Lao là một bệnh lý xảy ra do nhiễm vi khuẩn M. tuberculosis. Vi khuẩn này có thể tấn công vào nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, nhưng đặc biệt nguy hiểm nếu chúng gây nhiễm trùng phổi, dẫn đến lao phổi. Trong một số trường hợp không tuân thủ điều trị, bệnh có thể trở thành lao kháng thuốc và khiến cho việc kiểm soát lao càng thêm khó khăn.
Vậy lao kháng thuốc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị như thế nào? Mời bạn cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết ngay sau đây nhé!
Tìm hiểu chung
Lao kháng thuốc là gì?
Một người bị lao kháng thuốc nếu vi khuẩn M. tuberculosis gây bệnh lao phát triển và có khả năng đề kháng với ít nhất một trong các loại thuốc chống lao đang được sử dụng để điều trị bệnh. Điều này có nghĩa là thuốc không còn hiệu quả tiêu diệt vi khuẩn lao.
Có nhiều mức độ khác nhau của bệnh lao kháng thuốc bao gồm:
- Lao đa kháng thuốc (MDR-TB): Lao đa kháng thuốc là tình trạng bệnh mà vi khuẩn kháng với ít nhất một loại thuốc chống lao đầu tay như rifampin và isoniazid, đồng thời cũng có thể kháng với một số thuốc chống lao khác.
- Lao kháng thuốc trên diện rộng (XDR-TB): Đây là một loại lao đa kháng thuốc hiếm gặp, kháng lại isoniazid và rifampin, cùng với bất kỳ fluoroquinolon nào (một loại kháng sinh mạnh như ciprofloxacin) và ít nhất một trong ba loại thuốc tiêm nhóm thứ 2 (tức là amikacin, kanamycin hoặc capreomycin).
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lao kháng thuốc
Các triệu chứng của bệnh lao nói chung và triệu chứng lao kháng thuốc nói riêng bao gồm: cảm giác ốm yếu, mệt mỏi, sụt cân, sốt và đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm. Các triệu chứng khác của bệnh lao phổi có thể bao gồm: ho, đau ngực và ho ra máu.
Các triệu chứng khác nhau của bệnh lao sẽ còn tùy thuộc vào khu vực và cơ quan trên cơ thể bị ảnh hưởng. Nếu bạn có những triệu chứng này, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây bệnh lao kháng thuốc là gì?
Lao kháng thuốc có thể xảy ra khi các loại thuốc được sử dụng để điều trị lao bị lạm dụng hoặc sử dụng sai cách. Cụ thể như sau:
- Bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị lao theo hướng dẫn
- Thuốc điều trị bị kê đơn hoặc sử dụng sai, cụ thể như sai liều lượng hoặc kéo dài thời gian hơn quy định
- Thuốc điều trị thích hợp không có sẵn
- Dùng phải thuốc kém chất lượng
- Do vi khuẩn lao kháng thuốc được lây truyền nguyên phát từ người này sang người khác ngay từ ban đầu
Trong những trường hợp này, vi khuẩn gây bệnh lao có thể kháng một số hoặc tất cả các loại thuốc và gây nên bệnh lao kháng thuốc.
Yếu tố nguy cơ
Lao kháng thuốc có thể phổ biến hơn ở những người:
- Không tuân thủ phác đồ điều trị bệnh lao
- Từng được điều trị bệnh lao trước đó và tái phát bệnh
- Đến từ các quốc gia phổ biến bệnh lao kháng thuốc
- Bị nhiễm HIV/AIDS
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán bệnh lao kháng thuốc?
Lao kháng thuốc có thể được chẩn đoán và phát hiện thông qua các xét nghiệm đặc biệt trong phòng thí nghiệm để kiểm tra độ nhạy cảm của vi khuẩn với thuốc hoặc phát hiện các kiểu kháng thuốc. Các xét nghiệm này có thể là kỹ thuật phân tử (chẳng hạn như Xpert MTB / RIF) hoặc dựa trên nuôi cấy. Các kỹ thuật phân tử có thể cung cấp kết quả trong vòng vài giờ và đã được thực hiện thành công.
Lao kháng thuốc có chữa được không?
Phác đồ điều trị lao tiêu chuẩn kéo dài 6 tháng không có hiệu quả đối với những người mắc bệnh lao kháng thuốc. Bệnh lao kháng thuốc cực kỳ khó điều trị. Nếu không tìm được thuốc phù hợp để điều trị lao kháng thuốc, trong một số trường hợp, bệnh không thể chữa khỏi và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nhiều người vẫn thường thắc mắc rằng: “Lao kháng thuốc có chữa được không?”. Câu trả lời là CÓ. Việc điều trị căn bệnh này thường đòi hỏi nhiều loại thuốc khác nhau và phác đồ điều trị lao kháng thuốc cũng kéo dài hơn. Người bị lao kháng thuốc nên được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý bệnh.
Ở một số quốc gia, việc điều trị lao đa kháng thuốc ngày càng trở nên khó khăn. Các lựa chọn điều trị có thể giới hạn và khá tốn kém. Bởi không phải lúc nào các loại thuốc phù hợp, được khuyến cáo để điều trị bệnh hiệu quả cũng có sẵn. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp phải nhiều tác dụng phụ do thuốc gây ra.
Tùy vào loại thuốc bị kháng và tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn những loại thuốc khác nhau. Các loại thuốc được sử dụng cho bệnh lao kháng thuốc bao gồm:
- Thuốc fluoroquinolon thế hệ sau như levofloxacin hoặc moxifloxacin
- Thuốc kháng sinh tiêm capreomycin, kanamycin và amikacin
- Ethionamide hay prothionamide, cycloserin, para-aminosalicylic acid
- Pyrazinamide, ethambutol
- Bedaquiline, linezolid, clofazimine, amoxicillin kết hợp với acid clavulanic, isoniazid liều cao, imipenem/cilastatin
Thuốc tiêm có thể gây tác dụng phụ là mất thính lực và các vấn đề về thăng bằng. Đôi khi, phẫu thuật là cần thiết trong trường hợp bị lao phổi, nhằm loại bỏ các khu vực phổi bị phá hủy có chứa vi khuẩn và không thể tiếp cận bằng thuốc kháng sinh.
Có thể bạn quan tâm
Phòng ngừa
Những biện pháp nào giúp phòng ngừa bệnh lao kháng thuốc?
Dưới đây là một số cách giúp phòng ngừa bệnh:
- Dùng tất cả các loại thuốc điều trị lao theo đúng chỉ định của bác sĩ: Không được bỏ qua liều và không được ngừng điều trị sớm. Bệnh nhân hãy tham khảo với bác sĩ nếu gặp khó khăn khi dùng thuốc.
- Thăm khám và chẩn đoán nhanh: Bác sĩ có thể giúp bệnh nhân ngăn ngừa lao kháng thuốc bằng cách chẩn đoán nhanh các trường hợp, tuân theo các hướng dẫn điều trị được khuyến nghị, theo dõi phản ứng của bệnh nhân với việc điều trị và đảm bảo phác đồ điều trị được hoàn thành.
- Tránh tiếp xúc với những bệnh nhân lao kháng thuốc: Tránh xa những nơi đông đúc có nguy cơ nhiễm bệnh cao như bệnh viện, nhà tù, hoặc nơi tạm trú cho người vô gia cư. Nếu bạn làm việc tại các bệnh viện hoặc các cơ sở chăm sóc sức khỏe, nơi có thể gặp bệnh nhân lao, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ và bổ sung các biện pháp bảo vệ cá nhân để ngăn ngừa phơi nhiễm với bệnh lao.
Lao kháng thuốc không còn là một bệnh hiếm gặp. Hiểu rõ về căn bệnh này sẽ giúp bạn có cách phòng ngừa, thăm khám và điều trị bệnh kịp thời.
[embed-health-tool-bmi]