen suyễn, dị tật tim bẩm sinh, thiếu máu, viêm phổi, ngưng thở khi ngủ, phản ứng phụ của một số loại thuốc hoặc tiếp xúc với độ cao (phản ứng cao nguyên). Các triệu chứng có thể gặp như:
Điều quan trọng là phải biết mức oxy thường xuyên của mình là bao nhiêu, chỉ số Sp02 là gì, đặc biệt nếu bạn đang mắc các bệnh về đường hô hấp mãn tính. Bác sĩ có thể đưa ra khuyến nghị về mức độ oxy có thể chấp nhận được đối với từng người bệnh.
Các biến chứng sẽ xảy ra khi chỉ số Sp02 thấp
Mọi tế bào trong cơ thể đều cần oxy để hoạt động. Độ bão hòa oxy trong máu thấp có thể có nghĩa là có ít oxy hơn trong các mô, bao gồm cả các cơ quan và cơ bắp. Các tế bào có thể thích ứng với tình trạng thiếu oxy khi lượng thiếu hụt ở mức độ nhỏ. Tuy nhiên, với sự thiếu hụt lớn hơn, việc tổn thương tế bào và chết tế bào có thể xảy ra. Vậy nên, nắm được cách đọc chỉ số Sp02 là gì sẽ giúp bạn biết được tình trạng sức khỏe của mình như thế nào.
Tình trạng bão hòa oxy thường xảy ra do không có đủ oxy trong máu (hạ oxy máu). Nếu mức oxy trong máu giảm xuống dưới 80–85%, thị giác và nhận thức có thể bắt đầu bị ảnh hưởng. Ở mức 67%, nguy cơ xuất hiện hội chứng xanh tím da rất cao và có thể dẫn đến suy hô hấp, đe dọa tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, nó cũng có thể xảy ra khi:
- Không có đủ hồng cầu để mang oxy đến các mô do chảy máu nghiêm trọng sau chấn thương
- Lưu lượng máu không đủ do đột quỵ, trong đó lưu lượng máu đến một vùng não thấp hoặc lưu lượng máu đến cơ tim thấp
- Các mô cần nhiều máu được cung cấp oxy hơn mức bình thường do nhiễm trùng nặng gây nhiễm trùng huyết, có thể dẫn đến thiếu oxy và cuối cùng là suy nội tạng
Các phương pháp cải thiện chỉ số Sp02 là gì?
Nếu chỉ số Sp02 ở mức nguy hiểm (đặc biệt các trường hợp khẩn cấp), người bệnh sẽ cần liệu pháp oxy bởi não là cơ quan dễ bị thiếu oxy nhất. Các tế bào não có thể bắt đầu chết trong vòng 5 phút sau khi tình huống này xảy ra. Nếu tình trạng thiếu oxy kéo dài có thể dẫn đến hôn mê, co giật và chết não.
Nếu chỉ số Sp02 ở mức trung bình hoặc thấp, thường do các vấn đề bệnh lý thì tùy vào nguyên nhân sẽ có các kế hoạch điều trị khác nhau. Ví dụ:
- Các bệnh mãn tính như bệnh phổi tắc ghẽn mãn tính (COPD) và hen suyễn, nguyên nhân gây thiếu oxy thường là do trao đổi không khí ở phổi và phế nang thấp. Ngoài liệu pháp oxy, có thể cần dùng steroid hoặc bình xịt định liều Inhaler (thuốc giãn phế quản) để mở đường thở
- Bệnh tim khiến lưu lượng máu bị suy giảm sẽ làm giảm khả năng cung cấp oxy. Trong trường hợp này, các loại thuốc cải thiện chức năng tim, chẳng hạn như thuốc ức chế beta điều trị suy tim hoặc thuốc kê đơn điều trị rối loạn nhịp tim, có thể giúp cải thiện độ bão hòa oxy
- Bệnh thiếu máu khiến lượng máu cung cấp cho các mô bị giảm do không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh có huyết sắc tố để vận chuyển oxy. Việc truyền hồng cầu đôi khi là điều cần thiết để tăng số lượng hồng cầu khỏe mạnh cho người bệnh
Nếu chỉ số Sp02 ở mức tốt, bạn có thể thực hiện một số phương pháp tăng lượng oxy trong máu tại nhà một cách tự nhiên như:
- Đi dạo bên ngoài
- Hạn chế hút thuốc
- Trồng cây trong nhà
- Tập thể dục thường xuyên
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học và cân bằng
- Mở cửa sổ thường xuyên để không khí trong lành vào trong nhà
Chỉ số Sp02 là gì? Thường được gọi là độ bão hòa oxy, đây là thước đo lượng oxy đi qua cơ thể trong các tế bào hồng cầu. Sp02 bình thường ở người trưởng thành khỏe mạnh thường nằm trong khoảng từ 95% đến 100%. Nếu bạn có vấn đề về sức khỏe ảnh hưởng đến phổi, máu hoặc tuần hoàn thì nên thường xuyên theo dõi độ bão hòa oxy thường xuyên để đảm bảo tình trạng sức khỏe của mình.